Nghệ nhân Nhật Bản chuyên xăm toàn thân cho giang hồ
Xăm mình không còn là chuyện hiếm trên thế giới. Tuy nhiên, theo Metropolis, những người có hình xăm thường phải nhận ánh mắt kỳ thị do ác cảm lâu đời ở Nhật Bản. Bất chấp điều đó, Yoshihito Nakano vẫn tiếp tục đam mê với nghề xăm và trở thành huyền thoại của xứ phù tang.
Hình xăm trong nhà tắm
Yoshihito Nakano (sinh năm 1946) nổi tiếng trong giới xăm mình với nghệ danh Horiyoshi III. Lần ghé thăm nhà tắm công cộng năm 9 tuổi đã thay đổi cuộc đời ông. Khi ấy, Nakano nhìn thấy một yakuza (mafia Nhật Bản) với hình xăm kín người.
Do quá ấn tượng với hình xăm này, ông đã tìm đến Yoshitsugu Muramatsu - thợ xăm huyền thoại còn được biết đến với nghệ danh Horiyoshi I. Nakano có hình xăm đầu tiên dưới bàn tay của Horiyoshi II - con trai của Yoshitsugu Muramatsu.Hình xăm của Nakano là một ký tự manji. Ông thừa nhận mình muốn giống những kẻ bất lương. "Tôi có hình xăm đầu tiên khi 11 hoặc 12 tuổi. Sự đau đớn khi xăm là lý do khiến những tác phẩm trở nên đáng giá", ông nói với Metropolis Japan.
Nakano được Horiyoshi I nhận làm học trò và tiếp nhận nghệ danh Horiyoshi III từ thầy mình vào năm 1971. Với Nakano, nghệ danh này mang nhiều ý nghĩa bởi nó gắn liền cùng tên tuổi người thầy vĩ đại của ông. Từ "Horiyoshi" hiểu đơn giản là chạm khắc, ý chỉ những thợ xăm tạo nên tác phẩm nghệ thuật trên cơ thể.
Người xăm mình cho yakuza
Theo thời gian, hình xăm ở Nhật Bản thường bị gán cho ý nghĩa xấu, liên quan đến những băng đảng phạm pháp. Bản thân Nakano từng là một phần của xã hội đen khi còn trẻ. Khi ấy, ông muốn chứng tỏ mình và cũng một phần vì thích những hình xăm mạnh mẽ.
Nhờ tài năng và các mối quan hệ trong giới, Nakano có rất nhiều khách hàng là yakuza. Khoảng cuối thế kỷ 20, ông thường xuyên xăm cho nhóm người bất lương này.
Hình xăm ở Nhật Bản thường bị nhìn bằng ánh mắt kỳ thị. Ảnh: Blend Up.
Dù vậy, những đạo luật chống tổ chức tội ác đã dần khiến các băng đảng yakuza tan rã. Lượng khách "đen" của nghệ nhân 74 tuổi vì thế cũng giảm hẳn.
Tại một sự kiện do câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Nhật Bản (FCCJ) tổ chức vào tháng 5/2012, ông Nakano khẳng định hình xăm vẫn là một biểu tượng đặc trưng của các băng đảng tội phạm Nhật Bản. Dẫu vậy, ngày nay, họ không còn bắt buộc phải xăm mình để chứng tỏ là thành viên yakuza.
Câu chuyện hình xăm và yakuza luôn khiến ông phải băn khoăn. Theo Nakano, yakuza đã làm điều xấu. Tuy nhiên, những người không xăm chưa chắc đã tốt.
"Tôi không hiểu ai đã nghĩ ra công thức yakuza = hình xăm = xấu xa. Hikeshi - những lính cứu hỏa thời Edo - đều có hình xăm. Họ liều mình dập lửa, cứu người. Đó là tinh thần hiệp sĩ. Ai sẽ bảo hikeshi là những người xấu?", ông chia sẻ.
Ông Nakano muốn thay đổi quan điểm về hình xăm của người Nhật Bản. Ảnh: Stephane Photo.
Nakano cũng dẫn chứng thêm việc Yamaguchi-gumi - nhóm yakuza lớn nhất Nhật Bản - đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người gặp nạn sau trận động đất kinh hoàng ở Kobe năm 1995. Ông đặt câu hỏi về tính nhân đạo khi người có hình xăm bị cấm hầu hết ở các điểm công cộng như phòng tắm, suối nước nóng...
Huyền thoại xăm mình của xứ anh đào hy vọng Thế vận hội Tokyo 2020 (đã lùi sang năm 2021) sẽ thay đổi quan niệm này. Nhiều vận động viên nước ngoài có hình xăm sẽ buộc những quy định cấm ở nơi công cộng phải bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, trước khi mơ về viễn cảnh đó, ông muốn cùng khách hàng của mình bình thường hóa các hình xăm trên khắp Nhật Bản.
"Ngày nay, mọi người thích xăm ở những nơi dễ thấy. Điều này khá thú vị bởi trước kia, đa số chỉ thích những hình xăm bị che đi. Mọi thứ đã thay đổi. Tôi đang thực hiện rất nhiều hình xăm ở vị trí dễ nhìn thấy", ông nói.
Lớp áo bằng mực
Nakano theo đuổi trường phái Irezumi - kiểu xăm kín toàn bộ hoặc một phần cơ thể của Nhật Bản. Loại hình nghệ thuật này xuất hiện từ khoảng 10.000 năm TCN. Tuy nhiên, đến thời Yayoi, Irezumi lại được sử dụng để xăm trên cơ thể nô lệ, tù nhân. Đây cũng là khởi điểm cho sự kỳ thị hình xăm tại xứ anh đào.
Các tác phẩm Irezumi thường tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh trên cơ thể người. Những hình ảnh được dùng chủ yếu là rồng (sức mạnh), cá Koi (nghị lực), yêu tinh (bảo vệ) và sóng (mạnh mẽ nhưng cũng bình yên).
"Khi xăm, rồng ở phần trên còn hổ sẽ phía dưới. Trong văn hóa Nhật Bản, rồng là vua bầu trời, hổ thống trị dưới đất. Rồng và hổ tượng trưng cho cuộc chiến giữa trời - đất.
Hình xăm này đại diện cho sức mạnh vì không bao giờ có người chiến thắng. Thợ xăm phải tạo hình hổ hướng lên trên. Nếu hổ thua rồng, hình xăm sẽ chẳng còn ý nghĩa", Nakano giải thích về hình xăm cơ bản của Irezumi.
Rồng, hổ là những hình ảnh đặc trưng của phong cách xăm Irezumi. Ảnh: AFP.
Thợ xăm 74 tuổi cho biết hình rồng rất được khách hàng ưa chuộng. Cứ 10 khách lại có tới 5-6 người chọn hình này. Theo ông, không con vật nào nổi bật hơn rồng. Bên cạnh việc phô diễn sức mạnh, rồng còn thể hiện tinh thần truyền thống hoặc đức tin tôn giáo.
Nakano có một trang web riêng chuyên đăng tải những hình xăm mình thực hiện. Một trong những kỹ thuật ông tâm đắc nhất là "munewari" (tạm dịch: Xẻ nửa ngực). Kiểu này đã có từ lâu với hình xăm hai bên ngực, để trống khoảng giữa, tạo cảm giác như chiếc áo đang phanh.
Kiểu "munewari" có tác dụng giúp hình xăm không bị lộ ra từ đường viền áo kimono. Nhiều phụ nữ muốn xăm Irezumi thường chọn kiểu này.
Vết xăm chằng chịt tạo thành hình giống chiếc áo. Ảnh: Tattoo in Japan.
Khi khách hàng chọn xăm kín người, Nakano luôn chừa lại phần bàn tay, bàn chân và . Theo ông, việc "xăm tham" có thể khiến tổng thể bức tranh bị hỏng. Khi xăm, Nakano luôn biết dừng ở một "điểm cắt" hợp lý như cổ tay, chân. Đây còn gọi là kỹ thuật "bukkiri".
Trên trang web cá nhân, nghệ nhân 74 tuổi này cũng giới thiệu một số hình xăm mang ý nghĩa đặc biệt.
Ví dụ, ông khuyên khách hàng nên xăm cáo chín đuôi bởi theo truyền thuyết, loài này chỉ xuất hiện khi có vị hoàng đế đức hạnh. Hình xăm rết cũng được Nakano yêu thích với tầng nghĩa bền bỉ, mạnh mẽ. Loài này vẫn có thể di chuyển dù bị cắt thành nhiều mảnh.
Hiện tại, Nakano không còn nhận thêm khách ở studio của mình tại quận Yokohama. Ông đang tập trung hoàn thành nốt các tác phẩm dang dở. Khách của Nakano có rất nhiều người ngoại quốc. Họ tìm đến vì danh tiếng của ông cũng như niềm yêu mến dành cho nghệ thuật xăm hình truyền thống ở xứ anh đào.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3246484