Nga 'thi gan' với NATO tại Ukraine
Lo ngại về khoảng 100.000 lính Nga đang tập trung sát biên giới Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO tuần qua liên tiếp công bố ý định triển khai thêm quân đến sườn phía đông của liên minh quân sự.
Trong khi đó, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc, nhấn mạnh hoạt động chuyển quân trên lãnh thổ chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Moskva còn đổ lỗi phương Tây đưa ra thông tin "kích động" về nguy cơ chiến tranh, khiến thị trường tài chính Nga rối loạn và căng thẳng khu vực leo thang.
Sau ba tháng với nhiều cáo buộc qua lại, Nga vẫn chưa có bất cứ động thái rút lực lượng nào khỏi khu vực gần biên giới Ukraine, trong khi Mỹ và các đồng minh NATO liên tục tăng sức ép và tung ra những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt "nặng nề chưa từng thấy" nhắm vào Moskva.
Andrew Roth, bình luận viên của Guardian, cho rằng Moskva đang lâm vào tình thế ngày càng khó thoái lui sau khi Mỹ và NATO thông báo sẽ điều thêm hàng nghìn binh sĩ tới sườn đông của NATO, ngay sát biên giới Nga. Nếu Tổng thống Vladimir Putin chấp nhận đơn phương rút quân khỏi biên giới Ukraine, Nga sẽ trở thành bên thua trong cuộc "thi gan" với NATO.
Các nhà hoạch định an ninh phương Tây tin rằng Nga muốn gây chiến khi đưa ra những đề xuất an ninh mà NATO cho là "không tưởng", trong đó yêu cầu liên minh không kết nạp Ukraine và rút lực lượng khỏi các nước gia nhập sau năm 1997.
Bình luận viên Roth cho rằng sau khi các vòng đàm phán an ninh với Mỹ và NATO đổ vỡ tuần trước, khi phương Tây kiên quyết không chịu nhượng bộ trước các đề xuất an ninh, Nga có thể tìm ra phương thức giải quyết êm đẹp cuộc khủng hoảng, bằng cách âm thầm rút lực lượng khỏi biên giới với Ukraine.
Giải pháp này có thể khiến Moskva "mất mặt" một chút và tiếng nói của họ giảm trọng lượng với phương Tây, nhưng Putin hoàn toàn có thể tuyên bố với người dân là Nga đã chìa nhành ô liu hòa bình và ngăn kịch bản xấu nhất diễn ra. Động thái đó trên thực tế có thể giúp Putin có thêm ủng hộ từ dư luận trong nước.
Quân đội Nga diễn tập ở Kursk, gần biên giới Ukraine vào tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.
Nhưng lối thoát này đang hẹp lại từng ngày, khi Moskva bắt đầu đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và chính trị từ động thái triển khai lực lượng quân sự tới biên giới phía tây của mình, theo Roth.
Các chính phủ phương Tây cho thấy họ đang nhìn nhận rất nghiêm túc về mối đe dọa chiến tranh từ Nga, cảnh báo trừng phạt kinh tế mạnh tay và bắt đầu sơ tán thân nhân thành viên phái đoàn ngoại giao ở Ukraine.
Nỗi lo chiến tranh làm thị trường tài chính Nga rung chuyển. Cổ phiếu Sberbank và Gazprom ngày 24/1 giảm hơn 10%. Ngân hàng Trung ương Nga phải tạm ngưng mọi lệnh mua ngoại tệ vì tỷ giá đồng roube so với USD giảm gần 6% so đầu tháng này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/1 cáo buộc phương Tây là bên khiến căng thẳng leo thang. Ông nói cuộc khủng hoảng hiện nay "do hành động từ NATO và Mỹ, cùng với những thông tin phía họ công bố", khẳng định Nga không thể chủ động nhượng bộ khi đang là "nạn nhân" từ những hành động của phương Tây.
Trong khi đó, hai bên tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua tăng vũ khí, lực lượng đến điểm nóng. Khi công khai cáo buộc chiến lược mở rộng về phía đông của NATO đe dọa an ninh quốc gia, Nga đã tự đặt mình vào tình thế buộc phải tăng quân số và điều thêm khí tài hạng nặng tới biên giới phía tây.
Để đối phó, NATO cũng tăng hiện diện quân sự và liên tục bơm vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Latvia Edgar Rinkevic ngày 24/1 nhấn mạnh NATO cần tăng hiện diện quân sự sườn đông với mục tiêu phòng vệ lẫn răn đe Nga và Belarus. Chính phủ Mỹ cuối tuần qua thông báo đang cân nhắc điều thêm hàng nghìn quân tới các nước thành viên phía đông NATO.
Một số nước trong liên minh đã cam kết đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, triển khai thêm tàu chiến và máy bay quân sự áp sát Ukraine, đề phòng xung đột nổ ra.
Khi giải pháp ngoại giao ngày càng xa tầm với, Moskva có khả năng buộc phải lựa chọn giải pháp cuối cùng là hành động quân sự để thay đổi cán cân an ninh, theo cảnh báo từ chuyên gia Rob Lee thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) bắt tay Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Senik tại sân bay quốc tế Boryspil, Kiev, Ukraine tháng này. Ảnh: AFP.
"Dựa vào cách hành xử hiện nay, Nga dường như tin rằng họ sẽ trả giá đắt hơn nếu không hành động", Lee nhận định.
Theo chuyên gia này, Tổng thống Putin còn nhiều phương án quân sự khác, ngoài đưa quân tiến vào chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, miễn là đạt mục tiêu làm suy giảm mối đe dọa an ninh từ láng giềng. Một trong những biện pháp đó là tiến hành một chiến dịch tấn công chớp nhoáng, có sử dụng ưu thế hỏa lực vượt trội để vô hiệu hóa mối đe dọa an ninh rồi rút quân. Phương án này có rủi ro và chi phí thấp hơn so với một cuộc tấn công tổng lực vào sâu trong lãnh thổ Ukraine.
Lee cảnh báo Nga đã triển khai gần như toàn bộ lực lượng từ Quân khu Siberia đến biên giới phía tây và cử một phần lớn Quân khu Miền Đông đến Belarus tham gia tập trận. Đợt triển khai lực lượng này có quy mô lớn chưa từng thấy từ khi Liên Xô tan rã.
"Vì Nga đã nhiều lần cảnh báo NATO ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng không đạt kết quả, chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng Nga leo thang quân sự nghiêm trọng ở Ukraine nếu một số yêu cầu của Moskva không được đáp ứng", Lee nhấn mạnh.
Bình luận viên Roth cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để tình trạng leo thang căng thẳng càng kéo dài, chi phí với Nga sẽ tăng lên khi phải duy trì một lượng lớn binh sĩ, khí tài bên ngoài căn cứ thường trực.
Mỹ ngày 26/1 đã gửi văn bản hồi đáp đề xuất an ninh cho Nga, trong đó đề cập một số lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác để giảm căng thẳng. "Tài liệu đã trong tay họ và quyền quyết định bước đi tiếp theo sẽ thuộc về phía Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh.
CherryHill – mang niềm vui đến cho cả gia đình
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-hep-duong-lui-trong-khung-hoang-ukraine-4421318.html