Nga quyết định rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân
"Khi Nga phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) vào năm 2000, Mỹ không hành động tương tự bởi nước này có thái độ vô trách nhiệm với các vấn đề an ninh toàn cầu", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết hôm nay, trước khi cơ quan này bắt đầu tranh luận và bỏ phiếu về quyết định rút khỏi CTBT.
Ông Volodin tuyên bố Nga sẽ làm mọi việc "để bảo vệ người dân và duy trì sự bình đẳng chiến lược toàn cầu". "Chúng tôi sẽ hủy phê chuẩn CTBT nhằm đảm bảo an ninh quốc gia", Chủ tịch Hạ viện Nga nói.
Nga là một trong những nước đầu tiên ký tham gia CTBT và quốc hội nước này phê chuẩn hiệp ước năm 2000.
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Hạ viện Nga
Theo ông Volodin, dù hủy phê chuẩn CTBT, Nga vẫn sẽ là một bên ký tham gia hiệp ước và tiếp tục hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBTO) cùng hệ thống giám sát toàn cầu.
Giới chức Nga lưu ý hủy động thái trên không đồng nghĩa Nga chuẩn bị thử bom hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov ngày 10/10 nói Nga sẽ chọn lập trường tương tự Mỹ về vấn đề, thêm rằng Washington đang thực hiện công việc chuẩn bị ở bãi thử hạt nhân bang Nevada.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky ngày 16/10 nói các thành viên cơ quan này đã đồng thuận khuyến nghị thông qua nghị quyết hủy phê chuẩn CTBT. Nghị quyết sẽ được Hạ viện Nga đưa ra bỏ phiếu ngày 17/10.
Theo Liên Hợp Quốc, kể từ năm 1945 đến khi CTBT được thông qua năm 1996, thế giới ghi nhận hơn 2.000 vụ thử hạt nhân, trong đó Mỹ thực hiện hơn 1.000 vụ, lần gần nhất năm 1992, Liên Xô thực hiện hơn 700 vụ, lần gần nhất năm 1990. Hậu quả liên quan môi trường và sức khỏe con người từ hoạt động thử hạt nhân đã thúc đẩy các nước lệnh đàm phán về lệnh cấm gần như toàn cầu.
CTBT đã được 187 quốc gia ký tham gia. CTBT cấm các vụ thử nổ hạt nhân với mục đích dân sự và quân sự, áp dụng với mọi môi trường. Tuy nhiên, hiệp ước chưa có hiệu lực, do 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân chưa phê chuẩn. Trong số đó, Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc đều đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT, còn Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan không tham gia.
Sau khi CTBT được đưa ra, thế giới đã ghi nhận 10 vụ thử hạt nhân, trong đó Ấn Độ và Pakistan mỗi nước thực hiện hai lần, Triều Tiên thực hiện 6 lần.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-neu-ly-do-huy-phe-chuan-hiep-uoc-cam-thu-hat-nhan-4665808.html