Nga đẩy mạnh chống tham nhũng trong quân đội

08:00' 28-05-2024
Với việc 5 quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga bị bắt trong tháng qua, Tổng thống Putin dường như đang thúc đẩy nỗ lực chống tham nhũng trong quân đội.


    Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 23/5 thông báo bắt Vladimir Verteletsky, lãnh đạo bộ phận mua sắm của Bộ Quốc phòng Nga, với cáo buộc lạm quyền liên quan đến một hợp đồng chính phủ năm 2022, gây thiệt hại hơn 70 triệu ruble (773.500 USD). Verteletsky là quan chức quốc phòng Nga thứ 5 bị bắt trong vòng một tháng gần đây.

    Trước đó vài giờ, trung tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ quy mô lớn.

    Khi tình hình trên chiến trường Ukraine trở nên thuận lợi hơn với Nga, Tổng thống Vladimir Putin dường như xem đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy nỗ lực thanh lọc quân đội sau những thất bại trên chiến trường trong năm 2022 và những cáo buộc tham nhũng ở Bộ Quốc phòng từng châm ngòi cuộc nổi loạn của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin hồi năm ngoái, theo giới quan sát.

    Nỗ lực này bắt đầu từ ngày 23/4, khi Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ. Kể từ đó, trung tướng Yuri Kuznetsov, người đứng đầu về nhân sự tại Bộ Quốc phòng, và thiếu tướng Ivan Popov, cựu chỉ huy từng chỉ trích giới lãnh đạo quân sự Nga về chiến dịch kém hiệu quả ở Ukraine, cũng đã bị bắt và điều tra với cáo buộc tương tự.

    Cuộc cải tổ quyết liệt tại Bộ Quốc phòng được tiến hành sau khi Tổng thống Putin nhậm chức nhiệm kỳ 5 vào đầu tháng này. Một trong những động thái lớn về nhân sự của ông trong nhiệm kỳ mới là thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, đồng minh lâu năm, bằng nhà kinh tế Andrei Belousov.

    Quyết định bổ nhiệm này được coi là nỗ lực nhằm hợp lý hóa nền kinh tế thời chiến của Nga, tập trung nguồn lực vào quân sự và chống tham nhũng trong chi tiêu quân sự.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Moskva ngày 23/5. Ảnh: AFP

    Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Moskva ngày 23/5. Ảnh: AFP

    Chiến dịch chống tham nhũng, làm trong sạch quân đội có thể không sớm kết thúc, khi hãng thông tấn nhà nước TASS ngày 23/5 cho biết cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của nhiều người liên quan tới trung tướng Shamarin.

    "Đối với ông Putin, cải tổ chính phủ là cách để lập lại trật tự, vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài và Nga cần tập trung các nguồn lực lớn trên chiến trường", Abbas Gallyamov, nhà phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, nói.

    Loạt quan chức, tướng cấp cao Bộ Quốc phòng Nga bị bắt trong bối cảnh Moskva gần đây giành lại thế chủ động ở Ukraine, liên tục phá vỡ hệ thống phòng thủ của đối phương, trong đó có đợt tấn công mạnh mẽ vào khu vực biên giới Kharkov. Ông Putin nói rằng mục tiêu của chiến dịch tấn công Kharkov là tạo vùng đệm dọc biên giới, giảm nguy cơ các vùng lãnh thổ biên giới Nga bị tấn công.

    Trung tướng Shamarin bị cáo buộc nhận hối lộ 36 triệu ruble, khoảng 400.000 USD, theo Ủy ban Điều tra Nga. Các nhà điều tra đã đóng băng toàn bộ bất động sản, tài sản và tài khoản ngân hàng của quan chức này, theo TASS. Trung tướng này phủ nhận các cáo buộc.

    Trong khi đó, thiếu tướng Popov, cựu tư lệnh Tập đoàn quân 58, bị cáo buộc "lừa đảo trên quy mô đặc biệt lớn". Ông từng là người chịu trách nhiệm phụ trách tác chiến tại tỉnh Zaporizhzhia và tham gia chống đợt phản công quy mô lớn của Ukraine trong khu vực.

    Popov năm ngoái gây chấn động dư luận Nga khi chỉ trích các lãnh đạo quân sự "cắt nguồn lực cho binh sĩ trong thời điểm khó khăn". Ông phàn nàn với Bộ Quốc phòng rằng lực lượng dưới quyền không được hỗ trợ đầy đủ, thiếu năng lực phản pháo, trinh sát pháo binh và chịu nhiều thương vong vì chiến dịch phản công của Ukraine.

    Tháng 7/2023, ông mất chức tư lệnh Tập đoàn quân 58. Trong thông điệp ghi âm gửi tới các binh sĩ dưới quyền, ông nói mình bị cách chức vì "nói sự thật với các lãnh đạo quốc phòng", trong đó có tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga.

    Với trường hợp của Popov, "ông Putin muốn cho các tướng lĩnh thấy rằng đây là hành vi bị trừng phạt và lòng trung thành là điều quan trọng", Gallyamov nói.

    Thông điệp của ông Popov lặp lại những chỉ trích mà Prigozhin, ông trùm tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner, từng đưa ra nhắm vào tướng Shoigu và Gerasimov, hai lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng Nga. Wagner từng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp lực lượng Nga kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine hồi tháng 5/2023.

    Một năm trước, ông trùm Wagner đã công khai chỉ trích các chỉ huy quân sự Nga, cáo buộc họ không đủ năng lực và tham nhũng, cũng như đổ lỗi về những thất bại trên chiến trường Ukraine. Ông đã tập trung nỗi bất bình của mình vào ông Shoigu và Gerasimov, yêu cầu chính phủ sa thải họ.

    Cuộc tranh cãi công khai vượt tầm kiểm soát, dẫn đến cuộc nổi loạn của Wagner vào tháng 6 năm ngoái. Đây là thách thức chưa từng có đối với Tổng thống Putin và Điện Kremlin. Trùm Wagner sau đó chấm dứt cuộc nổi loạn theo thỏa thuận với Moskva. Hai tháng sau, Prigozhin cùng các thân tín thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay.

    Ông Putin năm ngoái đã bác bỏ các cáo buộc mà Prigozhin đưa ra nhắm vào các lãnh đạo quốc phòng. Tuy nhiên, một năm sau, vị trí của ông Shoigu đã được thay thế và Thứ trưởng Ivanov, người thân tín của ông, bị bắt.

    Ivanov, người đã giữ vị trí thứ trưởng quốc phòng Nga trong 8 năm, bị cáo buộc nhận hối lộ một triệu ruble. Ivanov trước đó từng bị cáo buộc cùng với gia đình sống xa hoa với những chuyến đi nước ngoài đắt đỏ, những bữa tiệc xa xỉ và nắm giữ nhiều bất động sản hạng sang.

    Hệ thống chỉ huy trong Bộ Tổng tham mưu Nga cũng có nhiều xáo trộn. Trung tướng Shamarin, người hiện đối mặt với án tù lên tới 15 năm, là cấp phó của Tổng tham mưu trưởng Gerasimov. Ông Putin tuần trước nói rằng không có kế hoạch thay đổi nhân sự cấp cao nhất ở Bộ Tổng tham mưu vì cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra thành công.

    Steve Rosenberg, nhà phân tích của BBC, cho rằng Tổng thống Nga không muốn hành động dưới sức ép lớn từ bên ngoài, như vụ nổi loạn của Prigozhin, thay vào đó sẽ chọn thời điểm hành động phù hợp.

    Thiếu tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tại Moskva hồi tháng 10/2023. Ảnh: AP

    Thiếu tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tại Moskva hồi tháng 10/2023. Ảnh: AP

    Cuộc chiến Nga - Ukraine, bùng phát cuối tháng 2/2022, đã phơi bày vấn nạn tham nhũng trong quân đội Nga, theo giới quan sát. Các hành vi tham nhũng đã ảnh hưởng đến kho vũ khí của Nga, cũng như lực lượng chiến đấu và khả năng trang bị cho quân đội tiền tuyến.

    John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Moskva, cho biết các hành động quyết liệt của Nga trước đây chỉ nhắm vào các tướng trên chiến trường, trong khi những sĩ quan cấp cao ở Moskva gần như không bị ảnh hưởng. "Nhưng giờ đây, nỗ lực thanh lọc quân đội ở tiền tuyến đã được khởi động ở Moskva", ông nói.

    Ông thêm rằng Điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác ngoài kiềm chế nạn tham nhũng ngày càng tăng trong quân đội. Foreman nói "tham nhũng đang cản trở cuộc chiến đến mức họ phải làm gì đó. Ông Putin đã dốc toàn lực để giành thắng lợi trên chiến trường và bất kỳ trở ngại nào cũng đều phải xử lý".

    Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/5 cho hay cuộc chiến chống tham nhũng là "nỗ lực liên tục", dù không gọi đây là một "chiến dịch". "Đây là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-thanh-loc-quan-doi-nga-cua-ong-putin-4750012.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ