NATO dần mất kiên nhẫn với Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây dự họp với các bộ trưởng NATO ở Romania, ca ngợi sự thống nhất của liên minh trong phản ứng với xung đột Ukraine. Nhưng khi ông Blinken chào đón những người đồng cấp của mình từ Phần Lan và Thụy Điển ở Washington tuần trước, những bất đồng trong liên minh 30 thành viên trở thành vấn đề thảo luận trọng tâm.
Gần nửa năm sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6, NATO vẫn chưa thể đạt nhất trí về kết nạp hai quốc gia Bắc Âu, do vấp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, hai quốc gia thành viên chưa phê duyệt các thủ tục cần thiết.
Trong khi Hungary cam kết phê duyệt khi quốc hội nhóm họp vào tháng 2 tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chưa có bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm chấp nhận để Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO và nhiều khả năng ông có thể trì hoãn tới bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến vào giữa năm sau.
Điều này đẩy chính quyền Mỹ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi họ tìm cách duy trì liên minh ủng hộ Ukraine trước thách thức về giá năng lượng cao và sức ép chính trị trong nước.
Sự chậm trễ này cũng cho thấy một thành viên NATO hoàn toàn có khả năng cản trở các ưu tiên của liên minh, cũng như nhấn mạnh sự phức tạp trong mối quan hệ Mỹ - Thổ vào thời điểm Ankara vừa hỗ trợ Ukraine vừa tăng cường quan hệ kinh tế với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đe dọa tiến hành cuộc tấn công vào miền bắc Syria, điều mà quan chức Mỹ lo ngại có thể khiến quân đội của họ gặp rủi ro.
"Áp lực ngày một tăng với phương Tây", Gonul Tol, học giả Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông ở thủ đô Washington, nói. Khi Thổ Nhĩ Kỳ khiến liên minh phải chờ đợi, giới chức Mỹ không muốn để ông Erdogan "sử dụng lá bài gia nhập NATO" cho mục đích tìm kiếm những nhượng bộ khác.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu tại quốc hội ngày 2/11. Ảnh: Reuters.
Trước thềm cuộc thảo luận với ông Blinken tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/12, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói rằng Stockholm sẵn sàng thực hiện nhiều bước phù hợp với bản ghi nhớ về việc gia nhập vốn đã được Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển ký hồi tháng 6.
Một trong số đó là thay đổi trong hiến pháp Thụy Điển nhằm thắt chặt quy định chống khủng bố, một yêu cầu quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Stockholm cũng thông báo chấm dứt lệnh cấm vận về bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và gần đây dẫn độ một người bị cáo buộc liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm mà Ankara xem là tổ chức khủng bố.
Billstrom bày tỏ hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm phê chuẩn cho hai nước gia nhập NATO. "Bất kỳ sự chậm trễ nào không cần thiết đều rất tệ. Tôi nghĩ rằng mọi người phải có trách nhiệm và làm việc mình phải làm", ông nói.
Sau nhiều tháng chờ đợi, quan chức NATO bắt đầu gây áp lực công khai với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến thăm Istanbul đầu tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng Phần Lan và Thụy Điển đã làm tốt phần của họ theo thỏa thuận.
"Đã đến lúc chào đón Thụy Điển và Phần Lan với tư cách thành viên thực sự của NATO. Trong những thời điểm nguy hiểm này, điều quan trọng hơn nữa là hoàn tất quá trình gia nhập của họ để ngăn chặn bất kỳ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm từ Moskva", ông Stoltenberg nói.
Kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, hai nước có khả năng quân sự, được xem là đòn bẩy cho NATO và là bước lùi với Moskva, khi liên minh có thêm gần 1.300 km biên giới với Nga.
Đây không phải lần đầu tiên những lo ngại chính trị trì hoãn kế hoạch mở rộng NATO. Năm 2019, Hy Lạp đã đồng ý ủng hộ kết nạp Macedonia sau nhiều năm trì hoãn cho tới khi nước này đổi tên thành Bắc Macedonia.
Hiện chưa rõ điều gì sẽ làm hài lòng Tổng thống Erdogan, người đang chạy đua để củng cố nền tảng ủng hộ trong nước trước cuộc bầu cử vào giữa năm sau. Tuần này, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu dẫn độ "tất cả những kẻ khủng bố mà Ankara muốn" trước khi chấp thuận nỗ lực kết nạp thành viên của NATO, cho thấy chỉ một vài vụ dẫn độ là không đủ.
Mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ dường như tập trung vào Thụy Điển nhiều hơn. Hôm 7/12, truyền thông Thụy Điển đưa tin tổng chưởng lý nước này cho rằng một số cá nhân mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn không nên bị dẫn độ.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết sự chậm trễ đang tạo ra lo ngại vào thời điểm châu Âu chứng kiến biến động an ninh mạnh mẽ. Ông đề cập tới các vụ nổ đường ống Nord Stream ở Biển Baltic hồi tháng 9 và sự cố tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan tháng trước khiến hai người thiệt mạng.
"May mắn đó không phải vụ tấn công của Nga. Nhưng tất nhiên bạn có thể tưởng tượng nếu đó là vụ tấn công của Moskva, đó sẽ là tình huống rất phức tạp với các quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển. Chúng tôi liệu có nên phối hợp hành động với NATO khi chúng tôi chưa được đảm bảo bởi Điều 5?", Ngoại trưởng Phần Lan Haavisto nói, đề cập tới nguyên tắc phòng thủ chung của NATO.
Các quan chức Mỹ thừa nhận họ muốn đứng ngoài cuộc tranh luận về kết nạp Phần Lan, Thụy Điển, để tránh bị kéo vào cuộc thảo luận căng thẳng về mối quan hệ với Ankara. Trong khi Lầu Năm Góc ủng hộ đề xuất bán hàng chục chiến đấu cơ F-16 mới cho Ankara, thương vụ vấp phản đối gay gắt từ một số nhà lập pháp chủ chốt, một phần do mối quan hệ căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp.
Những chỉ trích về thương vụ này đe dọa làm tăng thêm lập trường cứng rắn của quốc hội Mỹ sau vụ Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2020, thỏa thuận dẫn tới các lệnh trừng phạt của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35 của Washington.
Cờ Phần Lan, Thụy Điển và NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ, hôm 5/7. Ảnh: AFP.
Các quan chức Mỹ thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế đặc biệt trong NATO. Ankara cung cấp máy bay không người lái và thiết bị quân sự khác cho Ukraine, đồng thời đóng vai trò trung gian giữa NATO và Tổng thống Nga Vladimir Putin, giúp các bên ký thỏa thuận ngũ cốc.
Ankara cũng tăng cường quan hệ kinh tế với Nga bất chấp các vòng trừng phạt của phương Tây với Moskva. Giới chức phương Tây cảnh báo việc Thổ Nhĩ Kỳ chậm trễ phê duyệt kết nạp Phần Lan, Thụy Điển vào NATO có thể mang lại lợi ích cho ông Putin, người từ lâu phàn nàn về sự mở rộng của NATO.
Soner Cagaptay, học giả Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, cho rằng Tổng thống Erdogan sẽ dỡ "đá tảng" cản đường Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO ngay trước thềm cuộc bầu cử năm sau, sau khi tối đa hóa lợi ích chính trị từ các nhượng bộ của hai nước này.
Ông thêm rằng dù giới chức Mỹ muốn đứng ngoài cuộc tranh luận Thụy Điển - Phần Lan - Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể phải vào cuộc để giúp các bên đạt thỏa thuận cuối cùng. "Dù ông Biden nói rằng sẽ không làm bất kỳ điều gì, tôi nghĩ Nhà Trắng vẫn cần can thiệp vào phút cuối", Cagaptay nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-ket-nap-thanh-vien-nato-vap-da-tang-tho-nhi-ky-4546016.html