Mỹ hứa chia sẻ vaccine cho thế giới
Thế giới đã ghi nhận 119.072.630 ca nhiễm nCoV và 2.640.283 ca tử vong, tăng lần lượt 479.148 và 9.840, trong khi 94.571.061 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổng thống Joe Biden hôm 11/3 tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên vaccine Covid-19 cho người dân trong nước, nhưng sẵn sàng chia sẻ những lô vaccine dư thừa với thế giới.
"Chúng tôi sẽ bảo đảm người dân Mỹ được chăm sóc trước tiên, sau đó tìm cách hỗ trợ phần còn lại của thế giới", Biden nói sau khi thông báo kế hoạch mua thêm 100 triệu liều vaccine, thêm rằng Mỹ đã cam kết cung cấp 4 tỷ USD cho chương trình COVAX để phân phối vaccine Covid-19 đến các nước đang phát triển.
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định đại dịch sẽ không thể chấm dứt trừ khi nó bị chặn đứng ở mọi quốc gia. "Chúng ta sẽ không thể an toàn cho đến khi cả thế giới an toàn", Biden nói.
Caccine Covid-19 được chuẩn bị tại điểm tiêm chủng ở bang California, Mỹ, hôm 11/3. Ảnh: AFP.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 29.919.290 ca nhiễm và 543.557 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 66.260 và 1.643 trường hợp so với một ngày trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nới lỏng các biện pháp hạn chế với những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19, cho phép họ tụ tập theo nhóm ở trong nhà mà không cần đeo khẩu trang.
Alaska, một trong những bang tiêm chủng thành công nhất, trở thành nơi đầu tiên ở Mỹ tiêm vaccine cho bất kỳ ai từ 16 tuổi trở lên, trong khi nhiều bang khác mới tiêm vaccine cho người trên 65 tuổi và gặp rủi ro cao.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 1.972 ca tử vong, tăng gấp đôi so với một ngày trước, nâng tổng số lên 272.889. Số ca nhiễm nCoV tăng 71.745 trong 24 giờ qua, lên 11.277.717.
Bệnh viện tại các thành phố lớn của Brazil đang gần chạm ngưỡng quá tải, trong đó những khu điều trị tích cực (ICU) dành để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 15 trên 27 bang đã vượt ngưỡng 90%. Bệnh viện tại Porte Alegre đã phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vì hết giường ICU.
Ấn Độ báo cáo thêm 21.566 ca nhiễm và 112 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.305.877 và 158.325. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiêm tiêm vaccine Covid-19 cho một số khu vực đã ghi nhận ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong những tuần gần đây, trong đó có cả thủ đô New Delhi.
Ấn Độ khởi động quá trình tiêm chủng vaccine cho người dân từ giữa tháng 1 và ít nhất 12 triệu nhân viên y tế cùng các nhân viên tuyến đầu nước này đã được tiêm vaccine. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào giữa tháng 8.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.241.677 người nhiễm và 125.168 người chết, tăng lần lượt 6.753 và 181 trường hợp. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết những dữ liệu này là dấu hiệu tích cực, nhưng người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. "Hãy nhớ chúng ta ở đâu hồi mùa hè năm ngoái. Chúng ta kiểm soát được bệnh dịch ở mức thấp hơn hiện nay rất nhiều và sau đó đợt bùng phát xảy ra", ông nói.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 27.166 ca nhiễm và 265 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.990.331 và 89.830.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 11/3 cho biết không có lý do để đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, bất chấp một số nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã ngừng tiêm loại vaccine này do lo ngại nguy cơ hình thành máu tụ trên một số người được tiêm.
"Lợi ích của vaccine AstraZeneca được đánh giá là cao hơn các nguy cơ vào thời điểm này", Bộ trưởng Veran nói.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.546.510 ca nhiễm và 73.560 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 13.655 và 284 ca so với một ngày trước đó.
Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Đức có khởi đầu chậm chạp do thiếu nguồn cung và tình trạng quan liêu. Mới chỉ có 6,9% trong 83 triệu người dân Đức được tiêm ít nhất một liều vaccine, khiến người đứng đầu Ủy ban Đạo đức Đức phải kêu gọi chính phủ cho các phòng khám triển khai tiêm chủng các sớm càng tốt.
Quan chức y tế chính phủ và các bang của Đức thống nhất rằng bác sĩ gia đình có thể tiêm vaccine từ giữa tháng 4, nhưng cho rằng các trung tâm tiêm chủng lớn vẫn cần nhận được tối thiểu 2,25 triệu liều vaccine mỗi tuần.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.403.722 ca nhiễm, tăng 5.144, trong đó 38.049 người chết, tăng 117. Nước này bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế, công chức và nhân viên các ngành thiết yếu hồi tháng 1. Khoảng 2,28 triệu người dân Indonesia đã được tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 607.048 ca nhiễm và 12.608 ca tử vong, tăng lần lượt 3.749 và 63 ca.
Moderna hôm 6/3 thông báo đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Philippines 13 triệu liều vaccine Covid-19, có thể bắt đầu giao hàng từ giữa năm nay. Moderna cho biết họ cũng dự kiến đạt được một thỏa thuận riêng với chính phủ Philippines và khu vực tư nhân để cung cấp thêm 7 triệu liều vaccine.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hon-119-trieu-ca-covid-19-toan-cau-my-hua-chia-vaccine-du-thua-voi-the-gioi-4247242.html