Mỹ chưa tính đến việc thiết lập hộ chiếu vaccine
Thế giới đã ghi nhận 118.123.421 ca nhiễm nCoV và 2.620.393 ca tử vong, tăng lần lượt 402.013 và 9.338, trong khi 93.749.239 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở Texas, Mỹ, ngày 9/2. Ảnh: Reuters.
Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với 29.793.353 ca nhiễm và 540.282 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 47.530 và 1.409 trường hợp so với một ngày trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nới lỏng các biện pháp hạn chế với những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19, cho phép họ tụ tập theo nhóm ở trong nhà mà không cần đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, người dân Mỹ vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng và tránh đi lại không cần thiết. Những người đã tiêm vaccine cũng cần tránh các buổi tập trung đông người, phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhiều người chưa tiêm phòng từ các gia đình khác nhau hoặc người có nguy cơ gặp triệu chứng nặng của Covid-19.
Khi được hỏi về việc các đơn vị tư nhân đang thảo luận khái niệm "hộ chiếu vaccine", cho phép người Mỹ chứng minh họ đã được tiêm chủng Covid-19 trước khi di chuyển, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính phủ hiện chỉ tập trung vào nỗ lực tiêm chủng.
"Chúng tôi nhận thức được rằng khi ngày càng có nhiều người dân Mỹ được tiêm chủng, mọi người sẽ đặt câu hỏi về việc làm thế nào họ có thể chứng minh mình đã tiêm vaccine... Hiện tại, trọng tâm của chính phủ Mỹ vẫn là tiêm vaccine cho nhiều người hơn nữa. Chúng tôi sẽ nghĩ về cách giúp mọi người chứng minh khi chúng tôi đã thúc đẩy được nhiều người tiêm chủng hơn", bà nói hôm 9/3.
Khi được hỏi liệu chính quyền có muốn tham gia vào việc thiết lập các tiêu chuẩn hay không, bà đáp: "Có rất nhiều ý tưởng sẽ được đề xuất từ khu vực tư nhân, phi lợi nhuận. Chúng tôi hoan nghênh tất cả, nhưng mối quan tâm mà chính quyền liên bang hướng tới lúc này chỉ là tiêm chủng thêm cho thật nhiều người, và đó là thứ mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng nguồn lực của mình một cách tốt nhất".
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai toàn cầu, báo cáo thêm 16.846 ca nhiễm và 113 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.261.470 và 158.079.
Chính phủ Ấn Độ hôm 6/3 đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiêm tiêm vaccine Covid-19 cho một số khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong những tuần gần đây, trong đó có cả thủ đô New Delhi.
Ấn Độ khởi động quá trình tiêm chủng vaccine cho người dân từ giữa tháng 1 và ít nhất 12 triệu nhân viên y tế cùng các nhân viên tuyến đầu nước này đã được tiêm vaccine. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào giữa tháng 8.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 1.756 ca tử vong, tăng gấp đôi so với một ngày trước, nâng tổng số lên 266.398. Số ca nhiễm nCoV tăng 66.949 trong 24 giờ qua, lên 11.122.429. Ca tử vong hàng ngày ở Brazil liên tục ở mức cao kỷ lục từ hôm 3/3.
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo Brazil có thể ghi nhận 3.000 ca tử vong do nCoV hàng ngày nếu không có hành động nghiêm túc để ngăn sự lây lan của đại dịch.
Nguồn tin từ Bộ Y tế Brazil cho biết nước này chưa có dấu hiệu áp đặt thêm biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 do Tổng thống Jair Bolsonaro phản đối. Tổng thống Brazil liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch toàn cầu, thậm chí còn yêu cầu người dân hãy dừng "than vãn"sau khi ghi nhận số ca tử vong do nCoV cao kỷ lục hai ngày liên tiếp.
Giới chức Brazil cảnh báo hệ thống y tế tại nước này đang bên bờ vực sụp đổ, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đặc biệt lo ngại tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.228.998 người nhiễm và 124.797 người chết, tăng lần lượt 5.766 và 231 trường hợp. Đây là mức tăng ca nhiễm mới thấp nhất tại Anh kể từ tháng 9 năm ngoái.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết những dữ liệu này là dấu hiệu khả năng, nhưng người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. "Hãy nhớ chúng ta ở đâu hồi mùa hè năm ngoái. Chúng ta kiểm soát được bệnh dịch ở mức thấp hơn hiện nay rất nhiều và sau đó đợt bùng phát xảy ra", ông nói.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 23.302 ca nhiễm và 316 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.932.862 và 89.301.
Hàng trăm nghìn người ở miền bắc nước Pháp hôm 6/3 quay lại tình trạng phong tỏa khi giới chức y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng toàn quốc để bù đắp khởi đầu chậm chạp. Hơn hai triệu người trên khắp nước Pháp phải chịu các hạn chế cuối tuần, buộc phải ở nhà trừ khi có giấy miễn trừ.
Lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h hôm sau đã được áp dụng, các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Những hạn chế mới này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vốn đã khó khăn.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.520.609 ca nhiễm và 72.981 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 6.841 và 283 ca so với một ngày trước đó.
Người dân Đức cuối tuần qua đã đổ xô đến chuỗi siêu thị Aldi để mua các kit xét nghiệm nhanh Covid-19 trong ngày đầu tiên mở bán trên toàn quốc. Các kho dữ trữ của Aldi đã sạch hàng chỉ sau vài giờ. Từ ngày 8/3, tất cả người dân Đức được làm xét nghiệm nhanh miễn phí một lần mỗi tuần, do chuyên gia thực hiện tại các hiệu thuốc hoặc trung tâm xét nghiệm chính phủ chỉ định.
Chính phủ Đức đang dựa chủ yếu vào xét nghiệm nhanh để đưa đất nước vượt qua giai đoạn tiếp theo của đại dịch, trong bối cảnh người dân quá mệt mỏi với các biện pháp hạn chế nhưng tốc độ tiêm chủng Covid-19 vẫn chậm chạp.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.392.945 ca nhiễm, tăng 6.389, trong đó 37.757 người chết, tăng 210. Dữ liệu từ chính phủ Indonesia cho thấy nước này bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế, công chức và nhân viên các ngành thiết yếu hồi tháng 1. Khoảng 2,28 triệu người dân Indonesia đã được tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 600.428 ca nhiễm và 12.528 ca tử vong, tăng lần lượt 2.668 và 7 ca.
Moderna hôm 6/3 thông báo đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Philippines 13 triệu liều vaccine Covid-19, có thể bắt đầu giao hàng từ giữa năm nay. Moderna cho biết họ cũng dự kiến đạt được một thỏa thuận riêng với chính phủ Philippines và khu vực tư nhân để cung cấp thêm 7 triệu liều vaccine.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hon-2-6-trieu-ca-tu-vong-vi-ncov-toan-cau-my-chua-tinh-den-ho-chieu-vaccine-4246070.html