Mỹ cắt mọi nguồn tài chính của Triều Tiên
Cắt nguồn tài chính của Triều Tiên
Trong một nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn tiền của chính quyền Triều Tiên, sắc lệnh trừng phạt mới của Mỹ chỉ trao cho các thể chế tài chính một lựa chọn duy nhất: hoặc Mỹ hoặc Triều Tiên.
“Các thể chế tài chính nước ngoài bây giờ cần lưu ý rằng: họ có thể chọn làm ăn với Mỹ, hoặc chọn làm ăn với Triều Tiên, nhưng không thể chọn cả hai”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với các phóng viên tại cuộc họp báo công bố lệnh trừng phạt.
Sắc lệnh hành pháp mới đã trao cho Bộ Tài chính Mỹ thẩm quyền đình chỉ bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào có các hoạt động giao dịch, hoặc hỗ trợ giao dịch thương mại với Triều Tiên được phép hoạt động ở Mỹ.
Theo đó, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tiến hành các hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ với Triều Tiên đều sẽ bị cấm tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ.
Việc trừng phạt các ngân hàng làm ăn với cả Mỹ và Triều Tiên từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi ở Mỹ vì lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng ngày càng tiến xa trong tham vọng hạt nhân của nước này, một số ý kiến cho rằng so với thiệt hại về kinh tế, cái giá phải trả cho an ninh quốc gia vẫn lớn hơn.
Mạng lưới vận tải
Trong một động thái nhằm làm suy yếu nền kinh tế Triều Tiên, sắc lệnh trừng phạt mới của Mỹ cũng nhắm đến các hoạt động vận tải và thương mại có liên quan tới Bình Nhưỡng bằng cách không cho phép các thực thể vi phạm tiếp cận lãnh thổ Mỹ.
Theo đó, các tàu hoặc máy bay bị phát hiện tới Triều Tiên sẽ bị cấm vào Mỹ trong vòng 180 ngày. Ngoài ra, bất kỳ tàu nào có liên quan tới mạng lưới vận chuyển với một tàu từng tới Triều Tiên cũng sẽ bị cấm vào Mỹ trong khoảng thời gian tương tự.
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin không nêu cụ thể về số lượng tàu hoặc máy bay bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh trừng phạt mới, song khẳng định con số này sẽ “rất lớn”.
“Chúng tôi sẽ phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng tuần duyên và với các lực lượng khác trong vấn đề này”, ông Mnuchin cho biết.
Các lĩnh vực khác
Theo sắc lệnh mới, Bộ Tài chính Mỹ cũng có thẩm quyền trừng phạt bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào liên quan tới các ngành công nghệ vận tải, may mặc, khai mỏ, y tế, sản xuất, công nghệ thông tin, thủy hải sản, dịch vụ tài chính, năng lượng, xây dựng của Triều Tiên.
Ngoài ra, bất kỳ đối tượng nào sở hữu, kiểm soát, vận hành bất kỳ cảng nào ở Triều Tiên, hoặc có ít nhất một giao dịch xuất khẩu hay nhập khẩu lớn về hàng hóa, dịch vụ hay công nghệ với Triều Tiên cũng nằm trong diện bị trừng phạt của Mỹ.
Như vậy, sắc lệnh mới đã mở rộng quy mô trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên. Trước đây, Washington chủ yếu tập trung nhắm mục tiêu trừng phạt tới các doanh nghiệp nước ngoài có liên hệ với quân đội Triều Tiên.
Trung Quốc không phải mục tiêu
Ngay sau khi sắc lệnh trừng phạt được công bố, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu sắc lệnh này sẽ tác động như thế nào tới Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên hiện nay?
“Tôi muốn nói rõ rằng sắc lệnh này chỉ nhắm mục tiêu tới một quốc gia duy nhất, đó là Triều Tiên”, Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết ông đã trao đổi với lãnh đạo của ngân hàng trung ương Trung Quốc về những tác động có thể xảy ra sau khi sắc lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Theo Bộ trưởng Mnuchin, vị lãnh đạo Trung Quốc nói rằng ông mong muốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề này.
Tổng thống Trump cũng thông báo trong cuộc họp báo rằng ông vừa nghe được thông tin về việc Trung Quốc đã đề nghị ngân hàng trung ương của nước này “ngay lập tức dừng quan hệ giao dịch với Triều Tiên”.
“Tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì động thái kiên quyết mà ông đã làm hôm nay. Đây là một hành động khá bất ngờ và chúng tôi trân trọng điều đó”, Tổng thống Trump nói.
Sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump công bố ngày 21/9 là một thông tin hoàn toàn gây bất ngờ vì trước đó không có bất kỳ thông tin rò rỉ nào được đưa ra về thời điểm nhà lãnh đạo Mỹ ký sắc lệnh này.
Theo Hill, đây là bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump hoàn toàn có khả năng tự hành động nếu ông muốn mà không cần thông qua Quốc hội, đặc biệt trong các vấn đề mà tổng thống xem là cấp bách.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/my-chan-moi-cua-lam-an-cua-trieu-tien-bang-sac-lenh-trung-phat-moi-20170922082700835.htm