Mưa lũ thảm khốc tại Pakistan
Những ngôi nhà lụp xụp ở Panjal Sheikh bắt đầu đổ sập, hết cái này tới cái khác, khi mưa xối xả trút xuống ngôi làng nhỏ bé miền Nam Pakistan và nhấn chìm những khu vực rộng lớn xung quanh.
Sau gần hai tuần mưa như trút nước, không còn gì ngoài những bức tường rách nát, mảnh vỡ và đống đồ đạc ngổn ngang nhô lên giữa những vũng nước lũ màu nâu và bùn xám.
Cư dân của Panjal Sheikh nằm trong số hàng chục triệu người trên khắp Pakistan nếm trải trận lũ lụt gió mùa tồi tệ nhất trong ba thập kỷ, đã phá hủy gần một triệu ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của 1.136 người, theo công bố mới nhất từ chính phủ Pakistan hôm 29/8.
Cả làng bị xóa sổ
"Khi trời bắt đầu mưa, mọi hướng đều bị tàn phá", Mukhtiar Ahmed, cư dân Panjal Sheikh, chia sẻ.
Một gia đình di tản giữa dòng nước lụt ở quận Charsadda, Khyber Pakhtunkhwa hôm 29/8. Ảnh: AFP. |
Khi chúng tôi cố gắng cứu những đứa trẻ trong một ngôi nhà vừa bị sập, một ngôi nhà khác sập xuống, và sau đó là ngôi nhà khác. Toàn bộ ngôi làng đã bị xóa sổ”, ông nói với AFP.
Pakistan thường hứng chịu những trận mưa lớn - với sức tàn phá khủng khiếp - trong đợt mưa gió mùa hàng năm, điều vốn rất quan trọng đối với nông nghiệp và nguồn cung cấp nước.
Tuy nhiên, thiệt hại từ đợt mưa lũ năm nay ở mức thảm khốc chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif hôm 29/8 nói rằng những trận mưa gió mùa gây lũ lụt lớn trên khắp Pakistan "chưa từng có tiền tệ trong 30 năm qua”.
"Biển nước lũ ở khắp mọi nơi", thủ tướng nói khi ông đi thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở phía bắc để chỉ đạo các hoạt động cứu trợ.
Giới chức Pakistan đổ lỗi cho biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới.
“Chúng tôi rất đau đớn”
“Mức độ thảm họa rất sốc”, theo lời ông Ghulam Rasool, 80 tuổi, người đứng đầu làng Panjal Sheikh - nằm cách bờ sông Indus chưa đầy 25 km.
"Có một âm thanh lớn đột ngột, và chúng tôi chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra", ông nói với AFP.
Lúc đầu, ông tưởng rằng ngôi nhà nhỏ của con trai mình trên mảnh đất gia đình đã bị sập.
“Chúng tôi đã tưởng cả bốn người trong nhà đều chết”, ông Rasool kể lại, trong đó đề cập tới con trai, con dâu và 2 đứa con trong gia đình nhỏ.
Khi gia đình cố gắng nhưng không ngăn được nước lũ dâng cao, người con gái đang mang thai của ông Rasool - Naheed Sheikh - đã chuyển dạ.
Naheed Sheikh, 30 tuổi, cho biết: “Tôi cảm thấy cơn đau nhưng sợ hãi không dám nói với bất cứ ai. Cuối cùng tôi nói với mẹ”.
Lái xe giữa cơn mưa, gia đình đã đưa được Naheed đến một bệnh viện tồi tàn. Tại đây, cô con gái bé bỏng của Naheed đã chào đời.
Thử thách của Naheed chưa dừng lại ở đó. Cơn ác mộng tiếp diễn khi cô về nhà.
"Tôi đang ngủ trong phòng của mình... thì cảm thấy căn phòng sắp sập xuống", cô nói với AFP.
"Tôi lao ra ngoài với con gái trong tay và các bức tường đổ ngay khi chúng tôi vừa thoát ra".
Những căn phòng ông Rasool đã xây cho các con trai và con gái khác của mình cũng lần lượt sụp đổ.
Các nạn nhân lũ lụt xếp hàng dài chờ phân phát thực phẩm tại Rajanpur, tỉnh Punjab hôm 28/8. Ảnh: AP. |
Sau 13 ngày mưa ròng rã, gia đình ông Rasool chẳng còn lại gì. Vị trưởng làng tự tay đẩy những bức tường yếu còn sót lại để chúng không đổ vào người qua đường.
"Mọi thứ đều bị phá hủy. Chúng tôi thậm chí không thể nấu một bữa ăn. Chúng tôi đang ở tận cùng khổ đau”, ông Rasool khắc khoải.
Hôm 29/8, những hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Maxar Technologies đã phơi bày quy mô của thảm họa với những ngôi nhà, cánh đồng bị nhấn chìm hoàn toàn dọc sông Indus, cũng như các thành phố Rajanpur và Rojhan thuộc Punjab - tỉnh đông dân nhất của Pakistan.
Ảnh vệ tinh cảnh tượng ở thành phố Rojhan, phía đông Pakistan gần sông Indus vào ngày 24/8 (trái) và 28/8 (phải). Ảnh: Maxar Technologies. |
Video do quân đội Pakistan công bố cho thấy các binh sĩ đang nỗ lực giải cứu bằng máy bay trực thăng những người mắc kẹt trong nước lũ - trong đó có một cậu bé bị mắc kẹt trên những mảnh đá ở giữa dòng sông nước chảy cuồn cuộn ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, tây bắc nước này.
Theo báo cáo tình hình mới nhất của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA), lũ quét đã phá hủy hơn 3.000 km đường sá, 130 cây cầu và 495.000 ngôi nhà bị hư hại, khiến việc tiếp cận các khu vực bị ngập lụt càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Butto-Zardari hôm 28/8 đã nói trước cuộc họp của Liên Hợp Quốc rằng trận lũ lụt mùa mưa năm nay đã “tàn phá hoàn toàn mọi thứ”.
“Tôi chưa từng thấy bất kỳ sự tàn phá nào ở quy mô như lần này. Tôi cảm thấy rất khó để diễn đạt thành lời bằng những cụm từ mà chúng ta vẫn thường dùng về tình trạng thời tiết này, cho dù gọi là mưa gió mùa hay lũ lụt, dường như chừng đó vẫn đủ để diễn tả sự tàn phá và thảm họa mà chúng ta đang chứng kiến", ông Bilawal Butto-Zardari chia sẻ.
Viện trợ quốc tế đang bắt đầu đổ vào Pakistan sau khi nước này kêu gọi sự giúp đỡ từ nước ngoài. Những đợt cứu trợ đầu tiên đáp ứng lời kêu gọi nói trên đã tới Pakistan hôm 29/8 trên các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch cứu trợ lớn nhằm giảm thiểu thiệt hại của thảm họa gây ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người.
Hơn một nửa diện tích Pakistan (màu cam) đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Đồ họa: Guardian. |
Peter Ophoff, người đứng đầu phái đoàn của Liên đoàn Chữ Thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ở Pakistan nói rằng mạng lưới cứu trợ của tổ chức đã kêu gọi hơn 25 triệu USD để trợ giúp khẩn cấp cho khoảng 324.000 người ở nước này.
"Nhìn vào những thiệt hại đáng kinh ngạc mà đợt lũ lụt đã gây ra, chúng tôi nhận ra rằng các nỗ lực cứu trợ sẽ cần nhiều thời gian. Đó sẽ là một chặng đường dài và gian nan phía trước khi người dân Pakistan bắt đầu hành trình trở về nhà, hay có thể nói là trở về với những gì còn lại trong ngôi nhà”, ông Ophoff nói.
Salman Sufi, quan chức Bộ Nội vụ Pakistan, hôm 28/8 cho biết Mỹ, Anh, UAE cùng nhiều nước khác đã hỗ trợ, song nước này cần nhiều nguồn tài trợ hơn, xét trên thiệt hại hiện nay, BBC cho hay.
"Pakistan đang vật lộn với các vấn đề kinh tế, nhưng khi chúng tôi gần vượt qua thì lại gặp thiên tai mùa mưa", ông Sufi nói, nhấn mạnh đất nước đang rất cần sự hỗ trợ của quốc tế.
Các nạn nhân lũ lụt xếp hàng dài chờ phân phát thực phẩm tại Rajanpur, tỉnh Punjab hôm 28/8. Ảnh: AP. |
Mùa mưa "quái vật"
Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu Pakistan Sherry Rehman hôm 25/8 khẳng định nước này đang vật lột với đợt mưa gió mùa thứ 8, một hiện tượng bất thường ở quốc gia thường chứng kiến khoảng 3-4 đợt mưa như vậy vào thời điểm này hàng năm.
Bà khẳng định Pakistan đang trải qua “một trong những thảm họa khí hậu nghiêm trọng nhất thế giới”.
“Pakistan chưa từng phải đối mặt với đợt mưa như trút liên tục như vậy. Điều này khác xa so với mùa mưa thông thường”, bà Rehman nói.
Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu Pakistan Sherry Rehman phát biểu trong cuộc phỏng vấn với AP tại Islamabad hôm 29/8. Ảnh: AP. |
“Trận lụt năm 2010 khiến một phần năm diện tích Pakistan chìm trong biển nước. Trận lụt lần này còn tồi tệ hơn”, bà Rehman bổ sung. “Giờ đây, một đại dương nước đang nhấn chìm nhiều quận huyện của Pakistan trong mùa mưa chưa từng có”.
"Tại thời điểm này, chúng ta đang ở vùng số 0 tại tuyến đầu của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã xuất hiện từ đầu năm nay, từ một loạt các đợt nắng nóng không ngừng, cháy rừng, lũ quét, vỡ hồ băng và bây giờ là cơn mưa gió mùa quái vật của thập kỷ", bà nhấn mạnh.
Trong bình luận hôm 29/8, Ngoại trưởng Butto-Zardari cho rằng Pakistan đang hững chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu khi các quốc gia khác có lượng khí thải carbon lớn hơn không làm gì để cắt giảm.
Ông nói: “Pakistan chỉ chiếm một lượng không đáng kể trong tổng lượng khí thải carbon, nhưng chúng tôi đang bị tàn phá bởi những thảm họa khí hậu như thế này hết lần này đến lần khác và chúng tôi phải thích ứng với nguồn lực hạn chế”.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/pakistan-cau-cuu-the-gioi-tuc-toc-tro-giup-post1348123.html