Lo lắng về tương lai, giới trẻ Trung Quốc siết hầu bao

11:39' 22-01-2025
Trung Quốc- Lo lắng về tương lai, một số người dưới 30 tuổi tích cực tiết kiệm đến 80% tháng lương, điều có thể ảnh hưởng đến sức mua nội địa.


    Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu - tương tự Instagram, nhiều người trẻ Trung Quốc dưới 30 tuổi gần đây chia sẻ kinh nghiệm về cách tiết kiệm chi phí cho bữa trưa văn phòng và mua sắm giá rẻ.

    Những người có ảnh hưởng (influencer) cũng chia sẻ mẹo biến kỷ luật tài chính thành lối sống. Những bài viết về cách tiết kiệm tiền đạt hơn 1,5 triệu bài đăng với hơn 130 triệu lượt xem trên nền tảng này.

    "Tôi cảm thấy nền kinh tế hiện tại khá kém, dường như ai cũng khó kiếm tiền. Vì vậy, tôi nghĩ bảo vệ ví tiền của mình là điều quan trọng", Ava Su, một nhân viên gia nhập Alibaba cách đây hơn sáu tháng sau khi tốt nghiệp, cho biết.

    Ở tuổi 26, Su nói đang có mức lương tương đối thoải mái nhưng nhìn nhận ngành Internet "không ổn định". Cô đã giảm chi tiêu tùy hứng và lập kế hoạch dài hạn để tiết kiệm 2 triệu nhân dân tệ (273.512 USD) – gấp 100 lần lương tháng của mình.

    Làm giáo viên tiếng Anh trung học ở Thâm Quyến, Lily Li (26 tuổi) tiết kiệm 80% mức lương hơn 10.000 nhân dân tệ (1.364 USD) mỗi tháng, cắt giảm đáng kể các khoản không thiết yếu như quần áo hoặc xem ca nhạc.

    Kể cả với hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), báo cáo chung của công ty tư vấn Bain & Company và hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết doanh số tại Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong 9 tháng đầu 2024 so với cùng kỳ 2023. Khối lượng tiêu thụ tăng 4,6% nhưng giá bán trung bình giảm 3,6%.

    "Chúng tôi chứng kiến mức giảm giá bán trung bình lớn nhất kể từ 2021. Cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhu cầu tăng cao với các sản phẩm thật sự đáng tiền", Rachel Lee, Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Trung Quốc nói tháng trước.

    Trong khi đó, dữ liệu từ Yu'e Bao, một quỹ thị trường tiền tệ trực tuyến phổ biến trên ứng dụng thanh toán Alipay, người dùng sinh sau năm 2000 gửi tiền vào quỹ này trung bình 10 lần mỗi tháng vào tháng 5/2024, tăng 10% so với 2023.

    Số tiền trung bình trong tài khoản mỗi người vào tháng đó là gần 3.000 nhân dân tệ (410 USD), tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Đến cuối năm, nhóm người dùng trẻ này gửi tiết kiệm vào quỹ trung bình 20 lần mỗi tháng, tức tăng gấp đôi.

    Người tiêu dùng mua sắm tại một cửa hàng quần áo giảm giá ở Bắc Kinh ngày 14/7/2024. Ảnh: Reuters

    Người tiêu dùng mua sắm tại một cửa hàng quần áo giảm giá ở Bắc Kinh ngày 14/7/2024. Ảnh: Reuters

    Một số nhà kinh tế cảnh báo thói quen tiết kiệm ăn sâu có thể làm suy giảm nhu cầu trong khi các nhà hoạch định chính sách đang kỳ vọng tiêu dùng nội địa thúc đẩy GDP. Tâm lý yếu kéo dài, vốn dẫn đến giảm giá tiêu dùng từ ôtô đến trà sữa, nguy cơ làm suy yếu tiềm năng dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    Tình hình hiện tại hoàn toàn trái ngược với thái độ chi tiêu hào phóng của thế hệ được gọi là "moonlight" – những người sinh vào thập niên 1980 và 1990. Những người này từng chứng kiến cơ hội việc làm gia tăng, thu nhập ngày càng cao và chất lượng cuộc sống không ngừng cải thiện. Họ nổi tiếng với việc tiêu sạch lương mỗi tháng, theo giáo sư Ho-fung Hung từ Đại học Johns Hopkins.

    Tuy nhiên, Covid-19, kinh tế giảm tốc và việc chính phủ siết chặt hoạt động các công ty công nghệ cũng như các ngành khác đã khiến thế hệ trẻ ngày nay cảm thấy cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. "Mất niềm lạc quan như vậy là lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách thị trường năm 1978", ông Hung nói.

    Ngoài tiết kiệm, nhiều người trẻ tìm kiếm các công việc "bát cơm sắt" (iron rice bowl), thuật ngữ mô tả công việc tại các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp quốc doanh, nơi họ tin rằng có sự ổn định hơn. Cô giáo Lily Li mới nhận công việc hiện tại vào tháng 9/2024. Li từng mong muốn làm việc trong lĩnh vực doanh nghiệp nhưng đã chọn nghề giáo viên vì sự ổn định. Cô vẫn có kế hoạch tìm công việc khác trong 2-3 năm tới, nhưng không chắc chắn về cơ hội của mình. Su cũng định sẽ tham gia kỳ thi công chức trong tương lai.

    Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm khoảng 100 triệu người Trung Quốc từ 16-24 tuổi vẫn ở mức cao trong hai năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023, khiến giới chức phải ngừng công bố số liệu này để "đánh giá lại" cách thu thập dữ liệu. Sau hiệu chỉnh, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vào tháng 12 năm ngoái là 15,7%.

    Không giống như lối sống hưởng thụ trọn vẹn của thế hệ Millennials - sinh từ 1981 đến 1996, nỗi lo lắng hiện sinh (existential anxiety) của Gen Z - sinh từ 1997 đến 2012 - tại Trung Quốc ngày càng lớn. Đây là một trạng thái lo âu hoặc bất an liên quan đến những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa, mục đích và bản chất cuộc sống.

    Trong các xã hội hiện đại, đặc biệt ở thế hệ trẻ Gen Z, nỗi lo về hiện sinh thường gắn liền với những thách thức bao gồm bất ổn kinh tế, khiến họ cảm thấy bất định về tương lai và nghi ngờ khả năng kiểm soát cuộc sống của mình.

    Tại Trung Quốc, người trẻ đề cập nhiều đến xu hướng "tang ping" (nằm phẳng), "involution" (trạng thái mắc kẹt trong vòng quay vô nghĩa), hay "sang culture" (văn hóa thất bại), thậm chí là thái độ thờ ơ với cuộc sống.

    "Xu hướng 'involution' có thể làm gia tăng cạnh tranh về giá và thúc đẩy giảm phát khi các công ty cạnh tranh cho nhu cầu yếu hơn", Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis ở Hong Kong, nhận định. Chuyên gia cảnh báo tiêu dùng yếu có thể dẫn đến nguy cơ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc giảm tốc.

    Bain & Company và Kantar Worldpanel dự báo thị trường tiêu dùng Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi vào 2025 nhờ các chính sách tài khóa chủ động của Bắc Kinh và hoạt động phát phiếu mua hàng của các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đà phục hồi này sẽ diễn ra ở mức khiêm tốn vì cần thời gian để các yếu tố kinh tế cơ bản được cải thiện và niềm tin của người tiêu dùng được khôi phục.

    "Cần sự kiên nhẫn và thời gian để các gói kích thích phát huy hiệu quả đầy đủ, nhưng chúng có khả năng dần dần củng cố niềm tin của người tiêu dùng, sau đó chuyển hóa thành mức tiêu dùng cao hơn", Bruno Lannes, chuyên gia tại Bain & Company nhận định.

    GDP Trung Quốc năm 2024 tăng 5%, theo dữ liệu chính thức. Các dự báo quốc tế cho rằng tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay và 2026.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/gioi-tre-trung-quoc-siet-hau-bao-4841221.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ