Một loại vũ khí Mỹ không phát huy tác dụng trên chiến trường Ukraine
"Một công ty mà tôi không muốn nêu tên đã triển khai ý tưởng thú vị là cải tiến một loại vũ khí không đối đất thành phiên bản phóng từ mặt đất, từ đó tạo ra hệ thống hỏa lực tầm xa", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm Bill LaPlante nói trong phiên thảo luận tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu tại Mỹ hôm 25/4, đề cập đến một trong những khí tài được Washington viện trợ cho Kiev.
Ông LaPlante không đề cập loại vũ khí và công ty cụ thể, nhưng mô tả này khớp với Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do tập đoàn Boeing của Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng có thể đang đề cập loại vũ khí mới, chưa từng được công bố trước đây.
"Họ chạy đua thử nghiệm và sản xuất nhanh nhất có thể", LaPlante cho hay, thêm rằng giới chức Mỹ đã gỡ bỏ nhiều yêu cầu thử nghiệm để đẩy nhanh tốc độ chuyển giao loại vũ khí này cho Ukraine. "Chúng tôi chỉ đề nghị họ kiểm tra để bảo đảm an toàn, còn quá trình thử nghiệm tác chiến sẽ diễn ra ngay tại thực địa. Vũ khí đó được gửi đến Ukraine và không hoạt động".
Thiết kế quả đạn GLSDB với bom GBU-39 gắn trên rocket M26. Đồ họa: SAAB
Quan chức Mỹ liệt kê hàng loạt lý do khiến loại vũ khí này trở nên "vô dụng", như môi trường tác chiến bị chế áp điện tử dữ dội, chưa có chiến thuật sử dụng và quy trình vận hành hoàn thiện.
"Khi vũ khí được gửi đến những người đang chiến đấu, họ sẽ dùng thử vài lần và nhanh chóng vứt bỏ nếu chúng không có tác dụng. Đó là điều đã diễn ra với loại đạn này", Thứ trưởng LaPlante nói.
Bộ Quốc phòng Mỹ và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng thông tin mà ông LaPlante đưa ra có thể gây tác động diện rộng, do quân đội Mỹ và nhiều nước đồng minh đang biên chế số lượng rất lớn bom đường kính nhỏ (SDB) dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS). Việc các hệ thống tác chiến điện tử Nga có thể vô hiệu hóa vũ khí dẫn đường bằng GPS của Mỹ có thể buộc Washington và đồng minh thay đổi phương thức tác chiến trong xung đột tương lai.
"Mỹ có thể tăng cường độ tín hiệu GPS mã hóa ở một số khu vực để đối phó các biện pháp gây nhiễu, nhưng chưa rõ liệu biện pháp này có khắc phục được tình trạng đối phương chế áp điện tử hay không", cây bút Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Đây không phải lần đầu giới chức Mỹ thừa nhận vũ khí chính xác cao được chuyển cho Ukraine không đạt hiệu quả tác chiến. Hàng loạt vũ khí dẫn đường bằng GPS như bom JDAM, đạn pháo Excalibur và rocket HIMARS, vốn được ca ngợi là "có độ chính xác tuyệt vời", đã liên tục bắn trượt mục tiêu ở Ukraine do bị tác chiến điện tử Nga gây nhiễu.
GLSDB do hai tập đoàn Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển hợp tác phát triển, là sự kết hợp giữa rocket M26 với bom đường kính nhỏ GBU-39, có thể khai hỏa từ pháo phản lực HIMARS và M270 giống dòng tên lửa ATACMS, hoặc bắn từ hệ thống phóng riêng.
Đạn GLSDB dẫn đường bằng vệ tinh, có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. GLSDB đạt tầm bắn tối đa khoảng 150 km, cao gấp đôi các loại rocket GLMRS thường được khai hỏa bởi pháo HIMARS và M270, song kém hơn một chút so với ATACMS.
Truyền thông Nga cho biết loại vũ khí này lần đầu được sử dụng hồi tháng 2, khi các mảnh vỡ của nó được phát hiện tại thành phố Kremennaya ở tỉnh Lugansk.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-thua-nhan-mot-loai-dan-tam-xa-vo-dung-vi-bi-nga-gay-nhieu-4739054.html