Sinh viên khắp nước Mỹ tổ chức biểu tình, yêu cầu chấm dứt chiến sự Gaza

20:00' 29-04-2024
Sinh viên loạt trường đại học Mỹ biểu tình, yêu cầu chấm dứt chiến sự Gaza và phản đối các mối liên hệ của nhà trường với Israel mà họ cho là hỗ trợ cuộc chiến.


    Đại học Nam California ngày 25/4 phải hủy lễ tốt nghiệp và lãnh đạo nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ đang vô cùng lo lắng với nguy cơ phải ra quyết định tương tự vào tháng tới, khi phong trào biểu tình phản đối chiến sự Gaza lan rộng trong sinh viên toàn quốc.

    Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong xung đột ở Dải Gaza đang diễn ra tại hàng chục trường đại học trên toàn nước Mỹ, khi sinh viên dựng lều trại, kiểm soát các tòa nhà trong khuôn viên trường, phớt lờ yêu cầu giải tán của cảnh sát.

    Một số trường phản ứng bằng cách gọi cảnh sát tới giải tán đám đông sinh viên, dẫn đến những cuộc đụng độ và bắt bớ ngay trong khuôn viên trường, trong khi lãnh đạo những trường khác cố gắng kiềm chế, chờ đợi sóng biểu tình hạ nhiệt khi học kỳ sắp kết thúc.

    Sinh viên Đại học Nam California bị cảnh sát bắt khi tham gia cuộc biểu tình phản chiến trong khuôn viên trường ngày 24/4. Ảnh: AFP

    Sinh viên Đại học Nam California bị cảnh sát bắt khi tham gia cuộc biểu tình phản chiến trong khuôn viên trường ngày 24/4. Ảnh: AFP

    Theo AP, các cuộc biểu tình phản chiến này có nguồn gốc từ phong trào Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt (BDS) kéo dài hàng thập kỷ, chống lại các chính sách của Israel đối với người Palestine.

    Phong trào tăng nhiệt khi chiến sự ở Dải Gaza bước sang tháng thứ 6. Ngày 24/4, hàng trăm sinh viên dựng lều trên Bãi cỏ Nam trong khuôn viên Đại học Columbia ở New York, vẫy cờ Palestine, hô vang khẩu hiệu phản đối "cuộc diệt chủng" ở Gaza.

    "Chúng tôi muốn thể hiện hành động thực tế. Nhà trường nên có động thái trước những gì chúng tôi đang yêu cầu. Họ nên ngừng đầu tư vào 'nạn diệt chủng' này", Mahmoud Khalil, sinh viên dẫn dắt cuộc biểu tình ở Đại học Columbia, nói.

    Đến trưa hôm đó, lãnh đạo Đại học Columbia yêu cầu cảnh sát New York triển khai lực lượng giải tán đám đông, tháo dỡ lều trại, với lý do cuộc biểu tình "đe dọa rõ ràng đến hoạt động cơ bản của trường". Tổng cộng 108 người biểu tình đã bị bắt hôm đó.

    Hành động mạnh tay của cảnh sát với sinh viên Đại học Columbia đã thổi bùng nỗi giận dữ ở các trường đại học khác của Mỹ, khiến các cuộc biểu tình nhanh chóng bùng phát và lan rộng.

    Sinh viên biểu tình kêu gọi một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza, chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Israel, yêu cầu các trường đại học ngừng nhận tiền đầu tư từ các nhà sản xuất vũ khí và những công ty hưởng lợi từ cuộc chiến, cũng như ân xá cho các sinh viên, nhân viên nhà trường bị kỷ luật hoặc sa thải vì tham gia biểu tình.

    Sinh viên dựng lều biểu tình tại khuôn viên Đại học George Washington, ngày 25/4. Ảnh: AP

    Sinh viên dựng lều biểu tình tại khuôn viên Đại học George Washington, ngày 25/4. Ảnh: AP

    Loạt cuộc biểu tình được phối hợp bởi liên minh các nhóm sinh viên, thường gồm cả chi hội địa phương của các tổ chức như Sinh viên vì Công lý ở Palestine (SJP) hay Tiếng nói vì Hòa bình của người Do Thái (JVP). Họ liên kết thành các tổ chức như Liên minh Chống Phân biệt Chủng tộc của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hay Liên minh Tahrir của Đại học Michigan.

    Sinh viên Mỹ cũng kêu gọi các trường đại học cắt quan hệ với bất kỳ doanh nghiệp nào đang thúc đẩy các nỗ lực quân sự của Israel ở Dải Gaza, ngừng nhận tiền nghiên cứu của Israel để thực hiện các dự án hỗ trợ nỗ lực quân sự cho nước này, ngừng tài trợ cho các bên hưởng lợi từ công ty hoặc nhà thầu Israel, minh bạch và công bố mục đích sử dụng từ các khoản tiền nhận được từ Israel.

    Hội đồng sinh viên tại một số trường còn thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt đầu tư, hợp tác học thuật với Israel, trong đó có hội sinh viên Đại học Columbia, Đại học Luật Harvard, Đại học Rutgers, Đại học American.

    Tại nhiều trường, sinh viên biểu tình cho hay họ không biết mức độ hợp tác giữa nhà trường với Israel, nhưng yêu cầu ban lãnh đạo chấm dứt bất kỳ khoản tài trợ, đầu tư nào liên quan đến Tel Aviv. Trên thực tế, các đại học có nguồn tài trợ lớn sẽ rải tiền vào nhiều khoản đầu tư, rất khó hoặc không thể điều tra đích đến của những dòng tiền này.

    Truyền thông Mỹ cho biết Bộ Giáo dục yêu cầu các đại học nước này kê khai quà tặng và hợp đồng từ các nguồn nước ngoài, song xuất hiện vấn nạn kê khai không đầy đủ. Các đại học thậm chí lách luật bằng cách chuyển tiền thông qua các quỹ riêng, hoạt động thay mặt nhà trường.

    Dữ liệu từ Bộ Giáo dục cho thấy khoảng 100 đại học Mỹ kê khai quà, hợp đồng từ Israel, tổng giá trị 375 triệu USD, trong 20 năm qua, nhưng có rất ít thông tin về nguồn gốc chính xác của nguồn tiền và cách chúng được sử dụng.

    Làn sóng biểu tình ở các trường đại học Mỹ ngày 22/4. Đồ họa: WSJ

    Làn sóng biểu tình ở các trường đại học Mỹ ngày 22/4. Đồ họa: WSJ

    Một số sinh viên MIT công bố tên của một số nhà nghiên cứu trong trường đã nhận hơn 11 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Israel cho các dự án "có thể giúp điều khiển máy bay không người lái (UAV) và phòng thủ tên lửa" trong 10 năm qua. Ban giám hiệu MIT không trả lời yêu cầu bình luận của truyền thông Mỹ.

    Các sinh viên cho biết họ mong muốn các đại học phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ vai trò nào trong hỗ trợ quân đội Israel. "Họ đang buộc chúng tôi, các sinh viên, phải đồng lõa với 'nạn diệt chủng' này", Quinn Perian, sinh viên MIT năm hai, lãnh đạo một nhóm sinh viên Do Thái kêu gọi phản chiến, nói.

    Trong khi đó, sinh viên Đại học Michigan cáo buộc nhà trường chuyển hơn 6 tỷ USD cho các nhà đầu tư hưởng lợi từ công ty, nhà thầu Israel, yêu cầu chấm dứt dòng đầu tư này. Họ cho rằng số tiền đó chảy vào các công ty sản xuất UAV, tiêm kích và công nghệ giám sát phục vụ các trạm kiểm soát của Israel ở Gaza.

    Ban giám hiệu Đại học Michigan cho biết không có khoản đầu tư trực tiếp nào với các doanh nghiệp Israel, trong khi các khoản đầu tư gián tiếp thực hiện thông qua quỹ chỉ chiếm 1% trong 18 tỷ USD vốn tài trợ của nhà trường. Ban giám hiệu từ chối lời kêu gọi thoái vốn mà người biểu tình đưa ra, khẳng định họ sẽ tiếp tục "bảo vệ các khoản đầu tư khỏi áp lực chính trị".

    Ngoài lời kêu gọi thoái vốn, sinh viên Đại học Harvard và Đại học Yale còn yêu cầu nhà trường minh bạch hơn về các dòng tiền liên quan đến Israel. Đây cũng là một trong những yêu cầu chính của sinh viên Đại học Emerson ở Boston.

    Các sinh viên Emerson dựng 12 căn lều treo đầy khẩu hiệu trong khuôn viên trường, bên trong có túi ngủ. Họ ngồi trên sàn đá lát, gõ luận án, ôn tập cho các bài thi cuối kỳ.

    "Tôi rất muốn về tắm rửa, nhưng sẽ không rời đi cho đến khi đạt được các yêu cầu của mình hoặc bị cảnh sát giải tán", Owen Buxton, sinh viên điện ảnh, nói.

    Sinh viên biểu tình tại khuôn viên Đại học George Washington, ngày 25/4. Ảnh: AP

    Sinh viên biểu tình tại khuôn viên Đại học George Washington, ngày 25/4. Ảnh: AP

    Một số đại học nói muốn đối thoại với sinh viên và tôn trọng quyền biểu tình của họ, nhưng cho biết nhiều sinh viên Israel đã bày tỏ lo ngại trước các hành vi, lời nói mang tư tưởng bài Do Thái của người biểu tình. Các nhà trường khẳng định điều này là "không thể chấp nhận".

    Sylvia Burwell, hiệu trưởng Đại học American, bác bỏ và chỉ trích nghị quyết của hội sinh viên yêu cầu chấm dứt đầu tư, quan hệ đối tác với Israel.

    "Những hành động này đe dọa quyền tự do học thuật, tự do bày tỏ quan điểm cũng như các giá trị hòa nhập trong cộng đồng giáo dục", ông Burwell nói

    Tại Đại học Yale ở bang Connecticut, cảnh sát ngày 22/4 bắt 48 người biểu tình cắm trại ở trung tâm khuôn viên trường, chủ yếu là sinh viên.

    Hiệu trưởng Yale Peter Salovey cho biết sau khi lắng nghe ý kiến của sinh viên, ban cố vấn về trách nhiệm nhà đầu tư của Yale đã khuyến nghị không nên thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí quân sự.

    "Cần có những đối thoại nghiêm túc về cách các đại học hỗ trợ khu vực Trung Đông, nhưng nhà trường không thể để một nhóm biểu tình quyết định điều này", hiệu trưởng Minouche Shafik của Đại học Columbia cũng ra tuyên bố.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-sinh-vien-khap-nuoc-my-bieu-tinh-phan-doi-chien-su-gaza-4738801.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ