Mỗi người ăn cả thìa nhựa mỗi tuần, có cách nào hạn chế đưa đồ nhựa vào cơ thể?
Cuộc sống của chúng ta được bao quanh bởi rất nhiều nhựa. Nhựa có trong hầu hết các món đồ con người sử dụng mỗi ngày như chai lọ nhựa, túi nilon, đồ chơi, đồ sinh hoạt hàng ngày... Nhưng liệu bạn có biết, nhựa cũng đang ở trong chính cơ thể mình.
Một nghiên cứu chỉ ra có hơn 5 nghìn tỉ những mảnh nhựa nhỏ trên khắp các đại dương và 90% trong số đó là những hạt vi nhựa (các hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm). Những hạt vi nhựa này đang xâm nhập vào cơ thể thông qua nước uống, thủy hải sản chúng ta ăn.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về mối nguy hiểm của việc ăn phải những vi nhựa này, trang Reuters đã dùng hình ảnh thực tế nhất để cho chúng ta thấy lượng nhựa mà mỗi người ăn sau những khoảng thời gian khác nhau. Những hình ảnh này dựa trên 50 nghiên cứu về việc tiêu thụ vi nhựa.
Bạn chắc chắn sẽ rất sốc khi biết rõ số lượng nhựa mình ăn mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi năm và nó thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có hành động ngăn chặn.
Mỗi tuần - một thìa vi nhựa
Mỗi tuần, chúng ta tiêu thụ gần 2.000 hạt vi nhựa, tương đương với 5 gam nhựa - ngang với một chiếc thẻ tín dụng và tương đương trọng lượng của một nắp chai nhựa. Lượng nhựa này cũng đủ để làm đầy một chiếc thìa.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), một người bình thường có khả năng tiêu thụ 1.769 hạt vi nhựa mỗi tuần từ nước uống.
Mỗi tháng - nửa bát vi nhựa
Trong một tháng, chúng ta tiêu thụ 21 gam nhựa, tương đương với trọng lượng của 5 viên xúc xắc và lượng vi nhựa đó bằng nửa bát cơm.
Mặc dù điều này nghe có vẻ không nhiều, nhưng lượng vi nhựa mà bạn ăn sẽ ngày càng tăng lên và khoa học vẫn chưa xác định được đầy đủ những ảnh hưởng của việc ăn phải vi nhựa với sức khỏe con người.
Tiến sĩ Thava Palanisami, Đại học Newcastle (Australia), người đã làm việc trong nhóm nghiên cứu của WWF, cho biết: “Tất cả những gì chúng tôi biết là mọi người đang ăn nó và nó có khả năng gây độc. Đó chắc chắn là một vấn đề đáng lo ngại”.
Sau 6 tháng - một bát đầy vi nhựa
Trong sáu tháng, mọi người tiêu thụ 125 gram hạt vi nhựa - tương đương với một bát đầy. Trong 50 năm qua, việc sản xuất nhựa đã tăng mạnh dẫn đến việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm nhựa dùng một lần làm tàn phá môi trường, bãi biển và khiến các loài động vật hoang dã chết ngạt.
Nhựa không phân hủy sinh học mà phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn và cuối cùng nó có ở khắp mọi nơi kể cả trong chuỗi thức ăn.
Mỗi năm - một đĩa vi nhựa
Trong khoảng thời gian một năm, lượng nhựa tiêu thụ của mỗi người đạt tổng cộng 250 gram, lượng nhựa này bằng một đĩa đồ ăn đầy ắp của bạn. Trong đó có chứa không ít vi nhựa mà chúng ta hít phải từ không khí, đặc biệt là ở môi trường đô thị.
Mỗi thập kỷ - 2,5kg nhựa
Với tốc độ tiêu thụ này, chúng ta có thể ăn 2,5kg nhựa trong một thập kỷ, tương đương với một chiếc phao cứu sinh tiêu chuẩn.
Theo ước tính của WWF, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn nhựa trong đại dương vào năm 2025. 75% tổng số nhựa từng được sản xuất trở thành chất thải, trong khi khoảng 87% chất thải bị rò rỉ vào tự nhiên và gây ô nhiễm.
Mỗi đời người - 20kg vi nhựa
Với tốc độ tiêu thụ 1.972 hạt vi nhựa mỗi tuần, sau 79 năm con số này tương đương với hơn 8 triệu hạt vi nhựa. Toàn bộ lượng vi nhựa này nặng khoảng 20kg, đủ để lấp đầy hai thùng tái chế.
WWF cảnh báo rằng những ước tính trên có thể thay đổi theo hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào sự thay đổi từ chính phủ và của tất cả mọi người.
Tổng giám đốc WWF, ông Marco Lambertini cho biết những phát hiện này sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với các chính phủ. Ông cho biết: “Nhựa không chỉ đang gây ô nhiễm đại dương hay sông ngòi, giết chết các sinh vật biển mà nó còn đang nằm trong chính cơ thể của chúng ta. Hành động mang tính toàn cầu là điều cần thiết để giải quyết vấn đề này.”
6 cách để con người hạn chế ăn phải vi nhựa
1. Uống nước máy thay vì nước đóng chai
Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Frontiers in Chemistry, nước từ chai nhựa có hàm lượng vi nhựa cao gấp đôi lượng vi nhựa trong nước máy. Vì vậy, trừ khi nước máy của bạn bị nhiễm các hóa chất không an toàn, chẳng hạn như chì, có lẽ tốt nhất là nên uống nước từ vòi nước máy ở nhà. Lưu ý nhớ đun sôi nước trước khi dùng.
2. Hâm nóng thức ăn trên chảo thay vì hâm nóng trong hộp nhựa
Một số loại nhựa nếu được đun nóng có thể ngấm hóa chất vào thực phẩm. Vì vậy, nếu bạn muốn hâm nóng thức ăn, hãy cho vào chảo và đun nóng trên bếp hoặc quay nóng trong lò vi sóng nhưng nhớ sử dụng hộp thủy tinh.
3. Bảo quản thực phẩm trong hộp thủy tinh
Mọi người nên mua và bảo quản thực phẩm trong thủy tinh, silicone. Không nên bảo quản thực phẩm bằng đồ nhựa.
Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo rằng hộp đựng thực phẩm bằng nhựa có mã tái chế 3, 6 và 7 có thể chứa các hóa chất có thể gây hại, trừ khi chúng được dán nhãn “biobased” hoặc “greenware”. Thay vào đó, hãy sử dụng hộp đựng bằng thủy tinh hoặc silicone.
4. Ăn đồ tươi sạch
Nên ăn thực phẩm tươi càng nhiều càng tốt, đừng tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm đã qua chế biến được bọc trong ni lông.
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), mặc dù mức độ vi nhựa trong nông sản phần lớn chưa được kiểm tra, nhưng các sản phẩm này ít có khả năng khiến bạn tiếp xúc với các hóa chất độc hại hơn, đặc biệt là khi so sánh với những đồ qua chế biến được bọc trong nhựa.
5. Hút bụi thường xuyên
Bụi trong ngôi nhà của bạn có thể chứa vi nhựa và hóa chất có trong nhựa, chẳng hạn như phthalates. Làm sạch bụi có thể giúp giảm lượng nhựa bạn hít vào, đặc biệt là nếu bạn phải ở trong nhà một thời gian dài do cách ly xã hội. Cách tốt nhất là bạn nên hút bụi thường xuyên để giúp cho căn nhà của bạn luôn sạch sẽ.
6. Thay đổi thói quen dùng nhựa
Mỗi người đều cần hành động để hạn chế việc tiếp xúc với nhựa. Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm được đóng gói bằng thủy tinh thay vì nhựa, đặc biệt cần hạn chế đồ nhựa dùng một lần.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/moi-nguoi-an-ca-thia-nhua-moi-tuan-va-cach-giup-han-che-dua-do-nhua-vao-co-the-c131a482023.html