Máy bay đa dụng An-2 trở thành vũ khí lợi hại của Triều Tiên

12:03' 05-09-2017
Khả năng bay cực thấp và gần như tàng hình trước radar giúp máy bay đa dụng An-2 trở thành vũ khí lợi hại của Triều Tiên.


    Đặc nhiệm Triều Tiên diễn tập đổ bộ từ máy bay An-2. Ảnh: KCNA.
    Đặc nhiệm Triều Tiên diễn tập đổ bộ từ máy bay An-2. Ảnh: KCNA.

    Tướng Lee Wang-keun, tham mưu trưởng không quân Hàn Quốc, hôm 31/8 cảnh báo Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc bất cứ lúc nào. Giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang nắm trong tay một vũ khí có vẻ lạc hậu nhưng đủ sức gây thiệt hại lớn cho Seoul. Đó là máy bay đa dụng Antonov An-2, phương tiện chở quân chủ lực của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên, theo Drive.

    Dù sở hữu đội quân thường trực hơn một triệu người, những vũ khí lạc hậu từ thập niên 1960 và 1970 cùng hạn chế về hậu cần khiến Triều Tiên gặp bất lợi lớn so với quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Để bù đắp yếu kém về trang bị, Triều Tiên chú trọng phát triển lực lượng đặc nhiệm hùng hậu khoảng 200.000 người. Được ví như "quả đấm thép" của Bình Nhưỡng, đội quân này có thể thực hiện các nhiệm vụ bí mật ở khắp bán đảo Triều Tiên và nước ngoài.

    Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên được biên chế thành 25 lữ đoàn và 5 tiểu đoàn độc lập, có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tấn công ở khu giới tuyến phi quân sự (DMZ), cũng như nhảy dù đổ bộ và ám sát trên lãnh thổ Hàn Quốc. Cục Huấn luyện Bộ binh hạng nhẹ Triều Tiên đóng vai trò tương tự Bộ Tư lệnh Đặc biệt Mỹ (SOCOM), là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp các đơn vị đặc nhiệm của nước này.

    Để hỗ trợ lực lượng đổ bộ đường không, Bình Nhưỡng biên chế hàng trăm phi cơ An-2 với khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn dã chiến. Mỗi chiếc An-2 có thể mang theo 12 lính đặc nhiệm, bay ở độ cao và tốc độ hành trình thấp, đủ sức lẩn tránh radar phòng không của Hàn Quốc.

    Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, Triều Tiên có thể lợi dụng đêm tối để triển khai hàng trăm chiếc An-2 xâm nhập không phận Hàn Quốc. Tổ lái An-2 có thể coi đây là một dạng nhiệm vụ tự sát, nhằm đưa lực lượng đặc nhiệm vào sâu trong lãnh thổ đối phương và có thể bị bắn rơi bất cứ lúc nào. Chiến thuật luồn sâu của đặc nhiệm nhảy dù Triều Tiên là một trong những lý do chính khiến các căn cứ không quân Hàn Quốc luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

    Loại máy bay hai tầng cánh lạc hậu này cũng có thể trở thành hệ thống triển khai vũ khí hạt nhân phi truyền thống, giúp Bình Nhưỡng bất ngờ loại bỏ căn cứ quân sự hoặc ưu thế quan trọng của đối phương mà không cần dùng tên lửa đạn đạo.

    Tuy ra đời từ năm 1947, dòng An-2 vẫn sở hữu nhiều ưu thế đặc biệt, khiến chúng là mối đe dọa không thể xem thường của Triều Tiên. Vỏ ngoài máy bay được phủ vật liệu vải gần như không phản xạ sóng radar, khiến chúng khó bị phát hiện trên radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực. Ngoài ra, khả năng hành trình ở độ cao cực thấp và bám sát địa hình của An-2 càng gây khó khăn cho việc phát hiện và đánh chặn kịp thời.

    Tốc độ chậm thường bị coi là nhược điểm khi xâm nhập lãnh thổ đối phương. Tuy nhiên, điều này lại giúp An-2 lẩn tránh radar phòng không của Hàn Quốc, bởi bộ lọc của chúng thường bỏ qua các vật di chuyển chậm, đặc biệt là ở góc xiên so với thiết bị phát. Ngay cả thủ đô Washington D.C. của Mỹ, nơi có không phận được canh phòng nghiêm ngặt nhất nước này, radar cảnh giới của Lầu Năm Góc cũng không thể phát hiện một máy bay không người lái cho đến khi nó hạ cánh xuống bãi cỏ đồi Capitol.

    Nhà phân tích Tyler Rogoway cho rằng số lượng và chất lượng của vận tải cơ An-2 hoàn toàn phù hợp với kế hoạch tác chiến của Bình Nhưỡng. Họ đang biên chế khoảng 300 chiếc An-2. Trong thời chiến, Hàn Quốc sẽ không có đủ tiêm kích và tên lửa phòng không để bắn hạ chúng, ngay cả khi có thể phát hiện và khai hỏa. Ngay cả khi nhiều chiếc bị bắn hạ, các phi đội An-2 vẫn kịp đổ bộ hàng nghìn lính đặc nhiệm xuống lãnh thổ đối phương.

    Bên cạnh đó, những chiếc An-2 có thể được chỉnh sửa để mang vũ khí đối đất như rocket và bom không điều khiển. Sau khi thả đặc nhiệm, các phi đội này có thể chủ động tung đòn tấn công vào căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc. Không quân Triều Tiên từng diễn tập nội dung không kích mặt đất bằng những chiếc An-2 trong quá khứ, cho thấy đây là một khả năng dễ xảy ra trong chiến tranh.

    Nếu không có đường băng cất cánh, chúng có thể xuất phát từ rất nhiều địa điểm trên đất Triều Tiên. Vũ khí tốt nhất để đối phó với An-2 là hệ thống phòng không tầm ngắn, khí tài có thể phát hiện và tấn công máy bay tầm thấp có diện tích phản xạ radar nhỏ. Tuy nhiên, số lượng pháo phòng không kiểu này ở Hàn Quốc rất hạn chế và chúng cũng chỉ có thể tấn công vài mục tiêu trước khi hết đạn.

    Ngay khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận chung hồi tuần trước, Triều Tiên cũng tiến hành một cuộc tập trận pháo binh quy mô, đồng thời thực hành tấn công đổ bộ gần biên giới trên biển với sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm và vận tải cơ An-2. Đây là động thái để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực trong tương lai.

    Việc Triều Tiên huy động khí tài lạc hậu tham gia tập trận thường bị xem nhẹ, nhưng với chiến thuật sử dụng hợp lý, phi đội vận tải cơ An-2 vẫn là vũ khí lợi hại mà liên quân Mỹ - Hàn không thể xem thường, chuyên gia Rogoway nhấn mạnh.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1882328


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ