Mắc hội chứng cổ rùa vì mê chơi điện thoại
Hàng ngày, bé Hoàng Yến (13 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) phải đến khoa Phục hồi chức năng (BV Đức Giang) để điều trị ngoại trú vì bị hội chứng cổ rùa. Khai thác tiền sử và khám lâm sàng cho thấy, nguyên nhân mắc hội chứng cổ rùa của bé Yến là do thói quen sinh hoạt như dùng nhiều thiết bị điện tử, ngồi học sai tư thế.
Bé Yến thừa nhận, bản thân được bố mẹ chiều chuộng, khi kết thúc năm học nếu đạt thành tích cao sẽ được thưởng điện thoại hoặc ipad mới. Những kỳ nghỉ hè trước, ngoài những lúc đi học thêm, nữ sinh này còn được chơi điện thoại thỏa thích.
Phía gia đình chia sẻ thêm rằng, đã phát hiện bé Yến có hiện tượng hai vai mất cân bằng một thời gian, do đang trong năm học nên chưa đi khám. Gần đây, khi thấy hiện tượng con bị gù ngày càng nặng, tranh thủ đợt nghỉ hè, gia đình đưa con đến khám và được chỉ định cần điều trị phục hồi chức năng, với hy vọng lớn lên con không bị tật.
Bé Minh Khôi (6 tuổi, ở Long Biên), hàng ngày cũng được mẹ đưa đến viện để điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng 2 tiếng tại viện. Tình trạng cổ rùa của Khôi nhẹ hơn so với bé Hoàng Yến, vì ngay sau khi phát hiện bất thường mẹ đưa đến khám và điều trị ngay.
“Qua quan sát thấy dáng đi của con bất thường, cột sống hơi lệch và gù lưng nên chúng tôi đã đưa đi khám. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị hội chứng cổ rùa, nguyên nhân ngoài tư thế ngồi không đúng thì còn do bị bàn chân bẹt”, mẹ bé Khôi chia sẻ. Hiện sau gần 2 tháng điều trị, tình trạng cổ rùa của bé Khôi đã cải thiện đáng kể.
BSCK II Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Phục hồi Chức năng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, hiện khoa đang điều trị ngoại trú cho nhiều trẻ và cả bệnh nhân ở tuổi thanh niên bị hội chứng cổ rùa, với các mức độ khác nhau. Theo bác sĩ Minh, với sự phát triển của công nghệ và sự chiều chuộng của gia đình nên trẻ có nhiều thời gian chơi hoặc xem thiết bị điện tử, quá trình chơi và xem đó trẻ thường ngồi sai tư thế, dẫn tới cột sống bị ảnh hưởng. Ngoài ra, với những trẻ ngồi học sai tư thế, bị hội chứng bàn chân bẹt cũng ảnh hưởng đến cột sống, từ đó tác động gây nên tình trạng gù lưng, cổ rùa…
Hội chứng cổ rùa ảnh hưởng đến độ cong của cột sống cổ, cơ bắp cổ và vai. Ảnh minh họa.
Dù hội chứng cổ rùa không ảnh hưởng tới tính mạng, nhưng không điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng như hạn chế khả năng vận động, ảnh hưởng hô hấp, tiêu hóa, gây mất thẩm mỹ... Với hội chứng này, nếu điều trị sớm, nhất là với trẻ dưới 15 tuổi thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Trẻ càng lớn càng khó điều trị, vì khó tác động vào xương, hơn nữa trẻ lớn sẽ rất khó để thay đổi tư thế, thói quen trong sinh hoạt.
“Việc điều trị hội chứng cổ rùa cần kiên trì, mất nhiều thời gian. Điều may mắn nhất là bệnh có thể điều trị ngoại trú, được bảo hiểm y tế chi trả nên không quá tốn kém và không phải nằm viện dài ngày. Do vậy, khi có dấu hiệu bị cổ rùa như hay đau mỏi vai gáy, đốt sống cổ khom gù về phía trước, tạo ra sự cong vênh đáng kể của cột sống thì cần đi khám sớm để được điều trị”, bác sĩ Minh khuyên.
Để phòng bệnh, bác sĩ Minh khuyến cáo, cả trẻ em và người lớn cần hạn chế thiết bị điện tử, nếu sử dụng phải ngồi đúng tư thế, kể cả khi học tập. Cố gắng duy trì tư thế sao cho cột sống luôn nằm trên một đường thẳng từ đỉnh đầu đến xương cụt.
Ngoài ra, có thể sử dụng các loại ghế, miếng lót chuyên dụng chống gù lưng, đồng thời nên đi thăm khám ít nhất 6 tháng một lần, hoặc khi có biểu hiện gù hay đau mỏi vai gáy, kể cả là trẻ nhỏ đang tuổi đến trường.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/nam-thanh-nu-tu-mac-hoi-chung-co-rua-vi-duoc-cha-me-nuong-chieu-cho-lam-dieu-nay-nhat-la-vao-dip-he-c131a600821.html