Làn sóng tái nhiễm virus corona tại Úc

13:00' 23-02-2022
Trong khi nhiều người cho rằng cơ thể sẽ sản sinh kháng thể miễn dịch sau khi mắc COVID-19, các chuyên gia cho biết biến thể Omicron đã gây ra làn sóng tái nhiễm virus tại Australia.


    Chú thích ảnh

    Peter Coleman cách ly khi mắc COVID-19. Ảnh: The Guardian

    Theo trang The Guardian (Anh), chỉ vài tuần sau khi khỏi bệnh COVID-19, anh Peter Colement đã tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh, với suy nghĩ chỉ “xét nghiệm cho vui”. Peter lần đầu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 10/1, đúng thời điểm Melbourne ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ.

    “Tôi cảm thấy không khỏe nhưng không nghĩ rằng mình đã tái nhiễm. Tôi xét nghiệm chỉ để kiểm tra cho chắc chắn. Lúc đó tôi đang nói chuyện qua điện thoại với bạn, khi nhìn vào kết quả tôi đã rất ngạc nhiên”, Peter kể lại. 

    Peter là một trong những người Australia không may mắn đã tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi phục hồi hoàn toàn. Chính phủ Australia hiện chưa có dữ liệu về số ca tái mắc COVID-19 ở nước này, nhưng phát ngôn viên Bộ Y tế nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm tăng nguy cơ tái nhiễm đáng kể so với các biến chủng trước đó.

    “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có rất ít sự trung hòa chéo với Omicron. Liệu nhiễm biến thể Omicron có bảo vệ chúng ta khỏi tái nhiễm hay không? Ngoài ra, vẫn chưa biết rõ mức độ kháng thể trong cơ thể sau khi nhiễm biến thể Omicron là bao nhiêu”, người phát ngôn cho biết. 

    Khi Peter mắc COVID-19 lần đầu, anh đã gặp phải triệu chứng sương mù não và chịu tác động nặng đến nỗi quên cách gọi đồ ăn trên ứng dụng. Anh còn gặp phải triệu chứng đau cơ và mệt mỏi. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, các triệu chứng rất khác, chỉ giống với cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Người đàn ông chia sẻ các triệu chứng lần này tương đối nhẹ. 

    Peter cho rằng ở lần mắc bệnh thứ hai, anh đã nhiễm biến chủng Omicron nhưng không có cách nào để biết chắc chắn. Anh chia sẻ rằng không biết đã nhiễm virus từ đâu. Lần nhiễm thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian 30 ngày sau lần nhận kết quả dương tính đầu tiên. Peter đã tiêm phòng đầy đủ.

    Chú thích ảnh

    Hình 3D hiển vi của virus SARS-CoV-2, một mầm bệnh tấn công đường hô hấp. Ảnh: iStock

    Mạng lưới Bệnh Truyền nhiễm Australia đang theo dõi bằng chứng về tình trạng tái mắc COVID-19. Từ đó, giới chức sẽ xem xét lại định nghĩa về tái nhiễm trong hướng dẫn sức khỏe cộng đồng. Theo qui định mới nhất của Australia được cập nhật ngày 2/2, nếu một người tái mắc COVID-19 trong 28 ngày sau khi hết cách ly, họ sẽ được miễn cách ly thêm.

    Tiến sĩ Deborah Cromer, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Kirby, cho biết khả năng tái mắc COVID-19 sẽ phụ thuộc một phần vào biến chủng virus và nồng độ kháng thể sau khi tiêm chủng. Trong khi 2 liều vaccine mRNA cung cấp khả năng bảo vệ, ngăn nhiễm bệnh có triệu chứng lên đến 80% hoặc 90% với biến chủng Delta, tỉ lệ này giảm xuống khoảng 70% đối với với Omicron. Ở vaccine AstraZeneca, tỉ lệ này đối với Omicron chỉ còn 40-50%. Tuy nhiên, khi tiêm mũi tăng cường, khả năng bảo vệ sẽ tăng lên 70-80%.

    “Ngay từ đầu, khi chủng virus gốc lây lan, chúng tôi đã đặt câu hỏi về khả năng miễn dịch của người nhiễm bệnh. Các thử nghiệm cho thấy những người đã tiêm 2 liều vaccine Pfizer có khả năng miễn dịch cao gấp đôi so với những người khỏi bệnh. Nhưng tất cả vaccine chủ yếu cung cấp khả năng miễn dịch nhằm vào chủng ban đầu”, ông Deborah nói:

    Tiến sĩ cũng cho biết thêm rằng khi ai đó nhiễm virus, họ sẽ có khả năng miễn dịch đặc hiệu chống lại biến chủng đó, cũng như một số miễn dịch chung chống lại virus SARS-CoV-2.

    “Dường như chúng ta ít có khả năng nhiễm lại cùng một biến chủng, nhưng chắc chắn không có sự bảo vệ hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn. Khả năng bảo vệ sẽ gia tăng, giống như những gì chúng ta thấy với bệnh cúm ngày nay”, Tiến sĩ Deborah nói. 

    Dù nhấn mạnh bệnh COVID-19 có nhiều điểm khác biệt hoàn toàn so với bệnh cúm, ông Deborah nói rằng hai virus này vẫn có những điểm tương đồng. Ông Deborah giải thích: “Có thể cuối cùng, COVID-19 cũng sẽ giống bệnh cúm. Mỗi lần nhiễm virus SARS-CoV-2, khả năng miễn dịch của người bệnh có thể sẽ được tăng cường phần nào. Điều đó có nghĩa là lần nhiễm tiếp theo bạn sẽ vẫn còn một số kháng thể miễn dịch”.

    Tiến sĩ Deborah cho rằng khi đại dịch còn bùng phát, khả năng tái nhiễm virus sẽ xảy ra. Ông cho biết Australia đã ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm virus. Theo quan điểm lý thuyết, người mắc bệnh có được mức miễn dịch cao nhất định khi mắc bệnh và việc tiêm chủng cũng mang lại sự miễn dịch. Cả hai đều sẽ tăng cường khả năng miễn dịch.

    Chú thích ảnh

    Người phụ nữ Australia được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Getty Images

    Cô Eleanor, 33 tuổi, lần đầu  tiên nhiễm virus trong đợt bùng phát Omicron, sau khi một người bạn cùng nhà của cô dương tính với virus. Cô xuất hiện hàng loạt triệu chứng, như đau đầu, tiêu chảy, khó thở, mất ngủ. Tình trạng có phần cải thiện trong vài ngày. Nhưng vài tuần sau, cô tiếp tục phải vật lộn với COVID-19, khi một người bạn cùng nhà khác của Eleanor trở về dương tính với virus SARS-CoV-2. Và lần này Eleanor có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. “Sốt, ớn lạnh, ho, sưng hạch”, cô chia sẻ.

    Eleanor thường ngày vốn rất năng động. Cô hay leo núi cũng như tập luyện thường xuyên với huấn luyện viên cá nhân. Cô chia sẻ: “Hiện giờ tôi rất khó thở, tim đập loạn xạ. Tôi thực sự khổ sở mỗi khi tập thể dục và rất dễ bị hụt hơi. Tôi bị ho liên tục khi cười. Tôi rất bực những người nói rằng COVID-19 giống như cảm nhẹ hay cúm. Tôi vốn là một người khỏe mạnh, vậy mà tôi đã bị khó thở cả tháng nay. Mắc COVID-19 hai lần là quá đủ”.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Parliament of Victoria - Luba Grigorovitch MP Vùng: Caroline Springs. Phone: 0455 408 206
Xem thêm

Article sourced from baotintuc.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ