"Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu đã kết thúc"

05:00' 30-04-2022
Một số nước châu Âu đã tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga. Nhưng nếu dòng chảy năng lượng từ Nga bị chặn, đó sẽ là thảm họa với nền kinh tế Đức.


    Theo CNN, Nga đã bắt đầu ngừng cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Hôm 27/4, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng bán khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi các nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng RUB, thay vì EUR.

    Động thái trên đánh dấu sự leo thang đáng kể trong xung đột kinh tế giữa Nga và phương Tây. Đó là lời đáp trả cứng rắn nhất của Moscow với các vòng trừng phạt gần đây của châu Âu vì xung đột ở Ukraine.

    Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - nhận xét động thái của Moscow là "hành vi tống tiền". Bà tiết lộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp khẩn hôm 27/4. Một số quốc gia bắt đầu gửi khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria.

    "Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu đã kết thúc", bà nhấn mạnh.

    Khi dot Nga anh 1

    Nga tuyên bố dừng bán khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi các nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng RUB. Ảnh: Reuters.

    Tìm cách thay thế

    Ba Lan và Bulgaria có thể đối phó với việc thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga. Nhưng một số nước EU khác, nhất là Đức và Italy, sẽ gặp khó.

    Theo Ủy ban châu Âu, khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU đến từ Nga. Những cơ sở lưu trữ khí đốt của EU hiện chỉ được lấp đầy khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80% mà khối đặt ra cho các nước thành viên vào tháng 11.

    Các nhà phân tích tại Berenberg dự báo châu Âu chỉ cầm cự được đến mùa thu năm sau nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung khí đốt.

    Tuy nhiên, EU đã nhanh chóng tìm nguồn cung thay thế và cắt giảm nhu cầu. Vào tháng 3, giới chức EU cam kết giảm tiêu thụ khí đốt của Nga xuống 66% trong năm nay và dừng phụ thuộc dầu khí Nga vào năm 2027.

    EU đã cam kết tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Đức đang tăng tốc xây các cảng nhận LNG, còn Italy vừa đạt thỏa thuận với Ai Cập và Algeria.

    "Động thái gây hấn mới nhất của Nga là lời nhắc nhở rằng chúng ta cần làm việc với các đối tác đáng tin cậy và xây dựng sự độc lập về năng lượng", bà von der Leyen nhấn mạnh.

    Ba Lan cũng sẵn sàng cho tình huống hiện tại. Khí đốt của Nga vẫn chiếm khoảng 55% tổng nhập khẩu khí đốt tại Ba Lan trong năm 2020. Nhưng nước này đã đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong những năm qua.

    Ba Lan đã xây một cảng LNG và chuẩn bị mở một đường ống khí đốt đến Na Uy vào cuối năm nay.

    Khi dot Nga anh 2

    EU đã cam kết tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ nhằm giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga. Ảnh: Reuters.

    Hôm 26/4, PGNiG - hãng khí đốt quốc doanh Ba Lan - thông báo dự trữ khí đốt của họ đã đạt gần 80%. Dòng khí đốt chảy qua đường ống Yamal - tuyến vận chuyển mà Nga vừa cắt đứt - cũng đã giảm xuống.

    "Khí đốt chảy qua Yamal chiếm chưa đầy 2% lượng khí mà Nga giao đến châu Âu bằng đường ống kể từ đầu năm đến nay", ông Carsten Fritsch - nhà phân tích tại Commerzbank Research - nhận định.

    Theo ông Fritsch, sự sẵn sàng của Ba Lan cũng lý giải cho việc thị trường khá im ắng trước động thái mới của Nga.

    Theo dữ liệu của Independent Commodity Intelligence Services, giá khí đốt tương lai của châu Âu tăng 24% vào đầu phiên giao dịch ngày 27/4 rồi điều chỉnh giảm. Giá hiện chỉ còn nhỉnh hơn mức trung bình tháng 4 là 100 EUR/MWh.

    "Chiến lược giảm phụ thuộc vào Nga của Ba Lan đã cho thấy hiệu quả", các nhà phân tích Kaushal Ramesh và Nikoline Bromander tại Rystad Energy nhận xét.

    Trong khi đó, Bulgaria phụ thuộc vào Nga tới 75% lượng khí đốt nhập khẩu. Tuy nhiên, hôm 26/4, chính phủ nước này cũng tuyên bố đã tìm trước nguồn cung thay thế. Bulgaria đang xây một đường ống dẫn khí tới Hy Lạp.

    "Hiện, Bulgaria không phải áp dụng bất cứ chính sách hạn chế tiêu thụ khí đốt nào", Bộ Năng lượng Bulgaria thông báo.

    Mối nguy lớn với Đức

    Nhưng những thiệt hại từ việc chặn nguồn cung khí đốt với Đức là đáng lo ngại nhất. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu nhập khẩu tới 55% lượng khí đốt từ Nga. Những tuần qua, Đức đã cố giảm tỷ lệ này xuống còn khoảng 40%, nhưng việc ngừng đột ngột sẽ là thảm thọa đối với ngành công nghiệp nặng của Đức.

    Ngành công nghiệp này vốn đang lao đao vì giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu thô.

    Việc cắt nguồn cung năng lượng chính có thể khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu lao dốc và đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ.

    Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Đức đã cảnh báo rằng việc dừng nguồn cung khí đốt đột ngột có thể đẩy nền kinh tế này vào suy thoái sâu. Khoảng 550.000 việc làm và 6,5% GDP có thể bị bốc hơi trong năm nay và năm sau.

    "Nếu chúng ta không còn đường ống Nord Stream 1 chạy qua Biển Baltic vào Đức, một cuộc khủng hoảng lớn sẽ xảy ra", ông Ole Hvalbye - nhà phân tích khí đốt tự nhiên tại ngân hàng SEB - cảnh báo.

    Tháng trước, chính phủ Đức đã khởi động kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn nhằm giảm tiêu thụ khí đốt. Trong đó, các hộ gia đình và bệnh viện được ưu tiên hơn những doanh nghiệp sản xuất.

    "Đức và Italy cần giảm tiêu thụ một cách có cấu trúc, bằng cách thay các lò hơi trong gia đình bằng những hệ thống thay thế như máy nước nóng, đồng thời giảm dùng khí để sưởi ấm hoặc làm lạnh", ông Henning Gloystein - Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Eurasia Group - bình luận.

    Italy hiện nhập khẩu từ Nga tới 41% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Relax For Life Japanese Massage Chairs Vùng: Peakhurst. Phone: 02 8307 0878
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/chau-au-doi-mat-voi-cuoc-khung-hoang-khi-dot-khi-nga-cat-nguon-cung-post1312789.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ