Kiêng khem sai lầm của mẹ bỉm ảnh hưởng đến trí não em bé sơ sinh
Kiêng khem quá mức, mẹ trẻ ngớ người khi đưa con đi khám
PGS.TS.BS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết quá trình khám chữa bệnh, ông nhận được nhiều câu hỏi nhờ tư vấn của các các mẹ mới sinh con về việc phải bổ sung dưỡng chất cho trẻ như thế nào mới hợp lý. Đặc biệt là việc kiêng khem sau sinh để giữ an toàn cho cả mẹ và bé.
Nhiều mẹ vì kiêng khém quá mức đã bỏ qua giai đoạn vàng bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ như omega, lipid, vitamin… Trường hợp của chị Hoàng Thị Hoa (27 tuổi, ở Hà Nội) là một ví dụ điển hình.
Chị Hoa cho biết, sau khi sinh con đầu lòng, chị được mẹ đẻ và mẹ chồng chăm sóc rất cẩn thận, bữa ăn hàng ngày rất “chuẩn bài” cho bà đẻ. Theo đó, các bữa trong ngày chỉ quay vòng có trứng luộc, gà rang khô, thịt lợn nạc luộc hoặc rang và canh rau ngót, một số loại củ quả. Dù chị rất thích ăn cá nước ngọt và cá biển nhưng lần nào đề xuất cũng bị hai mẹ gạt đi.
Không chỉ có chị Hoa, nhiều trường hợp ăn kiêng quá mức sau sinh suốt một thời gian dài. (Ảnh minh họa)
“Các mẹ nói vừa sinh xong ăn cá tanh, con bú sữa sẽ bị đi ngoài. Hay khi thèm cắn các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, hạt chia… các mẹ cũng không cho và nói rằng ăn vào con bị đầy bụng, khó tiêu,…còn mẹ sau này răng ê buốt”, chị Hoa cho biết.
Nghe phân tích có lý, chị Hoa đành nhịn cơn thèm, kiêng khem theo hướng dẫn của mẹ cho đến khi con hơn 1 tuổi mới dám mon men ăn thử, chứ chưa dám ăn nhiều. Mới đây, khi đưa con đi khám dinh dưỡng, chị Hoa ngớ người khi bác sĩ nói việc kiêng khem như chị chia sẻ là một sai lầm và người thiệt nhất chính là con trai chị vì đã không được bổ sung dưỡng chất đầy đủ.
PGS Toán cho biết, vấn đề chị Hoa gặp phải không hề hiếm, đây là tình trạng chung ở rất nhiều phụ nữ Việt sau sinh. Phân tích cụ thể trường hợp của chị Hoa nói trên, PGS Toán cho biết, việc sau sinh kiêng cá vì sợ tanh là một sai lầm nghiêm trọng. Ngoài các giá trị dinh dưỡng như protein, canxi, vitamin… trong cá còn có hàm lượng omega rất lớn, nhất là cá biển.
“Điều đáng nói là cơ thể không sản sinh ra được omega mà phải bổ sung từ thực phẩm, trong đó cá và một số loại hạt như hạt chia, hạt đỗ - đậu, hạnh nhân… có khá nhiều. Nếu kiêng khem thì trẻ sẽ thiếu hụt omega, nhưng mẹ không thể nhận biết được. Trong khi đây là dưỡng chất rất quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ”, PGS Trần Đình Toán phân tích.
TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng khẳng định, việc kiêng cá sau sinh vì sợ tanh là một sai lầm. Nếu có điều kiện, các bà mẹ nên ăn cá hồi vì có nhiều chất béo, vitamin, đạm... rất tốt cho trẻ và giúp cơ thể mẹ phục hồi nhanh hơn vì giàu giá trị dinh dưỡng. Nếu mẹ thiếu sữa có thể ăn cá chép để sữa về nhanh và nhiều hơn. Trong cá chép có nhiều đạm, vitamin A, kali, protein giúp mẹ tăng sức đề kháng.
Có dưỡng chất sẵn trong tự nhiên tốt cho trí não nhưng mẹ lại bỏ qua
Theo ông Toán, omega có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của não bộ bởi nó chiếm tỷ lệ rất cao trong chất xám và tạo ra độ nhạy của các nơ ron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác, tăng sự tập trung chú ý, giúp trẻ phản xạ nhanh, ghi nhớ tốt, tăng khả năng học hỏi, nhận thức. Ngoài ra, chất béo tự nhiên còn có các chức năng trên phạm vi rộng trong hệ thống tim mạch, phổi, hệ miễn dịch và nội tiết của cơ thể.
“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, não bộ của trẻ phát triển từng ngày. Khi trẻ 5 tuổi, não sẽ đạt khoảng 90% kích thước não người lớn. Trong khi omega có vai trò rất quan trọng với sự phát triển của não, vì vậy cần phải bổ sung dưỡng chất này ngay từ khi 1 ngày tuổi”, PGS Đình Toán khuyên.
Trong thời kỳ cho con bú, bà mẹ cần ăn trực tiếp các thực phẩm có chứa omega, thông qua sữa con sẽ hấp thu được. Đến khi trẻ ăn dặm và lớn dần lên thì sẽ được bổ sung trực tiếp vào bữa ăn hàng ngày.
Theo ông Toán, omega được bổ sung từ 2 nguồn chính, nguồn thực vật có trong các loại hạt: điều, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt lý chua đen… Nguồn lấy từ động vật chủ yếu là cá biển. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ (nhũ nhi) nên bổ sung omega từ thực vật sẽ tốt hơn, vì ít bị ô nhiễm, không có vị tanh nên trẻ ít bị nôn trớ. Còn nếu so sánh giá trị hấp thu thì như nhau.
“Từ đó có thể thấy, việc bà mẹ kiêng cá, kiêng ăn các loại hạt suốt 6 tháng đến 1 năm là rất sai lầm. Vô tình làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con”, PGS Toán cảnh báo.
Ngoài omega, ông Toán cho biết, khi đang nuôi con bằng sữa mẹ hay khi trẻ đã ăn dặm cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Không nên vì nghe theo đồn thổi, quan niệm ngày xưa mà kiêng khem quá mức, ảnh hưởng đến sự phát triển của chính con em mình. Vị chuyên gia này khuyên các mẹ cần tự trang bị kiến thức, hoặc nhờ chuyên gia tư vấn đề làm sao chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng tốt nhất cho con mình.
Xem thêm
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/alo-bac-si/me-nao-moi-sinh-cung-kieng-mon-nay-ma-khong-biet-do-la-sai-lam-anh-huong-tri-tue-con-c430a500640.html