Khủng hoảng Ukraine đẩy EU xích lại gần hơn với các quốc gia châu Á

21:00' 10-05-2022
Châu Âu tìm cách thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, trong bối cảnh Trung Quốc xích lại gần Nga giữa khủng hoảng Ukraine.


    Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến tới Tokyo ngày 12/5 để đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Nhật Bản. Đây sẽ là lần đầu tiên hai quan chức hàng đầu EU cùng đến Đông Á kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

    Hồi cuối tháng 4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz có chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, điểm dừng chân của ông không phải Trung Quốc mà là Nhật Bản. Ông cũng gọi cho Thủ tướng Nhật Fumio Kishida trong cuộc điện đàm đầu tiên với lãnh đạo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) trò chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) tại Trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 24/3. Ảnh: AP.

    Từ trái qua: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden trò chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 24/3. Ảnh: AP.

    Stuart Lau, bình luận viên chuyên về quan hệ EU - Trung Quốc của Politico, nhận định động thái của ông Scholz khác với chính sách chú trọng vun đắp quan hệ với Bắc Kinh của người tiền nhiệm Angela Merkel.

    Những diễn biến này cho thấy châu Âu đang đặc biệt coi trọng vai trò của châu Á trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt, ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh tế, chính trị toàn cầu, trong khi Trung Quốc đang ngày càng xích lại gần Nga.

    Thủ tướng Scholz cho biết chuyến thăm tới Tokyo là tín hiệu chính trị rõ ràng rằng Đức và EU sẽ tiếp tục tăng cường can dự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai nước cũng cam kết phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

    Dù không nhắc đến Trung Quốc, ông Scholz nhấn mạnh các doanh nghiệp Đức cần đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào một quốc gia riêng lẻ.

    "Đây là kinh nghiệm chúng tôi rút ra từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine", Thủ tướng Đức nói. "Sẽ mất thời gian, nhưng điều này rất quan trọng với chúng tôi".

    Theo bình luận viên Lau, trong hai thập kỷ qua, các tập đoàn đa quốc gia từ châu Âu coi Trung Quốc là một thị trường khổng lồ béo bở. Ngoại thương, đặc biệt với EU và Mỹ, vẫn đóng vai trò lớn trong sự phát triển kinh tế Trung Quốc, bất chấp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây kêu gọi tập trung nhiều hơn vào đổi mới và tiêu dùng trong nước.

    Các chính phủ châu Âu cũng ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất chấp Mỹ đã tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc và trừng phạt hàng loạt công ty hàng đầu nước này với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã thay đổi cục diện tình hình.

    Khi Trung Quốc tuyên bố tình hữu nghị giữa họ và Nga là "không có giới hạn", EU đã thay đổi quan điểm về Bắc Kinh.

    Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và bà von der Leyen đều cảnh báo Bắc Kinh về hậu quả và rủi ro về danh tiếng nếu nước này giúp Nga lách lệnh trừng phạt hoặc viện trợ vũ khí cho Moskva. Trong phát biểu hôm 27/4, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo Trung Quốc rằng nước này sẽ không thể tiếp tục trỗi dậy nếu "không tuân thủ luật chơi".

    Trong bối cảnh nỗi lo ngại về quan hệ Trung Quốc - Nga ngày càng tăng và khủng hoảng Ukraine đang ảnh hưởng lớn lên cục diện năng lượng và chính trị châu Âu, EU đang thúc đẩy quan hệ với các cường quốc châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ. Cộng hòa Czech, nước sẽ đảm nhận nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng châu Âu từ tháng 6, đã lên kế hoạch tổ chức loạt sự kiện với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Nhật Bản được cho là đối tác thân thiết với phương Tây, cũng như là một trong số ít quốc gia châu Á hưởng ứng lệnh trừng phạt Nga do Mỹ và châu Âu khởi xướng kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu. Tokyo phần lớn phụ thuộc vào hợp tác an ninh với Washington để đối phó Bắc Kinh, song EU vẫn có vai trò nhất định.

    "Mặc dù Nhật nhận ra rằng châu Âu không thể có vai trò như mối quan hệ liên minh với Mỹ, EU vẫn đóng vai trò như một sự đảm bảo bổ sung", Dietmar Schweisgut, cựu đại sứ EU tại Nhật Bản và Trung Quốc, nhận định.

    Điều này khác xa so với trước đây, khi Nhật Bản và châu Âu đều cho rằng những vấn đề tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và châu Á - Thái Bình Dương không liên quan đến nhau, theo Schweisgut.

    Cựu đại sứ này cho rằng quan hệ ngày càng gắn bó giữa Trung Quốc và Nga khiến châu Âu nhận ra rằng thúc đẩy hợp tác với châu Á, đặc biệt với Nhật Bản và Ấn Độ, là nhu cầu cấp bách.

    Bà von der Leyen khi dự hội nghị Đối thoại Raisina 2022 tại New Delhi ngày 24/4 đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng về quan hệ Nga - Trung. "Hồi tháng 2, hai nước tuyên bố 'không có vùng cấm trong hợp tác', và rồi chiến dịch ở Ukraine nổ ra. Chúng ta liệu có thể trông đợi gì từ 'quan hệ quốc tế mới' mà hai nước này hướng tới?", Chủ tịch Ủy ban châu Âu đặt câu hỏi.

    Bà von der Leyen cũng ca ngợi Ấn Độ là "nền dân chủ lớn nhất thế giới" và cam kết thắt chặt thêm quan hệ thương mại với quốc gia láng giềng của Trung Quốc.

    Trên thực tế, Ấn Độ có quan hệ khá gắn bó với Nga. Nước này là nhà nhập khẩu vũ khí lớn từ Moskva và tiếp tục nhập dầu giá rẻ từ Nga, bất chấp những lời kêu gọi hạn chế năng lượng Nga của phương Tây.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Berlin, Đức, ngày 2/5. Ảnh: AFP.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Berlin, Đức, ngày 2/5. Ảnh: AFP.

    Tuy nhiên, Mỹ vẫn coi Ấn Độ là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ cùng Mỹ, Australia và Nhật Bản xây dựng nhóm Bộ Tứ, được coi là đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á.

    Trong nỗ lực thuyết phục Ấn Độ thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Nga, bà von der Leyen cho rằng kết quả xung đột Ukraine "sẽ không chỉ quyết định tương lai châu Âu, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới".

    Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây cũng đến thăm Ấn Độ và tập trung thảo luận với người đồng cấp Narendra Modi về hợp tác quốc phòng. Trong một động thái mang tính biểu tượng, Ấn Độ quyết định sẽ mở đại sứ quán tại Litva, quốc gia EU hiện bị Bắc Kinh cấm vận thương mại.

    Giới quan sát cho rằng vài tháng tới sẽ là thời điểm rất quan trọng để xem liệu châu Âu sẽ hướng tới châu Á như thế nào để có thể xử lý cùng lúc vấn đề Nga và Trung Quốc.

    "Trong khi đối phó tình hình tại Ukraine, châu Âu cũng phải tiếp tục tập trung vào chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bởi tương lai trật tự toàn cầu không chỉ được định đoạt ở Ukraine", Janka Oertel, trưởng phòng châu Á về Quan hệ Đối ngoại của Hội đồng châu Âu, nhấn mạnh.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?
Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/eu-huong-toi-chau-a-giua-khung-hoang-ukraine-4458978.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ