Ông Trump 'đá quả bóng Ukraine' sang sân châu Âu
Những ý tưởng sơ bộ về nỗ lực chấm dứt xung đột Nga - Ukraine của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bắt đầu xuất hiện trong chuyến thăm châu Âu tuần trước.
Tại cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Parris ngày 7/12, ông Trump nói không ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong NATO. Tuy nhiên, ông muốn thấy một đất nước Ukraine vững mạnh, được trang bị vũ khí tốt để có thể hướng tới lệnh ngừng bắn.
Báo Mỹ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức giấu tên am hiểu vấn đề cho biết ông Trump cho rằng châu Âu nên đóng vai trò chính trong bảo vệ và hỗ trợ Ukraine, đồng thời muốn "binh sĩ châu Âu hiện diện tại nước này" để giám sát lệnh ngừng bắn trong trường hợp Kiev và Moskva đạt thỏa thuận. Tổng thống đắc cử Mỹ không loại trừ khả năng Washington sẽ hỗ trợ động thái trên, nhưng nhấn mạnh quân nhân Mỹ sẽ không đến Ukraine.
Đây là những động thái rõ ràng nhất về ý tưởng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua ở Ukraine mà ông Trump đã tuyên bố từ lâu, nhưng chưa từng nêu rõ đường đi nước bước.
Các phụ tá của ông trước đó đã chia sẻ nhiều đề xuất kết thúc xung đột, với ý tưởng chủ đạo là Kiev phải từ bỏ hoặc trì hoãn tham vọng gia nhập NATO và nhượng bộ lãnh thổ, nếu không sẽ bị Mỹ cắt giảm viện trợ.
Với ý tưởng lần này, ông Trump dường như đang muốn đá toàn bộ quả bóng trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Ukraine sang sân các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, bất chấp những cam kết "hỗ trợ đến khi nào còn cần thiết" mà Washington từng đưa ra với Kiev.
Từ trái qua phải: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris ngày 7/12. Ảnh: AP
Các cuộc thảo luận về ý tưởng đưa quân đội châu Âu tới Ukraine đang ở giai đoạn sơ bộ với một số câu hỏi chưa có lời giải, gồm quốc gia nào sẽ tham gia, số lượng binh sĩ, vai trò của Mỹ trong hỗ trợ lực lượng châu Âu và liệu Nga có chấp nhận thỏa thuận có điều khoản triển khai quân đội các nước NATO hay không.
Các quan chức châu Âu đã bắt đầu thảo luận về ý tưởng này, khi họ nhận ra việc đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ khó dựa vào Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump. Một số ngoại trưởng châu Âu ngày 12/12 nhóm họp ở Berlin, Đức để thảo luận về những đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng mời các lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp ông Zelensky tại Brussels để nói chuyện về vấn đề này, theo hai nguồn tin thân cận.
Trong cuộc phỏng vấn được tờ Times của Anh đăng trước đó, ông Trump tuyên bố "kịch liệt phản đối" Ukraine dùng tên lửa do Mỹ cung cấp để tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, mô tả đây là "quyết định ngu ngốc".
Ông nói động thái này sẽ làm leo thang xung đột, nhưng khẳng định sẽ dùng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine làm đòn bẩy nhằm chấm dứt cuộc chiến. "Tôi muốn đạt thỏa thuận và cách duy nhất để đạt điều đó là không bỏ rơi họ", ông nói.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social sau cuộc gặp ở Paris, ông Trump cũng nhấn mạnh "cần có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu".
Bất kỳ lực lượng châu Âu nào xuất hiện ở Ukraine cũng sẽ hoạt động với vai trò giám sát gìn giữ hòa bình hoặc ngừng bắn, không phải đại diện cho NATO, theo các quan chức. Chính quyền Tổng thống Biden, nhiều quốc gia châu Âu và cả chính quyền sắp tới của ông Trump cũng đều nói về mong muốn tránh giao tranh trực tiếp giữa quân đội NATO và Nga ở Ukraine, vì lo ngại có thể leo thang thành xung đột toàn cầu.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại ngay cả khi Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn, họ sẽ tận dụng nó để củng cố lực lượng và tiếp tục chiến dịch ở Ukraine trong tương lai.
Vẫn còn nhiều hoài nghi về ý tưởng đưa quân tới Ukraine. Các chính phủ châu Âu có thể sẽ lo ngại nguy cơ đẩy lực lượng của họ vào vị trí đối đầu trực tiếp nếu quân đội Nga vi phạm lệnh ngừng bắn. Quan chức Pháp cho rằng ý tưởng cần phải có một số hỗ trợ từ Mỹ, nhưng không rõ chính quyền ông Trump có muốn làm điều đó hay không.
Ngoài ra, giới phân tích cũng đặt câu hỏi liệu các chính phủ châu Âu có nhận được ủng hộ chính trị trong nước để triển khai quân đội tới Ukraine hay không.
Ông Macron ngày 12/12 tới Ba Lan để thảo luận về xung đột Ukraine và những đảm bảo an ninh. Trong cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tuck tuyên bố đất nước ông có kế hoạch đưa quân vào Ukraine và sẽ không chịu sức ép để làm điều đó.
Lính Ukraine diễn tập tại khu vực Kharkov ngày 5/6. Ảnh: AFP
Dù ông Trump tuyên bố "không bỏ rơi" Ukraine, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn lo ngại nguy cơ chính quyền mới ở Washington cắt giảm viện trợ cho Kiev. Điều đó đồng nghĩa gánh nặng hỗ trợ Ukraine sẽ dồn hết lên vai châu Âu.
Tổng viện trợ của châu Âu dành cho Ukraine nhiều hơn Mỹ, nhưng nguồn viện trợ quân sự của Washington rất quan trọng. Với nguồn cung khí tài hạn chế của châu Âu, Ukraine chủ yếu phải dựa vào vũ khí từ Lầu Năm Góc để chống lại Nga.
Các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại viện trợ quân sự của họ dành cho Ukraine có thể phải tăng gấp đôi nếu ông Trump cắt tài trợ từ Mỹ. Họ lo ngại dư luận trong nước sẽ khó ủng hộ tăng viện trợ cho Ukraine và việc xung đột tiếp tục kéo dài. Điều này có thể tạo ra thách thức chính trị lớn ở các nước châu Âu khi nhiều đảng cánh hữu theo đường lối dân túy và phản đối viện trợ cho Ukraine đang trỗi dậy trên khắp châu Âu.
Ông Zelensky nhiều lần nói rằng đảm bảo an ninh đáng tin cậy duy nhất cho Ukraine là tư cách thành viên NATO, nhưng cũng chấp nhận rằng điều này không thể có trước khi xung đột kết thúc. Trong những tuần gần đây, với việc ông Trump thúc giục nhanh chóng chấm dứt xung đột, ông Zelensky bắt đầu thay đổi lập trường, để ngỏ khả năng đàm phán với Nga, với điều kiện Kiev phải nhận được lời mời gia nhập NATO.
Ông Zelensky hoan nghênh đề xuất đưa quân tới Ukraine để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Kiev phải biết rõ "khi nào Ukraine được gia nhập EU và NATO. Những đảm bảo an ninh như vậy mới thực sự hiệu quả".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ong-trump-da-qua-bong-ukraine-sang-san-chau-au-4827245.html