Khói bụi góp phần làm tăng nguy cơ ung thư vú
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh ung thư phổi hay ung thư ở vòm họng phải kể đến tình trạng ô nhiễm không khí. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Anh còn tìm thấy mối liên hệ giữa những hóa chất có trong khói bụi với các hormone nội tiết tố của nữ giới, từ đó họ nhận định rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân độc hại góp phần làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Khí thải trong giao thông vốn chứa nhiều loại kim loại như thủy ngân, cadmium có thể lắng đọng trong mô vú. Chính vì vậy, nữ giới nên hiểu rõ hơn về mối nguy hại tiềm ẩn này để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú từ sớm.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nữ giới
Một trong những chỉ số chính để xác định nguy cơ mắc bệnh ung thư vú là mật độ mô vú dày đặc như thế nào. Các nghiên cứu đã cho thấy, nữ giới có bộ ngực dày thường có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 6 lần so với những người có bộ ngực nhỏ hơn.
Vú thường được tạo thành từ các mô mỡ, xơ và tuyến vú nên càng nhiều mô xơ và tuyến trong vú thì ngực sẽ càng to. Ngực dày chứa nhiều mô tuyến và đó chính là nơi xảy ra sự biến đổi gây ung thư.
Với một số người sở hữu bộ ngực to thì đó có thể là do gen di truyền, nhưng một số bằng chứng khác lại cho thấy, nó xuất phát từ tình trạng ô nhiễm. Một nghiên cứu về ung thư vú trên tạp chí Y khoa Breast Cancer Research vào tháng 4 năm 2017 đã chỉ ra rằng, nữ giới sống ở thành thị thường có mô vú dày đặc hơn so với những người sống ở môi trường nông thôn có luồng không khí ô nhiễm thấp hơn.
Một giả thuyết khác lại cho thấy, các hạt ô nhiễm rất nhỏ gọi là PM 2.5 (nhỏ hơn 2,5 micromet) có thể đi qua màng phổi vào máu và tích tụ ở những vùng mỡ như vú. Tình trạng mô dày đặc cũng dễ khiến việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư trở nên khó khăn hơn vì chúng khó hiện lên trên nhũ ảnh.
Tại Anh, những cô nàng có bộ ngực với mật độ dày sẽ được khuyên làm một loại siêu âm đắt tiền hơn (khoảng 350 bảng Anh) để đảm bảo thấy rõ những thay đổi có liên quan đến ung thư. Vì vậy, khi bạn đi chụp nhũ ảnh hãy hỏi về mật độ vú của mình. Các bác sĩ X-quang có thể đánh giá điều này từ loại A (mật độ bình thường) đến loại D (mật độ dày đặc). Sau đó, bạn có thể yêu cầu siêu âm hoặc MRI để xác định rõ hơn.
Vậy bạn nên làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình?
Nếu bạn thường xuyên phải đi bộ hay đạp xe trên những con phố đông đúc, việc đeo khẩu trang có thể làm giảm đáng kể lượng hạt xâm nhập vào phổi. Ban đầu, có thể bạn sẽ chưa quen với việc làm này nhưng chúng thật sự rất hiệu quả. Còn tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà thường khó đánh giá hơn, nhưng nhà lại thường chứa hàm lượng độc tố cao từ các sản phẩm tẩy rửa, nhựa và thậm chí khói từ bếp lò đốt củi. Những hóa chất này có thể gây ảnh hưởng đến hormone và làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Ngoài ra, bạn cũng nên đảm bảo chế độ ăn uống của mình cung cấp đủ chất chống oxy hóa từ trái cây, rau và trà xanh để có thể làm giảm thiệt hại DNA cho các tế bào. Uống vitamin D và Omega 3 cũng có thể làm giảm mật độ các tuyến vú và chống lại tác động ô nhiễm môi trường đối với vú.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/nghien-cuu-tai-anh-cho-thay-o-nhiem-khong-khi-cung-la-nguyen-nhan-tang-nguy-co-mac-benh-ung-thu-vu-20190706183539397.chn