Khoảng 22% người sống trong các vùng xung đột bị mắc bệnh tâm thần
Người tị nạn Syria tại trạn tị nạn Rukban. (Ảnh: AFP)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đầu tư, duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các khu vực này.
Khoảng 22% những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột có triệu chứng bị trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Kết quả này dựa trên phân tích của 129 nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet của Anh.
Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 9% dân số bị ảnh hưởng bởi xung đột có tình trạng sức khỏe tâm thần từ trung bình đến nặng, cao hơn đáng kể so với ước tính toàn cầu về tình trạng sức khỏe tâm thần nói chung.
Theo nghiên cứu, sự trầm cảm và lo lắng dường như tăng theo tuổi tác trong môi trường xung đột. So với nam giới, tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới thường cao hơn.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 39 quốc gia được công bố từ năm 1980 đến tháng 8/2017 và được phân loại ở các mức độ: nhẹ, trung bình và nặng.
Các phát hiện mới cho thấy các nghiên cứu trước đây đã đánh giá thấp tác động của tình trạng sức khỏe tâm thần ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Trong năm 2016, có 53 cuộc xung đột diễn ra ở 37 quốc gia, có nghĩa là 12% dân số thế giới sống trong khu vực xảy ra xung đột - mức độ cao nhất trong lịch sử.
Hơn nữa, thực tế có gần 69 triệu người trên toàn thế giới đã bị buộc phải di dời do bạo lực và xung đột, trở thành số lượng người bị buộc phải di dời nhiều nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/hon-15-so-nguoi-song-trong-cac-vung-xung-dot-bi-mac-benh-tam-than/574357.vnp