Khi nào dịch Covid-19 ở Việt Nam đạt đỉnh?

00:00' 02-03-2022
Theo các chuyên gia y tế, bài học từ thế giới cho thấy chúng ta nên sớm coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, tránh đặt nặng khái niệm F0, F1.


    Thống kê từ OurWorldinData cho thấy Việt Nam xếp thứ 4 về lượng người dương tính trong ngày và chỉ đứng sau Hàn Quốc, Đức và Nga.

    Với tốc độ lây lan SARS-CoV-2 như hiện nay, các chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam sẽ sớm đạt đỉnh dịch và tới giai đoạn giảm dần ca mắc như nhiều quốc gia vừa trải qua.

    Số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng tới khoảng giữa tháng 3

    Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng dù chưa có thông tin chính thức, nhiều khả năng biến chủng Omicron đã chiếm đa số trong cộng đồng Việt Nam.

    “Các nghiên cứu đến nay đang cho thấy biến chủng này có khả năng lẩn tránh được vaccine và tốc độ lây lan nhanh hơn Delta. Do đó, chúng sẽ còn tiếp tục lây lan rộng trong thời gian tới, đặc biệt tại những nơi đông dân cư hay một số tỉnh, thành phố phía Bắc trước kia dịch chưa bùng phát quá mạnh”, PGS Nga nhận định.

    Vì vậy, vị chuyên gia dự đoán từ nay tới giữa tháng 3, dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn tiếp tục bùng phát cùng số người nhiễm virus tăng nhanh. Ông nói: “Trong khoảng từ giữa tới cuối tháng 3, khả năng dịch sẽ đạt đỉnh và giảm dần sau đó”.

    dinh dich covid-19 tai viet nam anh 1

    Đường Phan Đình Phùng tại Hà Nội vắng người khi thành phố liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Ảnh: Nhật Sinh.

    Trong bối cảnh đó, PGS Nga khuyến cáo Việt Nam vẫn phải duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Dù tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong do biến chủng Omicron gây ra không cao, số ca mắc tăng nhanh vẫn có thể dẫn tới một lượng bệnh nhân không qua khỏi, nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

    Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho rằng số ca nhiễm trên thực tế có thể nhiều hơn lượng thống kê. Việc lây lan rộng phần nào cũng tạo được miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng. Cùng với việc đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine, dịch có thể được đẩy lùi.

    Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, thậm chí cho rằng Việt Nam đang ở trong đỉnh dịch ngay tại thời điểm này.

    “Dù thống kê không cao như Hà Nội hay các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, số ca mắc thực tế tại TP.HCM có thể không hề thua kém”, vị chuyên gia cho hay.

    PGS Phúc cũng nhận định với tỷ lệ tiêm chủng cả nước đạt trên 90%, Việt Nam phần nào đã có được miễn dịch cộng đồng. Đây sẽ là cơ sở để nước ta sớm coi Covid-19 như bệnh cảm cúm thông thường.

    Liên quan việc liệu có thể coi biến chủng Omicron như một liều vaccine tự nhiên hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định việc nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng.

    "Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không ngăn cản được triệt để sự lây lan của biến chủng này, từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh", ông Phu nói thêm.

    Dựa trên thực tế thời gian qua, nhiều quốc gia đã trải qua làn sóng dịch với biến chủng Omicron, PGS Phu dự đoán tình hình có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau.

    “Việc xuất hiện biến chủng gây triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng tăng cao, năng lực phòng dịch của chính quyền cũng như người dân tốt hơn, đặc biệt là có thêm thuốc điều trị Covid-19, dịch bệnh có thể cũng sẽ lui dần”, vị chuyên gia nói.

    Nên bỏ khái niệm F0, F1

    Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam cũng đã xác định chung sống an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện. Do đó, chúng ta cũng cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn.

    “Tương tự các nước trên thế giới, xu hướng dịch ở Việt Nam với biến chủng Omicron cũng sẽ giảm dần trong thời gian tới. Lúc đó, chúng ta cần tiếp đẩy nhanh việc bao phủ vaccine. Dù không khiến số lượng F0 giảm, vaccine cũng có vai trò lớn trong giảm tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong”, ông nói.

    Theo vị chuyên gia, việc giảm số người nhiễm nCoV sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức cá nhân cũng như mức độ tuân thủ 5K trên cả nước.

    dinh dich covid-19 tai viet nam anh 2

    Học sinh tiểu học tại Hà Nội trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: Thạch Thảo.

    Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói thêm: “Lúc này, việc cách ly F0, F1 không còn hiệu quả nữa. Vai trò của cá nhân trong cộng đồng là quan trọng hơn cả. Ngoài ra, chúng ta nên tập trung bảo vệ người cao tuổi, nhóm có bệnh nền, dễ tử vong, đồng thời củng cố hệ thống điều trị”.

    Cùng quan điểm, PGS Vũ Minh Phúc cũng cho rằng với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như hiện nay, sau khi hoàn thành mũi tiêm cho trẻ em, Việt Nam có thể cân nhắc mở cửa hoàn toàn như Anh hay các quốc gia Bắc Âu, bỏ khái niệm F0, F1 và coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu.

    “Sau khi có miễn dịch cộng đồng, chúng ta chỉ nên cố gắng bảo vệ nhóm nguy cơ cao, chăm sóc tuyệt đối, tối đa, tiêm chủng, điều trị bệnh cho người cao tuổi, mắc bệnh nền, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Người dân thông thường chỉ nên cố gắng tuân thủ chặt chẽ 5K là đủ”, vị chuyên gia kết luận.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Westbourne Grammar Vùng: Truganina. Phone: 9731 9448
Xem thêm

trường học chuyên định hình nên những con người truyền cảm hứng cho thế giới


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/khi-nao-dich-covid-19-o-viet-nam-dat-dinh-post1299559.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ