Khả năng tàng hình của tàu ngầm đang bị thách thức
Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố chiến lược kéo dài hàng thập kỷ cho dự án quốc phòng đắt đỏ nhất trong lịch sử nước này. Các chi tiết mới của thỏa thuận quốc phòng - an ninh AUKUS cho thấy, được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, Australia sẽ mua 3 tàu ngầm cũ lớp Virginia của Mỹ vào đầu thập kỷ tới (có thể thêm 2 chiếc nữa).
Australia cũng sẽ đóng một đội 8 tàu SSN-AUKUS chạy bằng năng lượng hạt nhân tại xưởng tàu hải quân Osborne ở Adelaide. Chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao trong năm 2042, 5 chiếc được đóng xong vào thập niên 2050 và việc đóng 3 tàu còn lại sẽ diễn ra trong thập niên 2060.
Ảnh minh họa về tàu ngầm. Nguồn: Shutterstock.
Ước tính, chương trình tàu ngầm này sẽ tiêu tốn của Australia 268-368 tỷ đô la Úc trong 3 thập kỷ tới.
Đương nhiên các tàu ngầm hiện đại, đặc biệt là loại chạy bằng năng lượng hạt nhân, là một trong các hệ thống vũ khí mạnh mẽ và hiệu quả trong thế giới ngày nay.
Nhưng phân tích sau đây cho thấy chúng có thể dễ dàng bị phát hiện và ý nghĩa của chúng không còn như trước nữa.
Sự nổi lên của công nghệ dò tìm tàu ngầm
Cả sức mạnh lớn nhất lẫn điểm yếu lớn nhất của tàu ngầm nằm ở tính năng tàng hình của nó. Về mặt tàng hình, nó có thể ở bất cứ đâu trong các đại dương bao la trên trái đất, khiến đối phương phải luôn trong thế phòng ngừa ở mọi nơi.
Nhưng mặt khác, khi bị phát hiện thì tàu ngầm lại là mục tiêu dễ dàng bị tấn công, vì chúng lớn, di chuyển chậm và dễ bị công kích từ mặt nước.
Về mặt lịch sử, tàu ngầm đã mang lại các lợi thế rõ ràng: Khả năng tàng hình của chúng là kết quả của các cải tiến đều đặn trong công nghệ chống dò tìm trong suốt thời Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, các tàu ngầm phương Tây rất yên tĩnh. Thời đó, công nghệ dò tìm chủ yếu tập trung vào tiếng động và phải vất vả bám đuổi công nghệ chống dò tìm.
Nhưng thời thế đang bắt đầu thay đổi. Tàu ngầm trong đại dương là các khối kim loại lớn di chuyển ở lớp phía trên của khối nước biển. Chúng tạo ra nhiều thứ khác ngoài âm thanh. Khi di chuyển trong nước, chúng làm nhiễu động nước và thay đổi các đặc điểm vật lý, hóa học và sinh học của nước. Tàu ngầm thậm chí còn làm xáo động từ trường Trái đất. Riêng các tàu ngầm hạt nhân còn tất yếu phát ra bức xạ.
Khoa học đang nghiên cứu cách dò tìm tất cả các thay đổi nói trên, tới mức độ mà đại dương của ngày mai có thể trở nên “trong suốt”. Kỷ nguyên tàu ngầm có thể nối gót kỷ nguyên thiết giáp hạm để lui vào dĩ vãng.
Dự báo xác suất về bước phát triển lớn của công nghệ này
Hồi năm 2020, người ta đã tiến hành các đánh giá đầu tiên về mặt nguyên lý cho những điều nêu trên.
Người ta lựa chọn một thời điểm trong tương lai để dự báo, cụ thể là thập niên 2050. Các lĩnh vực rộng lớn của khoa học công nghệ đã được xem xét trong mối liên hệ với công nghệ dò tìm và chống dò tìm.
Nhóm nghiên cứu (nhóm tác giả bài viết gốc này) đã kiểm tra tác động tiềm tàng của các bước phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cảm biến và liên lạc dưới nước.
Phân tích của nhóm sử dụng một công cụ phần mềm có tên Intelfuze thường được dùng trong cộng đồng tình báo. Nó cung cấp các đánh giá xác suất chặt chẽ, minh bạch, bảo vệ được và cập nhật được.
Công cụ này đặc biệt phù hợp cho các vấn đề mà ở đó dữ liệu nghèo nàn, không chắc chắn và có thể còn mang tính phán đoán, đồng thời tồn tại nhiều ý kiến trái chiều rõ rệt về chất lượng và ý nghĩa của các dữ liệu đó như trong trường hợp tranh cãi về dò tìm tàu ngầm.
Kết quả chính của nhóm nghiên cứu cho thấy, các đại dương, trong hầu hết trường hợp sẽ trở nên trong suốt vào thập niên 2050, với xác suất lên tới 75%, thậm chí 90% từ một số góc độ.
Độ chắc chắn trong các ước tính này (được phần mềm đánh giá độc lập) đứng ở mức cao (trên 70%).
Điều này cho thấy, bất chấp các tiến bộ trong công nghệ tàng hình, tàu ngầm, bao gồm tàu ngầm hạt nhân, sẽ dễ dàng bị phát hiện trong các đại dương nhờ vào các tiến bộ về khoa học và công nghệ.
Kết quả trên cũng rung lên hồi chuông nhắc nhở cho chương trình AUKUS với mục tiêu trang bị cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, chỉ có một khoảng ngắn thời gian giữa giai đoạn triển khai tàu SSN-AUKUS đầu tiên và bình minh của kỷ nguyên đại dương trong suốt.
Nhưng Australia đã quyết định đóng tàu ngầm hạt nhân. Do vậy họ có thể sẽ phải tiến hành công việc này thật khẩn trương để tránh tình trạng khi tiếp nhận xong các công cụ răn đe mạnh này, hiệu lực răn đe của chúng lại bắt đầu giảm xuống./.
Article sourced from VOV.