Giới khoa học lo ngại sự xuất hiện của biến thể mạnh hơn chủng Delta
Biển chủng Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, vẫn là biến chủng trội trên toàn cầu và đáng lo ngại nhất của virus SARS-CoV-2.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta chiếm 99,5% mẫu giải trình tự gene được báo cáo cho cơ sở dữ liệu công khai, “áp đảo" các biến chủng khác ở hầu hết quốc gia.
Với sự “thống trị” toàn cầu của Delta, nhiều chuyên gia vaccine tin rằng tất cả biến chủng SARS-CoV-2 trong tương lai sẽ là phiên bản đột biến của Delta, theo Reuters.
Art Poon, phó giáo sư về tiến hóa virus tại Đại học Western, nói có thể coi SARS-CoV-2 như một cây cổ thụ luôn đâm chồi nảy lộc khi virus tiến hóa ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
“Thân cây như chủng virus xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc). Những biến chủng cần quan tâm, như Delta và Alpha, giống như những cành cây to khỏe bởi chúng khác biệt đáng kể so với chủng ban đầu, dễ lây nhiễm hoặc gây ra bệnh nặng hơn. Các dòng phụ của chúng giống các nhánh cây”, ông nói.
Người đi bộ tại một con phố mua sắm ở Áo sau khi chính phủ nước này áp đặt hạn chế cấm ra đường với những người chưa tiêm vaccine. Ảnh: Reuters. |
Biến chủng có thể lây lan mạnh hơn Delta
Một trong những biến chủng virus thuộc nhánh phụ của Delta đang gây lo ngại hiện nay là AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus. AY.4.2 là một trong 45 dòng phụ của biến chủng Delta, nhưng đây dường như là dòng phụ đầu tiên có bước đột biến nguy hiểm hơn so với chủng gốc của nó.
Biến chủng AY.4.2 có ba đột biến bổ sung so với biến chủng Delta gốc. Hai trong số đó được gọi là A222V và Y145H, liên quan đến gai protein - "bộ phận" của virus đảm nhận vai trò bám dính vào các tế bào con người.
Hiện tại, một số chuyên gia cho rằng biến chủng phụ này lây lan nhanh hơn 10-15% so với Delta. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những đột biến này có thể mang lại ưu thế gì cho virus trong cuộc chiến với con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cho biết AY.4.2 đã xuất hiện ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Biến chủng này tập trung chủ yếu ở Anh, với khoảng 93% các ca nhiễm AY.4.2 được ghi nhận tại nước này, theo Sáng kiến Khoa học toàn cầu Gisaid.
Hiện ở Anh tỷ lệ lây nhiễm AY.4.2 đã tăng lên hơn 11%. Giới chức y tế cho rằng biến chủng mới không làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc gia tăng số ca nhập viện. Song nó có thể lây lan nhanh hơn do khả năng lây truyền sinh học tăng nhẹ.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh thông báo họ đã chỉ định biến chủng phụ của Delta - AY.4.2 - là biến chủng đang được điều tra (Variant Under Investigation - VUI).
Trong khi đó, tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính AY.4.2 đã chiếm dưới 0,05% các trường hợp mắc mới trong vài tuần qua. Tính đến đầu tháng 11, chủng này đã xuất hiện ở ít nhất 8 tiểu bang, theo CNBC News.
“Hiện tại, không còn nhiều thứ mà chúng ta chưa biết về các biến chủng này. Song, xét về rủi ro mà nó gây ra cho sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ nhiễm tại Mỹ rất thấp. Chúng tôi dự đoán các đột biến của AY.4.2 không thực sự tác động đáng kể đến hiệu quả của vaccine hay điều trị bằng kháng thể đơn dòng”, tiến sĩ Summer Galloway, thành viên CDC, nói.
Biến chủng AY.4.2 được đánh giá là lây lan nhanh hơn 10-15% so với Delta. Ảnh: Health.com. |
Cho đến nay, biến chủng Delta và các dòng phụ của nó gần như xuất hiện trong 100% ca mắc mới ở Mỹ suốt nhiều tháng. Bên cạnh AY.4.2, các nhà khoa học cũng phát hiện sự kết hợp đáng lo ngại của những đột biến từng xuất hiện trong dòng phụ khác của Delta như AY.1, AY.2. Các dòng phụ này cũng đều được gọi chung là Delta Plus.
Vào tháng 10, chính phủ Mỹ đã phải tạm dừng phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng ở Hawaii sau khi ước tính những ca nhiễm biến chủng AY.1 tăng lên đến 7,7% ở bang này.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết các thí nghiệm cho thấy loại thuốc nói trên “không chắc có hiệu quả với biến chủng này”.
Hawaii sau đó tiếp tục sử dụng điều trị bằng kháng thể khi tỷ lệ lây nhiễm biến chủng AY.1 giảm xuống dưới 5%. Hiện tại, tỷ lệ lây nhiễm biến chủng AY.1 dao động quanh 0,1% các ca mắc mới.
Chủng "họ hàng" mới của Delta
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm hai "hậu duệ" mới của Delta ở Canada dường như dễ lây lan hơn. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể vẫn còn “nhiều chỗ trống" để tiếp tục thích nghi với con người, theo National Post.
“Thật khó để nói giới hạn là bao nhiêu. Chúng sẽ tiếp tục tiến hóa để đạt mức thích nghi cao nhất”, Jesse Shapiro, phó giáo sư Khoa Vi sinh và Miễn dịch học, Đại học McGill, cho biết.
Hai dòng phụ của Delta, được gọi là AY.25 và AY.27, lần đầu tiên được phát hiện ở Canada vào mùa xuân. Các trường hợp đã được phát hiện ở mọi tỉnh ngoại trừ đảo Prince Edward.
AY.25 đang trở thành chủng lây lan chủ yếu ở Saskatchewan, trong khi tại Ontario, biến chủng này chiếm 31% trong số 1.670 trường hợp được giải trình tự trong 4 tuần gần đây.
Các dòng phụ, phát triển từ Delta, dường như lây lan nhanh hơn 5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn tương đối thấp khi xem xét mức độ lây lan mạnh hơn 40-60% của Delta so với Alpha hoặc Alpha so với với chủng gốc ở Vũ Hán.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ điều gì làm cho các nhánh mới dễ lây truyền hơn. Tuy nhiên, AY.27 có những thay đổi trong protein gai mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào của con người. Đột biến tương tự cũng xuất hiện trong AY.4.2 đã lây lan khắp nước Anh.
Theo phó giáo sư Poon, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy hai loại biến chủng mới có thể trốn tránh miễn dịch.
Những biến chủng phụ của Delta gây ra những lo ngại. Ảnh: AP. |
Các chuyên gia virus đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự biến đổi của Delta, để nhanh chóng phát hiện bất cứ đột biến đáng lo ngại nào có thể làm tăng khả năng lây lan hay "chọc thủng" hàng rào miễn dịch được tạo ra bởi vaccine.
Giới khoa học cho rằng vaccine Covid-19 hiện tại vẫn có hiệu quả làm giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, nhưng không ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Những người bị nhiễm Delta mang virus trong mũi nhiều hơn 1.200 lần so với chủng gốc. Thậm chí, tải lượng virus ở người nhiễm đã tiêm chủng ngang bằng người chưa tiêm chủng, và đều có thể làm lây lan virus cho người khác.
Dù vậy, ở những người đã tiêm, lượng virus giảm nhanh hơn, do đó họ có khả năng lây lan virus trong thời gian ngắn hơn.
Theo tiến sĩ Gregory Poland, nhà phát triển vaccine tại Mayo Clinic, để đánh bại SARS-CoV-2, con người có thể cần một thế hệ vaccine mới để ngăn chặn lây nhiễm. Cho đến lúc đó, ông Poland và các chuyên gia khác cho rằng thế giới vẫn dễ bị tổn thương.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/gioi-khoa-hoc-canh-giac-truoc-con-chau-cua-bien-chung-delta-post1277690.html