Giáo sư Úc: Âm nhạc sẽ biến mất ở Afghanistan?
Sau hơn một thập kỷ hoạt động, Nhạc viện Quốc gia Afghanistan là biểu tượng của sự thay đổi về bản sắc nước này. Ngôi trường đào tạo hàng trăm nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực từng bị Taliban cấm đoán. Thậm chí, trong trường có một dàn nhạc toàn nữ, từng tham gia biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy vậy, khi Taliban một lần nữa nắm quyền lãnh đạo tại Afghanistan, không ai rõ tương lai của ngôi trường sẽ thế nào.
Nhiều giảng viên và học sinh lo sợ Taliban trừng phạt họ và gia đình. Taliban từng tấn công các lãnh đạo nhạc viện trước đây. Số khác lo lắng sẽ không được tiếp tục chơi nhạc nếu trường đóng cửa. Nhiều nữ sinh cho biết họ chỉ ở trong nhà từ khi Kabul thất thủ hôm 15/8.
“Đây là cơn ác mộng”, hiệu trưởng Ahmad Naser Sarmast than thở.
Biểu tượng của hiện đại
Trong lần đầu cầm quyền từ năm 1996 đến 2001, Taliban cấm hầu hết thể loại âm nhạc. Lần này, họ cam kết “khoan dung hơn”, cho phép phụ nữ đi học và đi làm “trong khuôn khổ luật Hồi giáo”. Tuy vậy, quá khứ của Taliban khiến nhiều giảng viên và học sinh nghi ngờ cam kết này.
Giảng viên và sinh viên tại Nhạc viện Quốc gia Afghanistan. Ảnh: Polar Music Prize. |
“Tôi lo ngại âm nhạc sẽ bị tước đi khỏi cuộc sống của người dân Afghanistan”, ông Sarmast nói từ Melbourne, Australia, nơi ông đang chữa bệnh. “Sẽ có những nỗ lực khiến đất nước phải im lặng”.
Ông Sarmast mở nhạc viện năm 2010 với sự giúp đỡ của chính phủ. Đây là hình mẫu giáo dục hiếm có tại Afghanistan: Dạy song song âm nhạc truyền thống và âm nhạc phương Tây.
Các nhạc công của trường từng tham gia biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm nhà hát danh tiếng Carnegie Hall tại New York, Mỹ. Họ chơi cả những nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ Afghanistan như đàn rubab.
1/3 học sinh trong trường là nữ. Họ được nhà trường quan tâm hỗ trợ. Năm 2015, một dàn nhạc toàn nữ hình thành. Nhà trường không bắt buộc học sinh đeo khăn trùm đầu như biểu tượng của tính hiện đại.
Với việc thách thức tư tưởng truyền thống, ngôi trường trở thành lục tiêu của Taliban. Năm 2014, ông Sarmast bị thương trong một vụ đánh bom tự sát. Taliban từng thử tấn công ngôi trường một lần nữa nhưng bị chặn đứng.
Tương lai bất định
Giờ đây, các nữ sinh trong trường lo ngại phải đối mặt với những hạn chế như trong quá khứ, khi Taliban tước quyền đi học của phụ nữ và cấm họ ra ngoài nếu không có người giám hộ nam giới.
Nhiều nữ sinh cho biết họ cảm thấy giấc mơ trở thành nhạc công chuyên nghiệp đã tan thành mây khói. Họ lo ngại không thể tiếp tục chơi nhạc thêm lần nào nữa.
Học sinh tại nhạc viện lo ngại không được chơi nhạc dưới chế độ Taliban. Ảnh: HundrED. |
Trong thập niên 1990, Taliban cho phép trình diễn âm nhạc phục vụ tôn giáo. Tuy nhiên, họ cấm tất cả thể loại âm nhạc khác do lo ngại người dân xao nhãng nghiên cứu tôn giáo và cổ vũ hành vi “ô uế”. Các quan chức Taliban từng phá hủy nhạc cụ và băng cassette để đảm bảo lệnh cấm được thực hiện.
Giáo sư William Maley, chuyên gia về Afghanistan tại Đại học Quốc gia Australia, lo ngại về những báo cáo cho thấy Taliban đang tìm cách hạn chế âm nhạc tại một số khu vực họ kiểm soát.
“Taliban trong những năm 1990 đặc biệt căm ghét mọi thể loại âm nhạc không phục vụ tôn giáo. Người dân phải giấu nhạc cụ và chơi nhạc trong bí mật”, giáo sư Maley nói. “Tôi không lạc quan cho lắm”.
Trong các nhóm trò chuyện, giáo viên, học sinh và cựu học sinh của trường đang trao đổi những tin nhắn đầy lo sợ. Họ buồn bã trước viễn cảnh phải cất giấu nhạc cụ, hoặc phải bỏ lại cho người khác nếu quyết định rời đi.
William Harvey, giảng viên violin và chỉ huy dàn nhạc tại nhạc viện từ năm 2010 đến 2014, cảm thấy tuyệt vọng khi nghĩ đến các cựu học sinh có thể gặp nguy hiểm vì theo đuổi đam mê. Ông nhận định Nhạc viện Quốc gia Afghanistan là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ và khán giả trên khắp thế giới.
“Chúng tôi có trách nhiệm lớn đối với những học sinh này”, ông Harvey, người đang là chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc gia Mexico, nói. “Họ cần sống để tiếp tục cất lên tiếng đàn trong tương lai”.
Article sourced from Zing.