FTA Úc - Anh: Thỏa hiệp và cơ hội
Thủ tướng Australia Scott Morrion. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 15/6 tuyên bố đã đạt được nhất trí trên nguyên tắc của thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) giữa hai nước, vốn bị phủ bóng bởi một số bất đồng khó giải quyết.
Theo truyền thông Australia, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp kéo dài nhiều giờ tại thủ đô London (Anh), sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kết thúc. Đây được coi là thỏa thuận thương mại quốc tế lớn đầu tiên của nước Anh trong thời kỳ hậu Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu).
Thỏa thuận thương mại mới dự kiến sẽ giúp các nhà sản xuất thực phẩm của Anh và Australia cũng như những doanh nghiệp khác tiếp cận thị trường của nhau dễ dàng hơn.
Hai bên đi tới thỏa thuận này trong bối cảnh nông dân Australia về cơ bản đứng ngoài thị trường Vương quốc Anh trong gần 50 năm, do nước này gần như không thể điều chỉnh các hạn chế, thuế quan và hạn ngạch của Brussels.
Thỏa thuận mang ý nghĩa quan trọng, bởi vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Canberra và Bắc Kinh, người nông dân Australia đang tìm cách đa dạng hóa các kênh xuất khẩu. Trong năm 2020, Trung Quốc đã áp thuế và hạn chế lên tất cả mọi hàng hóa, từ thịt bò Australia, lúa mạch và rượu, đến tôm hùm đá và than đá.
Trong khi đó, người nông dân Vương quốc Anh cũng có những lo ngại lớn.Họ coi việc nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ của Australia với tiêu chuẩn thấp hơn ở quy mô công nghiệp là một đe dọa thực sự đối với sinh kế của mình.
Do đó, các chuyên gia đánh giá thỏa thuận đặt ra một chuẩn mực giữa lúc thế giới đang theo dõi chặt chẽ xem nền kinh tế Anh hậu Brexit trên thực tế sẽ ra sao và thay đổi như thế nào? Quan trọng hơn là câu hỏi London sẵn sàng thực hiện những thỏa hiệp nào để mở ra thị trường mới?
Nông sản và lao động
Trong nhiều tháng qua, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan đã tham gia một loạt cuộc đàm phán sơ bộ cùng người đồng cấp Anh Liz Truss với mục tiêu sớm hoàn thành FTA giữa hai nước. Tuy nhiên, một vài bất đồng đã xuất hiện xoay quanh vấn đề xuất khẩu nông sản của Australia và các yêu cầu đối với lực lượng lao động du lịch thời vụ của Anh đến làm việc tại Australia.
Nước Anh lo ngại việc mở cửa thị trường cho hàng nông sản thịt cừu, thịt bò và đường của Australia sẽ gây tác động lớn tới ngành nông sản nội địa.
Liên minh Nông dân Quốc gia của Anh đã kiến nghị với chính phủ rằng quy trình chăn nuôi của Australia không đòi hỏi quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc thú ý và các loại hormone tăng trưởng như tại Anh. Các hiệp hội nông dân Anh thậm chí tổ chức nhiều cuộc vận động hành lang để hối thúc chính phủ đưa ra yêu cầu tất cả thịt nhập khẩu của Australia phải đáp ứng tiêu chuẩn cao về môi trường và phúc lợi động vật, tương tự như các quy định đối với sản phẩm địa phương.
Trong khi Nhà sản xuất Thịt và Gia súc Australia và Nhà sản xuất Cừu Australia lên tiếng phủ nhận cáo buộc, các cuộc vận động hành lang đã dẫn đến việc Chính phủ Anh quyết định thành lập một Ủy ban thương mại đặc biệt để đảm bảo các tiêu chuẩn của Anh không bị phá hoại.
Tháng 1/2020, Bộ trưởng Môi trường Anh lúc bấy giờ là Theresa Villiers cho biết, Anh sẽ không nhượng bộ dưới bất kỳ lý do nào và sẽ duy trì lệnh cấm hiện tại đối với thịt gia súc được xử lý bằng hormone tăng trưởng. Phát biểu với tờ Financial Times (Anh), Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan nói: "Điều chúng tôi muốn đảm bảo là FTA sẽ đem đến sự tự do hóa thực sự trong việc tiếp cận thị trường cho ngành nông nghiệp, thay vì tranh luận xem bên nào có tiêu chuẩn tốt nhất".
Bên cạnh khó khăn về hàng nông sản xuất khẩu, vấn đề về lao động cũng trở thành một trong những vướng mắc chính của FTA Australia-Anh. Nhằm làm tăng đáng kể sự dịch chuyển lao động giữa hai quốc gia, Australia và Anh thống nhất đàm phán dỡ bỏ quy định về độ tuổi và các hạn chế khác đối với các chương trình thị thực lao động tạm thời.
Những cơ hội mới mà FTA Australia-Anh mang lại. Ảnh: TTXVN
Một nguồn tin từ Australia cho biết, khi được thông qua, các điều khoản về dịch chuyển lao động giữa Australia và Anh sẽ chỉ đứng sau mối quan hệ của Australia và New Zealand, với hầu hết các quy định được dỡ bỏ và người lao động gần như được tự do di chuyển giữa hai nước.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt là phía Anh "khăng khăng" yêu cầu Australia loại bỏ quy định cho phép công dân Anh có thị thực làm việc 12 tháng ở Australia có thể gia hạn thị thực thêm một năm, nếu họ làm việc đủ 88 ngày trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ của Thủ tướng Morrison có xu hướng chấp thuận yêu
cầu này, nhưng đảng Quốc gia, thành viên trong liên minh cầm quyền Tự do–Quốc gia tại Australia, lại cho rằng điều đó sẽ khiến ngành nông nghiệp Australia mất đi khoảng 10.000 công nhân làm việc tại nông trại đến từ Anh mỗi năm.
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia, đồng thời là thành viên của đảng Quốc gia, David Littleproud nói: "Chúng tôi cần một nguồn cung cấp lao động liên tục. Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người dân Australia vẫn không muốn làm công việc này".
Thỏa hiệp và cơ hội
Hơn lúc nào hết, Anh đang cần các hiệp định thương mại tự do mới để lấp đầy khoảng trống mà Brexit tạo ra. Nhiều nhà phê bình cho rằng nếu Thủ tướng Anh Boris Johnson không đạt được thỏa thuận với một Australia "thân thiện", thì ông sẽ không thể làm được điều đó với bất kỳ một quốc gia nào khác. Nhưng việc thỏa hiệp thương mại và tận dụng cơ hội không bao giờ là đơn giản.
Thời báo Australian Financial Review (AFR) cho biết, theo thỏa thuận về nguyên tắc, một số lượng nhất định thịt bò và thịt cừu của Australia có thể được nhập khẩu miễn thuế vào Anh mỗi năm. Khối lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch cho phép sẽ phải chịu thuế, nhưng hạn ngạch dự kiến được nới rộng hàng năm. Sau 10 năm, hạn ngạch sẽ được loại bỏ. Nhưng trong thời gian 5 năm tiếp theo, nếu khối lượng nhập khẩu vào Anh vượt qua một ngưỡng nhất định, thuế quan sẽ được áp dụng trở lại đối với phần còn lại của dòng tiền vào năm đó.
Nhà báo Hans van Leeuwen của AFR nhận định thỏa hiệp này cho phép Australia tuyên bố rằng họ đã không nhượng bộ trước yêu cầu bảo hộ đầy đủ trong vòng 15 năm của Anh, đồng thời cho phép ông Johnson tuyên bố rằng người nông dân Anh sẽ được "chăm sóc" trong suốt thời gian đó.
Nhà cựu đàm phán thương mại Australia làm việc tại Geneva (Thụy Sỹ) Dmitry Grozoubinski cho biết, việc ký kết FTA với Anh là một bước tiến thương mại quan trọng, nhưng không mang tính chất chuyển đổi nền kinh tế của Australia. Ông nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã từng làm tốt được như thế này. Việc loại bỏ tất cả thuế quan và hạn ngạch là một kết quả chưa từng có".
Các nhóm kinh doanh và doanh nghiệp ở cả hai nước đã lên tiếng hoan nghênh kết quả đạt được của thỏa thuận.Phòng Thương mại Australia-Anh tại London lưu ý rằng 99% hàng hóa xuất khẩu của Australia sẽ được vào Anh hoàn toàn miễn thuế khi FTA bắt đầu có hiệu lực. Giám đốc điều hành của Công ty Lendlease tại châu Âu Neil Martin đã mô tả đây là "một thỏa thuận hiện đại và sáng tạo, sẽ hỗ trợ và khuyến khích đầu tư dài hạn ở Anh". Ông nói: "Thỏa thuận này sẽ giúp nâng cao khả năng di chuyển vốn và nguồn nhân tài giữa Australia và Anh".
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Anh tại Australia (ABCC) David McCredie kỳ vọng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy dòng chảy hai chiều "con người, nguồn vốn và kiến thức".
Ông cho biết ưu tiên hàng đầu của các thành viên ABCC là giúp các chuyên gia sống và làm việc ở mỗi quốc gia dễ dàng hơn, đặc biệt là khi cả hai nước đã củng cố chặt chẽ hơn quy định về thị thực của mình trong một thập kỷ vừa qua. Việc thuận lợi hóa sự dịch chuyển lao động cũng đồng thời "mở khóa" cho đầu tư và thương mại trong lĩnh vực dịch vụ giữa hai nước.
Tuyên bố của hai chính phủ tập trung vào cơ chế trao đổi lao động dành cho những người trẻ tuổi mong muốn tìm kiếm dạng thị thực việc làm kết hợp kỳ nghỉ. Cụ thể, FTA Australia-Anh sẽ giúp kéo dài thời hạn thị thực lao động du lịch thời vụ tại Australia dành cho công dân Anh từ 2 năm lên 3 năm, với điều kiện người lao động thuộc độ tuổi tối đa là 35.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người trẻ tuổi Anh đăng ký tham gia vào các chương trình di chuyển lao động sang Australia thường ít hơn so với hạn mức.
Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan tuyên bố: "Các chuyên gia sẽ được hưởng lợi từ những điều khoản hỗ trợ công nhận lẫn nhau về bằng cấp và có sự chắc chắn hơn dành cho các chuyên gia lành nghề Australia khi tham gia vào thị trường lao động của Anh".
Trong năm 2019-2020, giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Australia và Vương quốc Anh đạt con số 20,1 tỷ bảng Anh. Trong đó, kim loại, rượu vang và máy móc là những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Australia sang Anh, trong khi các mặt hàng nhập khẩu chính từ Australia vào Vương quốc Anh là ô tô, thuốc và đồ uống có cồn.
Mặc dù vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu về sản phẩm thịt giữa hai nước rất nhỏ, với 0,15% tổng lượng thịt bò xuất khẩu của Australia đến Anh và 14% thịt cừu nhập khẩu vào Vương quốc Anh là từ Australia./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/nhung-co-hoi-moi-ma-fta-australia-anh-mang-lai/200121.html