EU chưa tìm được tiếng nói chung về giá trần khí đốt tự nhiên

10:00' 20-12-2022
EU muốn áp trần giá khí đốt để đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, nhưng các thành viên chưa tìm được tiếng nói chung về mức giá.


    Các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến họp vào ngày 19/12 tại Brussels, Bỉ để tiếp tục thảo luận về biện pháp áp trần giá khí đốt tự nhiên, sau phiên họp kéo dài hôm 13/12 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

    "Sẽ chỉ có một chủ đề mà chúng tôi thảo luận tại cuộc họp tới là mức giá trần khí đốt", Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela nói. "Chúng tôi biết rằng đạt được thỏa thuận sẽ không bao giờ dễ dàng".

    Sau nhiều tháng tranh cãi, các thành viên EU vẫn còn chia rẽ về cách ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến khí đốt. Ủy ban châu Âu đã nỗ lực tìm kiếm những biện pháp mà tất cả 27 thành viên có thể nhất trí. Các lựa chọn dễ dàng như tự nguyện cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt hay áp thuế đã được sử dụng. Nhưng đến nay, áp giá trần vẫn là phương án khó khăn nhất.

    Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck thăm một cơ sở khí đốt tại Bad Lauchstaedt, Đức hôm 28/7. Ảnh: Reuters.

    Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck thăm một cơ sở khí đốt tại Bad Lauchstaedt, Đức hôm 28/7. Ảnh: Reuters.

    Châu Âu đã đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng vì giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung hạn chế sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Giá năng lượng cao kéo theo lạm phát, tăng hóa đơn của các hộ gia đình và buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất.

    Để cố gắng hạn chế tác động của giá khí đốt cao với nền kinh tế, khoảng 15 quốc gia EU đã kêu gọi áp trần giá khí đốt trên toàn châu Âu. Giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức tương đối cao, dù đã giảm trong những tháng gần đây, khi EU nhất trí một số biện pháp khẩn cấp như nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông.

    Giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn châu Âu, hôm 7/12 là 140 euro (gần 150 USD) mỗi megawatt giờ. Một năm trước, mức giá này vào khoảng 95 euro và hai năm trước là khoảng 14 euro. Giá khí đốt hồi tháng 8 đã tăng lên mức kỷ lục 340 euro mỗi megawatt giờ.

    Ủy ban châu Âu hôm 22/11 đề xuất mức giá trần 275 euro (hơn 290 USD) mỗi megawatt giờ. Tuy nhiên, một số nước cho rằng mức trần này quá cao. Czech, chủ tịch luân phiên của EU, đã đưa ra đề xuất mới là 200 euro (hơn 210 USD) mỗi megawatt giờ.

    Nếu mức trần giá khí đốt được thông qua, bất kỳ giao dịch nào ở trên mức này đều không được chấp nhận. Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa. Tuy nhiên, mức trần giá khí đốt sẽ không ảnh hưởng tới hợp đồng tư nhân ngoài các sàn giao dịch năng lượng.

    Nhiều nước EU đã chỉ trích đề xuất của Brussels, cho thấy chia rẽ vốn tồn tại lâu nay giữa các nước về việc có nên áp giá trần khí đốt hay không.

    Bỉ, Ba Lan, Hy Lạp và một số nước cho rằng mức giá trần khí đốt mà Ủy ban châu Âu đề xuất là quá cao và các điều kiện áp dụng quá nghiêm ngặt, khiến biện pháp này khó được kích hoạt. Một số thành viên EU thậm chí gọi đề xuất này là "trò đùa".

    Một số nước nhập khẩu khí đốt lớn như Đức, Hà Lan và Đan Mạch phản đối áp giá trần. Họ cho rằng điều này sẽ phá vỡ hoạt động bình thường của thị trường năng lượng châu Âu, khiến việc thu hút nguồn cung trở nên khó khăn khi các nước xuất khẩu chuyển sang bán khí đốt cho những nơi trả giá cao hơn.

    Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) cảnh báo Ủy ban châu Âu không nên tiếp tục đề xuất này. Trong bản ghi nhớ gửi tới Hội đồng châu Âu, ICE cho biết đề xuất có thể làm tăng giá khí đốt, bởi các nhà cung cấp có khả năng ngừng giao dịch ngay cả khi giá tăng gần mức trần, dẫn tới thiếu nguồn cung.

    Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước cho biết đề xuất của EU có thể gây nguy hiểm cho ổn định tài chính và có khả năng khiến các công ty tiện ích chuyển sang giao dịch tư nhân, chấp nhận rủi ro lớn nhằm tránh mức giá trần. Đây cũng là mối lo ngại của Hiệp hội Giao dịch Năng lượng châu Âu.

    Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson tuần trước gặp các đại diện sàn giao dịch năng lượng để thảo luận về những lo ngại của họ. Bà cho biết đề xuất áp giá trần của EU đi kèm những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để tránh hậu quả tiêu cực.

    Khi cuộc đàm phán được nối lại vào tuần tới, chủ tịch luân phiên EU sẽ giữ nguyên hầu hết các chi tiết của đề xuất, bao gồm không áp giá trần khí đốt với các thỏa thuận mua bán tự do và cơ chế tự động hủy kích hoạt giá trần.

    Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Bấm vào hình để xem chi tiết.

    Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU.

    Trong khi các cuộc thảo luận về giá trần khí đốt vẫn bế tắc, EU đang phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và cả những năm sau. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023.

    IEA cảnh báo thị trường LNG sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn trong năm 2023. Họ dự đoán nguồn cung LNG sẽ ít hơn, nhưng nhu cầu sẽ tăng lên, đặc biệt từ Trung Quốc, quốc gia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đại dịch và nhiều khả năng cần nguồn cung khí đốt lớn hơn để khôi phục nền kinh tế.

    Năm nay, EU đã ký các thỏa thuận LNG với Mỹ, Qatar và các nước khác để giảm phụ thuộc khí đốt Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng liên minh sẽ phải bắt đầu lại khi chuẩn bị cho mùa đông tới.

    Khả năng ứng phó với mùa đông tiếp theo của EU sẽ phụ thuộc vào việc "liệu thị trường LNG có thuận lợi như năm nay hay không", Georg Zachmann, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Bỉ, nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ke-hoach-ap-tran-gia-khi-dot-gay-tranh-cai-cua-chau-au-4547723.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ