Đừng để người thân phải trả giá đắt vì chủ quan khi mắc bệnh quai bị
Ths.BS Đinh Hữu Việt (trưởng khoa Nam học, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, gần đây đã khám và điều trị cho nhiều nam giới bị chẩn đoán vô sinh do từng mắc bệnh quai bị. Đa số các bệnh nhân nhìn hình thức bên ngoài khỏe mạnh, thậm chí “chuyện ấy” vẫn hoạt động tốt nhưng kết hôn mãi không có con nên đi khám và phát hiện teo tinh hoàn, không có tinh trùng.
Điển hình như vợ chồng anh Chu Văn Hải (SN 1993) và chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1995), kết hôn từ năm 2016 nhưng mãi không có con. Khi khám, bác sĩ Việt phát hiện, tinh hoàn anh Hải bị teo, không có tinh trùng. Anh Hải cho biết bản thân bị quai bị năm 17 tuổi, khi đó thấy sức khỏe không ảnh hưởng nên chủ quan, không nghĩ lại gây vấn đề nghiêm trọng.
“May mắn, bệnh nhân sau khi phẫu thuật vi phẫu (MicroTESE), đã tìm được tinh trùng trong mào tinh, rồi kết hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm. Sau hai lần chuyển phôi thất bại, đến lần thứ 3 người vợ đậu thai và hiện họ có một bé gái khỏe mạnh”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Bệnh lành tính dễ lây, biến chứng rất nặng nề
Bác sĩ Đinh Hữu Việt cho biết, bệnh quai bị thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc. Tiếc rằng, rất nhiều người chủ quan, dẫn tới biến chứng sau quai bị, trong đó có vô sinh.
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Mumps (thuộc họ Paramyxoviridae) gây ra. Con đường lây bệnh chủ yếu là qua hô hấp. Nếu tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người bệnh trong khi nói chuyện, ăn uống chung, ho hoặc hắt hơi thì rất dễ bị lây nhiễm.
Tùy từng giai đoạn, quai bị sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Thời gian ủ bệnh thường có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau đầu… Đến giai đoạn toàn phát, thường có biểu hiện viêm tuyến nước bọt mang tai, sưng to cả hai bên mang tai. Giai đoạn lui bệnh, người bệnh vẫn có biểu hiện sốt, sau 8-10 ngày thì hết sưng tuyến nước bọt mang tai.
Bác sĩ Việt cho biết, nhiều nam giới trưởng thành mắc bệnh nhưng chủ quan, dẫn tới biến chứng vô sinh do quai bị. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Việt cho biết thêm, nếu không bị biến chứng và có chế độ kiêng tốt, người bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày. Tuyến nước bọt nếu có sưng cũng sẽ không hóa mủ, không bị teo (trừ khi kết hợp bội nhiễm vi khuẩn).
Dù đây là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể gặp một vài biến chứng như: viêm não, viêm màng não, viêm tụy cấp tính, viêm cơ tim, giảm bạch cầu... Mặc dù khả năng xảy ra các biến chứng này thấp nhưng khá nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là trẻ em có sức đề kháng yếu.
Ngoài ra, một điều cần thiết phải lưu ý là virus quai bị còn có thể gây tổn thương, viêm tinh hoàn ở nam giới và gây viêm buồng trứng đối nữ giới. Thống kê cho thấy, có 20% nam giới bị viêm tinh hoàn khi mắc bệnh quai bị ở lứa tuổi dậy thì và 0,5% trường hợp có nguy cơ teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh. Các triệu chứng của viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau 5-7 ngày bị viêm tuyến nước bọt.
Viêm tinh hoàn do quai bị có khả năng gây teo tinh hoàn. Biến chứng này cần phải theo dõi trong vài tháng mới có thể khẳng định chắc chắn. “Mặc dù tỷ lệ xảy ra tương đối thấp nhưng cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Thậm chí, trẻ mắc quai bị từ nhỏ, cơ thể phát triển bình thường nhưng khi trưởng thành, lập gia đình vẫn có thể bị ảnh hưởng”, bác sĩ Việt cảnh báo.
Người bị biến chứng teo tinh hoàn do quai bị cần đi khám sớm. Họ có thể được thực hiện phẫu thuật vi phẫu Micro TESE can thiệp sâu vào tinh hoàn để tìm những ống sinh tinh có chứa tinh trùng thông qua kính vi phẫu có độ phóng đại lớn. Người chưa lập gia đình có thể lưu trữ tinh trùng để làm hỗ trợ sinh sản sau này. Những người đã có vợ có thể tạo phôi để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Phòng bệnh không khó
Theo bác sĩ Việt, tiêm vắc xin là biện pháp an toàn và hiệu quả để phòng bệnh quai bị. Vắc xin quai bị là loại kết hợp cùng lúc 3 bệnh: quai bị, sởi, rubella có tên gọi là MMR. Đây là loại vắc xin an toàn, tạo kháng thể cao, có thể bảo vệ 75-95% trường hợp tiếp xúc và miễn dịch ít nhất là 17 năm.
Việc tiêm vắc xin sẽ tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh quai bị cũng như sởi và rubella cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến 10 tuổi. Mũi tiêm thứ hai có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trước khi trẻ 6 tuổi.
Tiêm vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả để phòng bệnh quai bị. Ảnh minh họa.
Ngoài cách cho trẻ đi tiêm vắc xin để phòng bệnh một cách hiệu quả thì cha mẹ cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp sau đây:
- Cho trẻ vệ sinh cá nhân thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác.
- Đảm bảo môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Đồ chơi, vật dụng sinh hoạt được vệ sinh thường xuyên
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.
- Khi đi đến những nơi đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện thì nên đeo khẩu trang cho trẻ.
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/alo-bac-si/can-benh-khien-nam-gioi-de-mat-co-hoi-lam-cha-bac-si-tu-van-cach-phong-tranh-don-gian-c430a594733.html