Điều gì sẽ xảy ra nếu ICC phát lệnh bắt Thủ tướng Israel?
Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan hôm 20/5 thông báo ông đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam của Hamas Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh.
Lý do được ông Khan đưa ra là các lãnh đạo Israel và thủ lĩnh Hamas đã phạm "tội ác chiến tranh" và "tội ác chống lại nhân loại" liên quan tới cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và xung đột Gaza sau đó.
ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập năm 2002 để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Không giống Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), ICC không truy tố các quốc gia mà chỉ nhắm vào các cá nhân. ICC không phải là cơ quan Liên Hợp Quốc nhưng được thành lập thông qua Đại hội đồng LHQ và duy trì thỏa thuận với tổ chức này.
Từ trái qua phải: 3 thủ lĩnh Hamas gồm Yahya Sinwar, Mohammed Deif, Ismail Haniyeh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Ảnh: FT
Yêu cầu của ông Khan đang được hội đồng thẩm phán ICC xem xét. Hội đồng gồm ba thẩm phán là Iulia Motoc từ Romania, Maria del Socorro Flores Liera từ Mexico và Reine Alapini-Gansou từ Benin. Không có thời hạn để thẩm phán quyết định có ban hành lệnh bắt hay không. Trong các trường hợp trước đây, họ mất từ một đến vài tháng để ra quyết định.
Nếu các thẩm phán đồng ý rằng có "cơ sở hợp lý" để tin tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người đã được thực hiện, họ sẽ ban hành lệnh bắt. Thẩm phán có thể chỉ chấp nhận một phần những gì công tố viên đưa ra. Các cáo buộc cũng có thể thay đổi và cập nhật sau.
Các lãnh đạo Israel và thủ lĩnh Hamas đã bác bỏ các cáo buộc, đại diện của cả hai bên chỉ trích quyết định của Khan.
Israel không công nhận thẩm quyền của ICC. Ông Netanyahu cho rằng công tố viên Khan là "một trong những người bài Do Thái nhất trong lịch sử hiện đại" và lệnh bắt sẽ là "vết nhơ lịch sử" của công lý.
Nếu ICC phát lệnh bắt, các nước thành viên có nghĩa vụ thực thi nếu quan chức Israel đặt chân đến lãnh thổ của họ. ICC có 124 quốc gia thành viên, gồm 33 nước châu Phi, 19 nước châu Á-Thái Bình Dương, 28 nước Mỹ Latin và Caribe, 19 nước Đông Âu, 25 nước Tây Âu và các nước khác. Tòa có những thành viên nổi bật như Anh, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Canada, Australia, Bỉ, Na Uy, Nam Phi...
Anh, Đức, Italy và Pháp đều là những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Israel. Nếu lệnh bắt được ban hành, ông Netanyahu và Bộ trưởng Gallant sẽ khó có thể đến thăm các đối tác phương Tây thân cận.
ICC đến nay đã ban hành lệnh bắt với 42 người, trong đó 21 người bị giam với sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên. Một số lãnh đạo quốc tế bị ICC phát lệnh bắt gồm cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir, con trai lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi là Saif Gadhafi, gần đây nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thực tế, chưa lệnh bắt lãnh đạo quốc tế nào được thực thi vì họ sẽ tránh đến các quốc gia thành viên ICC và bản thân một số nước không thực hiện nghĩa vụ vì e ngại khủng hoảng ngoại giao. Ông Omar al-Bashir từng đến một số quốc gia thành viên ICC như Nam Phi và Jordan nhưng không bị bắt.
Tuy nhiên, Chile Eboe-Osuji, cựu chủ tịch ICC, nhấn mạnh "không nên đánh giá thấp nghĩa vụ của các thành viên". "Năm ngoái, ông Putin đã hủy kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi trong bối cảnh Pretoria có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt của ICC", Eboe-Osuji nói.
Ông Netanyahu và Bộ trưởng Gallant vẫn có thể đến Mỹ, bên hỗ trợ lớn nhất của Israel. Mỹ không phải là thành viên ICC và Nhà Trắng tin ICC không có thẩm quyền trong cuộc xung đột hiện tại. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hành động xin lệnh bắt là "thái quá". Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã đe dọa áp lệnh trừng phạt với ICC.
Dù vậy, Juliette McIntyre, giảng viên luật tại Đại học Nam Australia, nhận xét lệnh bắt sẽ gây áp lực chính trị nặng nề với Israel và các đối tác phương Tây.
"Lệnh bắt sẽ làm suy yếu vị thế trong cộng đồng quốc tế, đó là lý do tại sao điều này có ý nghĩa đối với ông Netanyahu và ông Gallant nhiều hơn là với các thủ lĩnh Hamas, vì một số nước vốn đã chỉ trích kịch liệt Hamas nhiều năm qua", bà nói.
Abdelghany Sayed, cựu nhân viên văn phòng công tố ICC, cho rằng Washington "sẽ vẫn phải chịu áp lực nếu ông Netanyahu hoặc ông Gallant tới Mỹ". Nếu Washington tiếp tục chào đón các quan chức Israel, nước này có thể phải đối mặt với làn sóng phản đối từ các thành viên ICC.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: AFP
Trong số các lãnh đạo Hamas nằm trong yêu cầu xin lệnh bắt của công tố viên Khan, Sinwar và Deif được cho là đang ở Gaza, trong khi Haniyah cư trú tại Qatar, nước không phải là thành viên ICC.
Các lãnh đạo người Palestine đã ký Quy chế Rome năm 2015. Theo đó, ICC có thẩm quyền với các thực thể ở Gaza và vùng lãnh thổ khác của người Palestine, trong đó có Hamas.
Hamas đã yêu cầu công tố viên ICC rút lại các cáo buộc chống lại nhóm lãnh đạo của họ, tuyên bố rằng ông Khan "đánh đồng nạn nhân với kẻ xâm lược". Nhóm vũ trang này cho rằng yêu cầu lệnh bắt lãnh đạo Israel "được đưa ra quá muộn", sau khi Tel Aviv đã gây ra "hàng nghìn tội ác" trong 7 tháng xung đột.
Nếu lệnh bắt được ban hành với Ismail Haniyeh, ông sẽ phải cân nhắc kỹ hơn về các chuyến đi gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao Arab. Ông cũng có thể phải dành nhiều thời gian hơn ở Qatar. Jordan, Djibouti và Comoros là các thành viên ICC trong khu vực. Ngoài ra, Algeria, Bahrain, Ai Cập, Iran, Kuwait, Morocco, Oman, Syria, UAE và Yemen đã ký Quy chế Rome nhưng quốc hội chưa phê chuẩn.
Trong khi đó, lệnh bắt không có nhiều ý nghĩa với hai thủ lĩnh còn lại của Hamas ở Gaza, những người vốn đang phải ẩn trốn cuộc săn lùng của Israel suốt 7 tháng qua.
Chuyên gia McIntyre cho rằng lệnh bắt sẽ không có tác động nhanh chóng đến tình hình chiến sự ở Gaza nhưng có thể tăng cường áp lực với các bên trong xung đột, góp phần đưa tới những thay đổi chính trị, giống như việc Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy tuần này tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine, và tác động đến các cuộc tranh luận đang diễn ra ở một số nước về dừng bán vũ khí cho Israel.
Vì khả năng các lãnh đạo Israel và thủ lĩnh Hamas bị bắt là rất thấp, ICC khó có thể đưa họ ra xét xử do tòa không cho phép xử vắng mặt. "Lệnh bắt không có nghĩa là họ sẽ vào tù", Shahd Hammouri, giảng viên luật quốc tế tại Đại học Kent ở Anh, nhấn mạnh.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tac-dong-neu-icc-phat-lenh-bat-lanh-dao-israel-va-hamas-4748541.html