Điều bất ngờ sau câu chuyện nữ tiến sĩ bỏ học trở thành người đầu tiên phát hiện virus corona
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Nguồn gốc gây ra bệnh dịch kinh hoàng này là do virus có tên là SARS-CoV-2 gây ra. Nó là một phần của họ virus corona, bao gồm các loại virus phổ biến gây ra nhiều loại bệnh từ cảm thông thường, viêm phế quản đến các bệnh nghiêm trọng (nhưng hiếm gặp hơn) như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và Hội Chứng Hô Hấp Trung Đông (MERS).
June Almeida - nhà virus học người Scotland.
Bà June Almeida - nhà virus học người Scotland chính là người đầu tiên phát hiện virus corona ở người. Với cường độ tấn công dữ dội của COVID-19, khám phá của Almeida mới được nhiều người nhớ đến và nhắc lại.
Điều ít ai ngờ tới đó là phát hiện mang tính lịch sử này của Almeida vào năm 1964 đã từng bị một tạp chí bình duyệt khoa học từ chối và cho rằng đó "chỉ là những bức ảnh xấu về virus cúm". Tuy nhiên, họ đã không ngờ rằng loại virus mà Almeida tìm ra sẽ tàn phá thế giới chỉ hơn 50 năm sau.
Almeida sinh ngày 5/10/1930 ở Glasgow (Scotland) với tên gọi June Hart. Là con gái của một tài xế xe buýt, Almeida phải nghỉ học năm 16 tuổi mặc dù là một học sinh xuất sắc vì không đủ khả năng chi trả học phí. Sau đó, bà nhận công việc như một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Hoàng gia Glasgow.
Almeida sau này chuyển đến London với mong muốn thăng tiến sự nghiệp và tại đây bà đã kết hôn với Enriques Almeida - nghệ sĩ người Venezuela vào năm 1954. Sau khi sinh con gái Joyce, Almeida và gia đình chuyển đến Toronto, Canada, nơi bà bắt đầu làm kỹ thuật viên kính hiển vi điện tử tại Viện Ung thư Ontario ở Toronto.
Ở Canada, mặc dù không được học hành bài bản từ đầu nhưng những đóng góp của Almeida với khoa học vẫn dễ dàng được công nhận hơn ở Anh. Tại đó, bà đã phát triển kỹ thuật mới và công bố một số nghiên cứu mô tả cấu tạo của những virus chưa từng được quan sát trước đây.
Almeida đã đi tiên phong trong việc phát triển kỹ thuật hiển vi rất đơn giản nhưng mang tính cách mạng đối với lĩnh vực virus học. Kính hiển vi điện tử chiếu dòng hạt electron vào mẫu vật, sau đó ghi lại tương tác của các hạt với bề mặt mẫu vật. Vì các electron có bước sóng ngắn hơn nhiều so với ánh sáng, điều này cho phép các nhà khoa học quan sát hình ảnh chi tiết và rõ nét hơn đáng kể. Tuy nhiên, sẽ có khó khăn nếu mẫu vật siêu nhỏ là virus, tế bào hay thứ gì khác tương tự.
Để giải quyết vấn đề, Almeida nhận ra rằng bà có thể sử dụng các kháng thể lấy từ những người đã nhiễm bệnh trước đó để xác định chính xác loại virus. Do kháng thể bị thu hút bởi kháng nguyên tương ứng, khi thêm vào mẫu vật những hạt siêu nhỏ phủ đầy kháng thể, chúng sẽ tập trung quanh virus, hé lộ sự hiện diện của nó. Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ lâm sàng sử dụng kính hiển vi điện tử để chẩn đoán bệnh truyền nhiễm do virus ở bệnh nhân.
Almeida tiếp tục xác định một loạt virus bao gồm cả rubella, loại virus có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu bệnh rubella trong nhiều thập kỷ, nhưng Almeida là người đầu tiên quan sát được virus gây bệnh này.
Phương pháp này cũng giúp Almeida phát hiện ra rằng virus viêm gan B có hai thành phần, một thành phần ở bề mặt hạt và một thành phần bên trong.
Khi trình độ chuyên môn của bà được công nhận, Almeida quay trở lại London và làm việc tại Trường Y Bệnh viện St. Thomas vào năm 1964. Vào thời điểm đó, bà đã được trao bằng tiến sĩ khoa học cho các ấn phẩm của mình.
Tại London, bà đã làm việc với tiến sĩ David Tyrrell, người giám sát nghiên cứu tại Đơn vị nghiên cứu cảm lạnh ở Salisbury, Wiltshire, Anh. Nhóm của Tyrrell đã thu thập được các mẫu virus giống virus cúm mà họ ký hiệu là “B814” từ một học sinh ở Surrey, nhưng gặp khó khăn đáng kể trong việc nuôi cấy nó trong phòng thí nghiệm. Khi các phương pháp truyền thống không thành công, các nhà nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ rằng B814 hoàn toàn có thể là một loại virus mới.
Không có nhiều lựa chọn, tiến sĩ Tyrrell đã gửi các mẫu virus cho Almeida với hy vọng rằng kỹ thuật kính hiển vi của bà có thể xác định được loại virus. Tiến sĩ Tyrrell sau đó đã viết lại về sự việc này trong cuốn sách Cold Wars: The Fight Against the Common Cold rằng: “Chúng tôi không quá hy vọng nhưng cảm thấy điều đó rất đáng để thử".
Và điều bất ngờ là những phát hiện của nữ tiến sĩ Almeida đã vượt qua cả kỳ vọng của Tyrrell. Bà không chỉ tìm thấy và tạo ra được những hình ảnh rõ ràng về virus mà còn nhớ lại từng nhìn thấy hai loại virus tương tự trước đó trong nghiên cứu của mình: Một lần là khi đang xem xét bệnh viêm phế quản ở gà và lần thứ hai khi nghiên cứu bệnh viêm gan siêu vi ở chuột.
Almeida từng viết bài báo về cả hai loại nhưng bị từ chối xuất bản. Hội đồng thẩm duyệt cho rằng đó là những bức ảnh chất lượng kém của các hạt virus cúm mùa. Với mẫu vật từ Tyrrell, Almeida tin chắc họ đã tìm thấy một họ virus mới.
Bốn virus corona được nhìn thấy qua kính hiển vi điện tử.
Khi Almeida, Tyrrell và người hướng dẫn của bà cùng gặp mặt để thảo luận về những phát hiện mới, họ băn khoăn không biết nên gọi nhóm virus mới là gì. Sau khi xem qua các hình ảnh, họ lấy cảm hứng từ cấu trúc giống vầng hào quang của virus và quyết định gọi chúng là virus corona theo tiếng Latinh có nghĩa là vương miện, hào quang.
Almeida về hưu năm 1985. Vào cuối những năm 1980, bà quay lại làm cố vấn ở bệnh viện St. Thomas và giúp xuất bản một số hình ảnh chất lượng cao đầu tiên của virus HIV. Almeida qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 12/2007 ở tuổi 77.
Hugh Pennington, giáo sư danh dự về ngành vi khuẩn học tại Đại học Aberdeen, người từng làm việc với Almeida tại St. Thomas đã nhận xét về bà: "Bà là một trong những nhà khoa học Scotland nổi bật ở thời đó, nhưng thật đáng buồn là bà gần như đã bị lãng quên".
Và trớ trêu thay, đại dịch COVID-19 bùng nổ mới khiến nhiều người biết đến những đóng góp của bà. 50 năm sau lần đầu tiên Almeida nhìn thấy virus corona qua kính hiển vi, công trình của bà đang đang giúp các nhà nghiên cứu chống lại chủng virus corona mới mang tên SAR-CoV-2.
Ngoài phát hiện mang tính lịch sử của Almeida về virus corona, kỹ thuật hiển vi điện tử của bà cũng góp phần vào việc phát hiện ra những loại virus khác. Almeida được ghi nhận là người đã dạy kỹ thuật hiển vi điện tử cho Tiến sĩ AZ Kapikian thuộc Viện Y tế Quốc gia của Mỹ, người đã sử dụng nó để xác định norovirus, nguyên nhân biến nhất của viêm dạ dày ruột. Ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang sử dụng các kỹ thuật của bà để xác định nhanh chóng và chính xác virus.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/dieu-bat-ngo-sau-cau-chuyen-nu-tien-si-bo-hoc-tro-thanh-nguoi-dau-tien-phat-hien-virus-corona-c131a501491.html