Địa ốc: Nợ tiền vay thế chấp mua nhà, nhiều người cao niên ở Úc có nguy cơ bị suy nhược thần kinh
22:00' 20-09-2019
Mới đây, một báo cáo chỉ ra rằng, khoản nợ thế chấp mua nhà của những người Úc trên 55 tuổi đã “bùng nổ” ở mức 600% trong gần 30 năm, dẫn đến hệ lụy là nhiều chủ nhà lớn tuổi có nguy cơ bị suy giảm tình trạng sức khỏe thần kinh.
Photo: Domain
Cũng trong cùng kỳ, tỷ lệ nợ thế chấp trên thu nhập của nhóm người cao niên đã tăng vọt từ 71% lên đến 211%, và điều này khiến các nhà nghiên cứu quan ngại sâu sắc về tương lai tài chính của người Úc.
Giáo sư khoa Kinh tế của Đại học Curtin, bà Rachel Ong Viforj, cho biết có một mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng do nợ thế chấp với sức khỏe tâm thần kém, và sự ảnh hưởng thường rõ rệt hơn ở nữ giới.
Những phát hiện trên nằm trong báo cáo “Căng thẳng Thế chấp và Quyền Sở hữu nhà bấp bênh: Những ảnh hưởng đối với Người cao niên” của Viện Nghiên cứu Nhà ở và Đô thị Úc, được công bố trên tờ Domain và nhấn mạnh một tương lai đáng lo ngại đối với nhiều người.
Bà Ong Viforj phát biểu “Về cơ bản, những phụ nữ lớn tuổi vay trả góp mua nhà thường nhạy cảm hơn đối với những thay đổi tác động trực tiếp đến cá nhân như hôn nhân đổ vỡ.
Phụ nữ cũng thường có khuynh hướng mua nhà để sinh sống cùng với cả gia đình, không như nam giới thường có xu hướng đa dạng hóa danh mục nhà ở để đầu tư”.
Bà Debbie Rivers, hiện đã ngoài 50 tuổi, nói rằng bà đã cố gắng hướng tới việc trả hết nợ thế chấp cho đến khi bà ly hôn cách đây 12 năm.
Người phụ nữ này chia sẻ “Chúng tôi đã lập kế hoạch ngân sách, đã chi tiêu hợp lý cho mọi thứ, sống với một nguồn thu nhập, có ba đứa con và khoản nợ gần như đã được trả hết. Chúng tôi tự hào vì không bị vướng vào một khoản nợ thế chấp lớn và cũng không bao giờ muốn vay nhiều tiền”.
Bà Rivers nói rằng bà đã ở “một vị trí thực sự tốt”, nhưng rồi bà đã rất kinh ngạc khi biết mình bị bỏ lại với một khoản nợ lớn hơn sau khi ly hôn.
“Tôi sẽ không có khoản nợ nào nếu còn duy trì cuộc sống vợ chồng, và những phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh vô gia cư cao hơn vì sự rạn nứt hôn nhân trong cuộc sống. Tôi cho rằng nhiều người không bao giờ muốn thấy mình ở trong hoàn cảnh tài chính đó tại thời điểm xuống dốc trong đời. Bản thân tôi không có xu hướng dồn ép bản thân mình trở nên căng thẳng... Tôi biết rằng tôi sẽ có đủ tiền, nhưng tôi không ngờ là tình trạng tài chính không tốt đã xảy ra ở giai đoạn đó trong cuộc sống”, bà Rivers cho biết.
Bà Rivers – một nữ huấn luyện viên làm việc tại Perth – kể rằng bà đã gặp nhiều người có cùng hoàn cảnh như bà và tất cả họ đều có những trạng thái tâm lý khác nhau.
Bà Rivers nói “Một số người không ý thức được sự thật là họ sẽ phải nợ thế chấp mua nhà cho đến khi họ bước sang tuổi 70, và điều đó thật đáng sợ. Thế nhưng những người khác đã bị căng thẳng do mắc nợ nhiều tiền. Những khách hàng là nam giới của tôi đặc biệt căng thẳng khi mắc nợ thế chấp. Điều này đè nặng lên tâm trí họ là họ không có sự lựa chọn. Có thể trước khi ly hôn, họ nghĩ rằng họ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 55, nhưng thực tế phũ phàng là họ sẽ chỉ có thể nghỉ hưu trước khi ở tuổi 75 và họ lo sợ liệu họ có đủ sức để làm việc đến độ tuổi đó hay không”.
Tuy nhiên, khoản nợ thế chấp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người vay tiền.
Giáo sư Ong Viforj cảnh báo rằng xu hướng này cũng dẫn đến nguy cơ đối với hệ thống tiền hưu bổng và tài chính quốc gia Úc.
Giáo sư nêu rõ “Có một mối lo ngại là người vay tiền có thể sẽ trông chờ vào số dư từ quỹ hưu bổng để thanh toán nợ thế chấp. Nhưng thực tế thì điều này rất đáng lo ngại vì hệ thống tiền hưu bổng được thiết lập không nhằm mục đích trả nợ thế chấp”.
Giáo sư Ong Viforj giải thích rằng “Các định chế chính sách của Úc đối với tiền hưu bổng được đặt ra dựa trên giả định là đa số những người về hưu đều có nhà riêng. Trừ khi chính phủ thực hiện các bước can thiệp để làm giảm bớt gánh nặng nợ nần của những người về hưu, nếu không thì họ có thể sẽ vướng phải nợ nần trong khi không hề ngờ tới. Chúng ta không thể cứ tiếp tục dựa vào giả định là mọi người đều mua được nhà trước khi nghỉ hưu, vì điều đó không đúng với tất cả mọi người. Nhìn chung, hệ thống nhà ở của Úc đang trải qua một sự thay đổi đáng kể. Sau 15 năm nữa, hệ thống nhà ở của Úc sẽ còn trở nên khác biệt hơn so với hiện nay”.
Hong Dao - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)
Kết quả:
3
/
5
bầu chọn.
4 reviews.
Article sourced from domain.com.au.