Đảng Dân chủ đang lo lắng về chiến dịch tranh cử của bà Harris
Phó tổng thống Kamala Harris ngày 24/10 cùng cựu tổng thống Barack Obama đến vận động tranh cử trước 20.000 khán giả, chủ yếu là người da màu, tại thành phố Clarkston, bang Georgia, trong nỗ lực tăng tốc khi cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong chưa đầy hai tuần tới.
Nhưng sự xuất hiện của ông Obama cũng không ngăn được nhiều khán giả bỏ về sớm, khi bà Harris đang phát biểu để thuyết phục họ "bỏ lại nỗi sự hãi và chia rẽ" để bước sang trang mới trong nền chính trị Mỹ.
Giới quan sát cho rằng trong thời gian đầu tranh cử, bà Harris thường tự nhận mình là "kẻ yếu thế" trước cựu tổng thống Donald Trump. Lập luận này là một trong những cách bà thúc đẩy cử tri bỏ phiếu cho mình. Nhưng sau ba tháng, khi cuộc bầu cử đã đến rất gần, các cố vấn và đồng minh hàng đầu của ứng viên đảng Dân chủ đang lo lắng rằng điều đó có thể vẫn đúng.
Phó tổng thống Kamala Harris trong một sự kiện tiếp xúc cử tri ở Aston, Pennsylvania, hôm 23/10. Ảnh: AFP
Một số trợ lý và cố vấn của Harris cho hay họ không khỏi cảm thấy hoang mang khi bà đang gặp khó khăn trong việc thu phục các nhóm cử tri quan trọng.
Phó tổng thống được cử tri nữ ủng hộ mạnh mẽ, nhưng bà có vấn đề rõ ràng với nam giới, trong đó có cả nam giới da đen và đàn ông da trắng thuộc tầng lớp lao động. Bà cũng không củng cố được động lực ủng hộ trong cộng đồng người Mỹ gốc Arab ở Michigan, những người đã thất vọng vì cách chính quyền Tổng thống Joe Biden xử lý cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông.
"Cách đây ba tuần, mọi người còn cảm thấy tốt hơn bây giờ", một đảng viên Dân chủ gần gũi với chiến dịch cho biết, thêm rằng đường đua Nhà Trắng luôn là một cuộc đua gay cấn và đảng Dân chủ thường hoảng loạn vào phút chót.
Một số đảng viên Dân chủ cho hay ký ức về chiến dịch tranh cử năm 2016, khi bà Hillary Clinton thua sốc trước Trump, vẫn ám ảnh họ trong cuộc đua năm nay và họ không muốn "lịch sử lặp lại".
Các cố vấn chiến dịch của Harris cho biết họ hiểu rất rõ những thách thức. Trong một cuộc trò chuyện với nhóm nhân viên, chủ tịch chiến dịch Jen O'Malley Dillon đã nói rằng "đây sẽ không phải cuộc đua mà một ngày nào đó chúng ta thức dậy, mặt trời chiếu sáng, mây đen tan biến và chúng ta giành chiến thắng với 5 điểm cách biệt. Không phải cuộc đua như thế. Nó rất sít sao và chúng ta sẽ phải tiếp tục tiến lên".
O'Malley Dillon nhấn mạnh dữ liệu nội bộ của đảng Dân chủ cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Harris cao hơn Trump nhưng "rất sát nút và cần tất cả mọi người chung tay".
Hàng loạt cuộc thăm dò đều cho thấy cuộc cạnh tranh đang ở thế giằng co, nhưng các cố vấn của Harris tự tin họ có lợi thế hơn đối thủ Trump nhờ vào chiến lược vận động của mình, như gõ cửa từng nhà thuyết phục cử tri, thu thập dữ liệu và chi hàng triệu USD cho quảng cáo hướng tới những nhóm cử tri cụ thể.
Chiến dịch cũng tập trung vận động tranh cử ở các bang trong "bức tường xanh" là Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, vốn vẫn được xem như con đường phù hợp nhất giúp bà Harris chiến thắng.
Những cuộc thăm dò công khai cho thấy cuộc đua về cơ bản là ngang bằng ở cả ba bang chiến trường trên, với các khảo sát chỉ khác nhau trung bình một hoặc hai điểm phần trăm, nằm trong phạm vi sai số. Kể từ ngày 1/10 đến nay, lợi thế đang hơi nghiêng về ông Trump, dù chưa thực sự rõ ràng.
Đảng Dân chủ đồng thời đang cố gắng tận dụng lợi thế của Harris với phụ nữ, hy vọng có thể thúc đẩy cử tri nữ da trắng quan tâm đến quyền phá thai đi bỏ phiếu.
Phó tổng thống có kế hoạch nhấn mạnh vấn đề này khi cùng nữ ca sĩ Beyonce tới vận động tranh cử tại Texas, nơi gần như tất cả các ca phá thai đều bị cấm đối với thai nhi trên 6 tuần. Chiến dịch của bà cũng không bỏ quên nhóm cử tri nam giới, công bố các kế hoạch chính sách nhắm vào nam giới da đen và Latin, đồng thời tham gia nhiều chương trình podcast hay show trò chuyện có tỷ lệ khán giả nam cao.
Harris gần đây cùng cựu hạ nghị sĩ Liz Cheney tổ chức các sự kiện tại ba bang vùng đông bắc nhằm kết nối với phụ nữ và các cử tri chưa quyết định, những người đã bày tỏ quan ngại về quyền phá thai và tình trạng xói mòn các nguyên tắc dân chủ.
Phe Harris hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều đảng viên Cộng hòa và độc lập để giúp bù đắp cho đà ủng hộ đang giảm sút trong các khối cử tri khác, trong đó có nhóm nam giới trẻ tuổi.
"Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng cuộc cạnh tranh ở Michigan đang rất cam go, nhưng chúng tôi rất tự tin vào cơ sở vận động của mình và khả năng hoàn thành mục tiêu này", hạ nghị sĩ Dân chủ Haley Stevens nói.
Harris ngày 23/10 có mặt ở vùng ngoại ô Philadelphia để tham dự một cuộc tiếp xúc cử tri do CNN tổ chức, trong bối cảnh một số đảng viên Dân chủ ở Pennsylvania đã lên tiếng báo động về tỷ lệ ủng hộ của bà tại đây.
Một số thành viên đảng đã lên tiếng phàn nàn về cách làm việc của Nikki Lu, quản lý chiến dịch cho Phó tổng thống ở Pennsylvania. Số khác nêu ra một số mối quan ngại, như tình trạng chậm trễ khi cung cấp biển quảng cáo để cử tri cắm trong sân vườn hay việc chiến dịch không tích cực giao tiếp với các lãnh đạo và đại diện chủ chốt tại bang.
Một phát ngôn viên của chiến dịch Harris lưu ý rằng Paulette Aniskoff, cố vấn cho cựu tổng thống Obama, đã tham gia cùng họ từ tháng 9 để tập trung vào các nỗ lực vận động bỏ phiếu, phối hợp với Lu và hai cố vấn cấp cao khác. Người quản lý chiến dịch Julie Chavez Rodriguez khẳng định họ đang điều hành "một hoạt động tranh cử lớn nhất và tinh vi nhất trong lịch sử Pennsylvania", nhấn mạnh họ có tới 50 văn phòng và 400 nhân viên tại chỗ.
Trong khi đó, ông Trump đang được đánh giá cao hơn bà Harris về chính sách kinh tế. Ứng viên đảng Cộng hòa cũng đang tích cực tiếp cận các cử tri nam, nhóm có vai trò quan trọng đối với cục diện cuộc đua.
Dù vậy, chiến dịch của Harris vẫn tự tin vào cách tiếp cận của mình tại 7 bang chiến trường chính. Trong một cuộc họp tháng này với các nhà tài trợ hàng đầu tại Philadelphia, O'Malley Dillon tuyên bố chiến dịch đang ở vị thế tốt để có thể giành chiến thắng nếu họ làm đúng theo kế hoạch ở những tuần cuối.
"Bà ấy rất thoải mái", một người tham dự cuộc họp của Ủy ban Tài chính Quốc gia chiến dịch Harris, cho biết. "Bà ấy không thể hiện điều gì khác ngoài phong thái tự tin".
Dữ liệu bỏ phiếu sớm đến nay cho thấy đảng Cộng hòa đang thể hiện tốt hơn so với trước đây, từ đó làm giảm lợi thế truyền thống của đảng Dân chủ từ hình thức bỏ phiếu này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những người làm nên khác biệt đó là vẫn là các đảng viên Cộng hòa thường bỏ phiếu cho đảng, những người quyết định đi bỏ phiếu sớm trong năm nay. Vì thế, họ không tạo ra quá nhiều thay đổi.
Song những con số về bầu cử sớm vẫn làm gia tăng mối lo lắng bên trong đảng Dân chủ.
Chiến dịch của Phó tổng thống đã mời những người nổi tiếng để giúp vận động người dân đi bỏ phiếu. Ngoài cựu tổng thống Obama, các sự kiện tranh cử của bà Harris gần đây còn thu hút hàng loạt cái tên nổi tiếng như ca sĩ Lizzo, User, rapper Eminem.
Huyền thoại nhạc rock Bruce Springsteen, diễn viên Samuel L. Jackson và đạo diễn Spike Lee đã tham gia cùng Harris và Obama trong buổi hòa nhạc và vận động tranh cử ngày 24/10 ở Clarkston.
Để giải tỏa căng thẳng, một số nhà tài trợ giàu có của đảng Dân chủ, những người đã quyên góp số tiền lớn cho chiến dịch, đang tỏa ra các bang chiến trường để giúp vận động và thuyết phục cử tri đến các điểm bỏ phiếu trong những ngày cuối cùng.
David Plouffe, chiến lược gia hàng đầu của chiến dịch, cho hay cuộc đua "về cơ bản là 48-48%, 48-47%" ở ba bang "bức tường xanh", nhưng họ cho rằng bà Harris đang làm tốt hơn trong nỗ lực tiếp cận những cử tri chưa quyết định.
"Đây là lý do tôi vẫn tự tin, tự tin một cách thận trọng", ông nói.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ba-harris-gay-lo-lang-vi-chua-the-but-toc-sat-bau-cu-4807749.html