Đại dịch COVID-19 lấy đi của người Úc rất nhiều nhưng cũng mang lại một số thành tựu
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại dịch COVID-19 đã lấy đi của người Australia rất nhiều, nhưng cũng mang lại cho Australia một số thành tựu, đặc biệt là để lại cho Australia một hệ thống y tế mạnh mẽ hơn.
Ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đại dịch đã kéo dài ba năm, ba tháng và năm ngày. Thế giới đã bước sang giai đoạn kiểm soát COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
Trải qua quãng thời gian đại dịch, Australia kỳ vọng rằng các đợt lây nhiễm lớn đã qua và nước này sẽ ứng phó tốt hơn với các đợt bùng phát không thường xuyên có thể xảy ra sắp tới.
Mặc dù đại dịch tồn tại mặt tối đáng sợ, nhưng nó cũng mang lại cho lĩnh vực nghiên cứu y học một “cú hích” mạnh, đồng thời giúp nâng cao hiểu biết y tế của người dân.
COVID-19 đã làm thức tỉnh Australia trong việc xác định nhu cầu cấp thiết về năng lực y tế nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp trong tương lai. Đại dịch cũng cho thấy rằng, với đầu tư kinh phí và sự quyết tâm, Australia có thể đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu y tế vốn diễn ra chậm chạp và trước đây được coi là “điều bình thường”.
“Nhanh chóng” đã trở thành một từ được sử dụng phổ biến. Vaccine, thuốc và công nghệ xét nghiệm đã được phát triển nhanh chóng, trong đó có việc cung cấp các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) cho người dân không cần kê đơn để mọi người sớm tự thực hiện các bước xét nghiệm.
Các bệnh viện cũng như các sở y tế ở các bang đã tự điều chỉnh cho phù hợp và các nhà chức trách đã nhanh chóng đưa ra những quyết định y tế quan trọng. Việc công bố các kết quả nghiên cứu mới, vốn thường mất nhiều thời gian, đã có thể thực hiện ngay lập tức mà không cần phải qua giai đoạn bình duyệt khoa học.
Tất nhiên, thực hiện một cách nhanh chóng không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt nhất, nhưng trong tình huống hợp khẩn cấp về y tế nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ, điều này đã giúp nâng cao năng lực của Australia và chứng minh được Australia có thể làm được những gì. Ít nhất là trong lĩnh vực y tế, Australia đã phát hiện ra nước này có năng lực ứng phó một cách nhanh chóng.
Thay đổi về nhận thức
John Shine, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Australia (AAS), cho biết COVID-19 đã thay đổi nhận thức về khoa học y tế. Giáo sư danh dự Shine - nhà khoa học tiên phong về nhân bản gen nổi tiếng quốc tế, người đứng đầu Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Sydney, Australia) trong 21 năm và là Chủ tịch Công ty Công nghệ sinh học CSL trong 7 năm - là người đã chứng kiến những bước thăng trầm trong nghiên cứu y học.
Ông cho rằng nếu đại dịch xuất hiện sớm hơn 20 năm, Australia đã không kiểm soát được đại dịch tốt được như vậy. Vào thời điểm đó, công nghệ di truyền chưa đủ hiện đại để giải trình tự virus ngay lập tức để giúp chúng ta hiểu rõ thứ mà cả thế giới đang tìm cách ngăn chặn.
Lần này, khoa học y tế đã làm được điều đó, và ngay khi một chủng mới xuất hiện, nó đã được giải trình tự trong một ngày, và các xét nghiệm chẩn đoán cũng như hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine đã được điều chỉnh nhanh chóng theo chủng mới.
Giáo sư Shine cho biết: “Điều này một lần nữa khẳng định với chính phủ và công chúng tầm quan trọng của việc sở hữu một cơ sở nghiên cứu mạnh mẽ, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa mới và dẫn đầu về công nghệ mới”.
Ông cho biết thêm: “Đại dịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ RNA, công nghệ vốn đã xuất hiện được một thời gian trước đây nhưng gặp khó khăn về điều kiện phát triển. Với sự phát triển nhanh chóng của vaccine RNA nhằm ứng phó với các đợt bùng phát bất ngờ, Chính phủ Australia đã đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu RNA và nâng cao năng lực trong nước để sẵn sàng cung cấp vaccine RNA”.
Thành công của vaccine đã mang lại cho toàn bộ ngành khoa học RNA một bước nhảy vọt với việc các nhà nghiên cứu đang khám phá ra tiềm năng của nó trong các lĩnh vực y học khác.
Trước tình trạng bùng nổ về dân số, gia tăng các hoạt động đi lại giữa các quốc gia và tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Giáo sư Shine cảnh báo Australia có thể sớm phải đối phó với nhiều loại virus từng chỉ xuất hiện ở vùng nhiệt đới.
Tuy nhiên, sau khi đối phó với đại dịch, Australia được trang bị tốt hơn nhằm ứng phó với các mối đe dọa mới. Ông Shine cũng quan sát thấy ngành khoa học đã được tiếp thêm động lực như thế nào nhờ các cuộc họp trực tuyến diễn ra ở các cấp chuyên gia. Theo ông, khoa học được coi là một “doanh nghiệp quốc tế”, và với chi phí rất thấp, các nhà nghiên cứu có thể lôi kéo mọi người từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Gặp mặt trực tiếp là rất quan trọng, nhưng các cuộc họp trực tuyến đã làm tăng hiệu quả nghiên cứu.
Công nghệ mới
Đại dịch đã tạo ra nhu cầu cấp bách về vaccine, và tương tự, nó cũng tạo ra nhu cầu cấp thiết đối với hoạt động xét nghiệm. Điều này dẫn tới việc phát triển các công nghệ mới.
Emma McBryde, Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và mô hình hóa tại Đại học James Cook (Australia) cho biết trước khi đưa bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) ra công chúng, các cơ quan quản lý của Australia và nhiều quan chức y tế lo ngại tính chính xác của bộ xét nghiệm này và liệu công chúng có thể tin tưởng vào chúng hay không.
Vào thời điểm đó, trên một diễn đàn kết nối với các quan chức hàng đầu, bà Emma McBryde nhận được thông báo cho rằng sẽ không thể đưa ra ứng dụng RAT rộng rãi vì không có cách nào để biết được ai đó dương tính hay không. Bà và các đồng nghiệp đã lập luận rằng “phụ nữ vốn biết cách sử dụng que thử thai” và với RAT, mọi người cũng sẽ biết cách sử dụng và phát huy hiệu quả của bộ xét nghiệm này. Mặc dù có những phản hồi, song các cơ quan chức năng đã đi đến quyết định chính thức cuối cùng và RAT được sản xuất rộng rãi để cung cấp cho người dân.
Vào cuối năm 2021, người dân Australia bắt đầu xét nghiệm với RAT. Một năm sau đó, cuối năm 2022, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) của Australia đã lần đầu tiên phê duyệt sử dụng RAT để xét nghiệm kết hợp đối với cả COVID-19 và bệnh cúm. Gần đây, các bộ RAT kết hợp, cho phép người dùng xét nghiệm cúm A và cúm B cũng như COVID-19, đã bắt đầu xuất hiện trên các kệ hàng trong các hiệu thuốc ở Australia. Nhà sản xuất đã bổ sung thêm một vạch hiển thị trên bộ xét nghiệm nhanh để phát hiện cúm A hoặc cúm B. Kết quả là người dân sẽ biết mình bị loại cúm nào để có thể xử trí theo hướng phù hợp.
Đến tháng 5/2023, TGA đã phê duyệt bộ RAT xét nghiệm kết hợp đối với loại virus hợp bào hô hấp RSV - loại virus gây tình trạng giống như bị cảm lạnh nhẹ nhưng rất dễ lây lan. Loại virus này có thể gây ra các biến chứng về hô hấp đe dọa tính mạng con người, đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tuổi, người trên 65 tuổi và bất kỳ ai có hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương. Virus này khiến hàng nghìn người Australia phải nhập viện mỗi năm.
Giờ đây, khi COVID-19 đã lắng xuống, dịch cúm và dịch RSV đã quay trở lại, làm dấy lên lo ngại đối với “bộ ba dịch bệnh” vào mùa lạnh sắp tới. Bộ xét nghiệm kết hợp 3 loại virus sẽ sớm có mặt trên các kệ hàng ở Australia. Việc sản xuất một loại vaccine cho RSV sẽ là bước tiếp theo sau đó. Trong tháng này, Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt vaccine ngừa RSV đầu tiên. Hiện TGA của Australia cũng đang trong quá trình đánh giá vaccine này.
Bài học giá trị
Đối với công chúng, đại dịch là một bài học sâu sắc. Ngoài việc ngày càng tin tưởng vào việc tự xét nghiệm, ngày càng có nhiều người bắt đầu theo dõi dữ liệu sức khỏe của mình qua các thiết bị công nghệ đeo trên người và các cuộc thảo luận về nguy cơ lây nhiễm dưới góc độ khoa học ngày càng trở nên phổ biến.
Trong các cuộc trò chuyện, mọi người bàn về những ưu và nhược điểm của vaccine. Các thuật ngữ y học dần trở thành ngôn ngữ chung, trong đó các từ chuyên ngành như “kháng nguyên”, “kháng thể”, “chủng virus” và “đột biến” được đề cập thường xuyên trên truyền hình mỗi ngày. Mọi người đã hiểu được giá trị của vệ sinh cá nhân và đeo khẩu trang. Mọi người cũng nhận ra rằng trong thời gian giãn cách xã hội, bệnh cúm đã không xuất hiện.
Bà Julie Leask, Giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học Sydney, cho rằng các bệnh viện cũng phản ứng nhanh hơn, mặc dù hoạt động quản lý tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi vẫn còn kém.
Theo bà Leask, đại dịch cũng khiến mọi người đánh giá cao hơn về giá trị của khoa học hành vi. Bà cho biết: “Vào năm 2021, các bang của Australia đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về khả năng cộng đồng tiếp cận và chấp nhận vaccine ngừa COVID-19, kết quả nghiên cứu đã giúp họ điều chỉnh các chiến lược của mình”.
Trước đây, bà Leask đã tích cực đóng góp vào việc triệu tập một diễn đàn trên toàn quốc nhằm xem xét về động cơ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em và xác định chiến lược nhằm tăng cường mức độ bao phủ tiêm chủng. Theo đó, chiến dịch tiêm chủng đã đạt được mức độ ổn định ở mức 50% ngay bước đầu quá trình triển khai.
Bà Leask tin rằng nếu không vì ứng phó với đại dịch, Australia có thể vẫn chưa có Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC). Các chuyên gia y tế của Australia đã kêu gọi thành lập CDC cách đây hơn 35 năm và cuối cùng điều này đang được thực hiện./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/dai-dich-da-thuc-day-nganh-y-te-cua-australia-nhu-the-nao/291772.html