CSTO lần đầu gửi quân can thiệp khủng hoảng một nước thành viên

20:00' 11-01-2022
Sau 30 năm thành lập, CSTO lần đầu gửi quân can thiệp vào cuộc khủng hoảng của một quốc gia thành viên, hành động có thể khiến thế giới thay đổi quan điểm về tổ chức này.


    Trong không gian hậu Xô Viết, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - liên minh quân sự của một nhóm quốc gia Liên Xô cũ - thường bị coi là “con hổ giấy”. Trên thực tế, kể từ khi thành lập năm 1992, tổ chức do Moscow dẫn dắt này chưa một lần thực sự hành động trong khủng hoảng.

    Dấu mốc lịch sử với CSTO đã đến ngay trong những ngày đầu năm 2022. Hôm 5/1, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan - chủ tịch luân phiên của CSTO - tuyên bố tổ chức này sẽ cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan, sau khi tham vấn “cả đêm” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

    Trước đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã kêu gọi sự giúp đỡ của khối để đối phó với các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn nổ ra trên khắp đất nước, đặc biệt là thành phố Almaty - trung tâm kinh tế của quốc gia Trung Á này.

    Theo các chuyên gia, quyết định của CSTO - với Moscow là nhân tố chủ chốt - được đưa ra bởi các toan tính cẩn trọng về sự cần thiết và mức độ khả thi của chiến dịch.

    Lịch sử không can thiệp

    Việc đưa ra tuyên bố gửi quân tới Kazakhstan có lẽ là điều trớ trêu với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Tháng 5/2020, ông từng đề nghị CSTO giúp đỡ trong cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Azerbaijan - một cựu thành viên của CSTO.

    Tuy vậy, sau ba tháng, tổ chức này chính thức từ chối lời đề nghị.

    to chuc csto anh 1

    CSTO từng từ chối đề nghị giúp đỡ của Armenia năm 2021. Ảnh: CSTO.

    “CSTO chỉ có thể hành động trong trường hợp một cuộc xâm lược hoặc tấn công nổ ra”, Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas nói với các phóng viên, theo Eurasia Net. “Nhưng đây về bản chất là xung đột biên giới”.

    Trước đó, năm 2010, tổ chức này cũng từ chối can thiệp vào cuộc bạo loạn sắc tộc tại miền Nam Kyrgyzstan với lý do “mọi vấn đề của Kyrgyzstan bắt nguồn từ bên trong đất nước”, theo lời cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

    Vậy đâu là nguyên nhân khiến CSTO nói chung - và Moscow nói riêng - nhanh chóng ra quyết định can thiệp trong cuộc khủng hoảng tại Kazakhstan lần này?

    Một số nhà quan sát nhìn nhận hành động của Nga như sự tiếp diễn của chính sách can thiệp thời Liên Xô. Tuy vậy, bản chất của sự kiện lần này có sự khác biệt hoàn toàn.

    CSTO được thành lập năm 1992, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Tổ chức này gồm 6 quốc gia thành viên: Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

    Các chuyên gia và giới hoạch định chính sách phương Tây thường xem CSTO như một nỗ lực “bắt chước” Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng không mấy thành công. Mỹ và các nước NATO thường không muốn giao thiệp với CSTO hay coi tổ chức này như một khối an ninh khu vực.

    to chuc csto anh 2

    Binh lính Armenia lên đường tới Kazakhstan để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO. Ảnh: Asbarez News.

    Tuy vậy, các phân tích từ Nga ghi nhận sự gia tăng năng lực đáng kể của CSTO trong những năm qua. Ví dụ, năm 2009, tổ chức này thiết lập đội phản ứng nhanh với binh sĩ từ các nước thành viên.

    Tháng 12/2010, CSTO ban hành quy định mới về việc can thiệp, giúp tổ chức có quyền triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để đối phó với xung đột nội bộ của các quốc gia trong khối. Đây là nền tảng pháp lý cho chiến dịch của CSTO tại Kazakhstan lần này.

    Cân nhắc cẩn trọng

    Nga và Belarus - hai thành viên của CSTO - lo ngại các cuộc biểu tình tại Kazakhstan có thể lan nhanh qua biên giới, đặc biệt nếu có sự kích động từ bên ngoài, gây bất ổn ở hai quốc gia này. Đây có thể là một nguyên nhân thúc đẩy CSTO nhanh chóng gửi quân can thiệp.

    Trên tờ Washington Post, giáo sư Alexander Cooley, chuyên gia chính trị học người Mỹ, nhận định mục đích hiện tại của CSTO là bảo vệ sự tồn vong của các chính quyền trong khu vực.

    “CSTO là ví dụ về khái niệm ‘hội nhập bảo vệ’ mà học giả quan hệ quốc tế Roy Allison đưa ra. Tuy bề ngoài là một tổ chức quân sự, vai trò của CSTO lớn hơn thế”, ông Cooley viết.

    Trong khi đó, trên tờ Foreign Policy, chuyên gia Eugene Chausovsky nhận định Nga chỉ can thiệp quân sự trong không gian hậu Xô Viết nếu hội tụ đủ 5 điều kiện: có nguyên nhân đặc biệt, nhận được sự ủng hộ của các lực lượng tại chỗ, lường trước được sự chống đối về quân sự, khả thi về kỹ thuật và lường trước được cái giá phải trả về chính trị hay kinh tế (như các lệnh cấm vận).

    to chuc csto anh 3

    Cuộc bạo loạn tại Kazakhstan là cơ hội để Nga can thiệp mà không gặp phải với sự chống đối mạnh mẽ tại chỗ cũng như trên trường quốc tế. Ảnh: AP.

    Tình hình tại Kazakhstan thỏa mãn cả 5 điều kiện trên. Tác nhân kích thích là việc người biểu tình đốt phá các tòa nhà chính phủ. Lời đề nghị can thiệp của Tổng thống Tokayev đảm bảo chiến dịch quân sự sẽ nhận được sự ủng hộ của chính quyền Kazakhstan, cũng như không gặp phải sự chống đối của quân đội nước này.

    Nga cũng hoàn toàn không gặp vấn đề về mặt kỹ thuật khi gửi quân đến nước láng giềng chỉ để ổn định tình hình an ninh. Ngoài ra, các tuyên bố của Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng cho thấy chiến dịch của CSTO không khiến Moscow phải trả một cái giá lớn từ phương Tây về mặt chính trị và kinh tế.

    Những nhân tố này khiến Nga và các đồng minh có thể nhanh chóng quyết định hành động. Nếu một số điều kiện nêu trên không thỏa mãn, Moscow đã có thể hoãn việc triển khai quân, triển khai với quy mô nhỏ hơn, hoặc “nhắm mắt làm ngơ” như trước những lời đề nghị của Kyrgyzstan và Armenia trước đó.

    Nếu chiến dịch của CSTO tại Kazakhstan thành công, việc này có thể xóa đi huyền thoại về một “con hổ giấy”, cũng như buộc NATO và phương Tây nhìn nhận CSTO một cách nghiêm túc hơn.

    “Cho đến nay, CSTO chủ yếu bị xem thường và châm biếm, vì tổ chức này bị xem là chỉ tồn tại trên giấy. Giờ đây, CSTO đang được ‘thử lửa’ dưới sự quan sát của thế giới”, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga viết.

    “An ninh tập thể ở không gian hậu Xô Viết không còn chỉ tồn tại trên lý thuyết, mà đã trở thành hiện thực”, RIA Novosti khẳng định.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/vi-sao-con-ho-giay-csto-bat-ngo-can-thiep-vao-kazakhstan-post1288772.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ