Công nhân Mỹ mất việc do lệnh áp thuế ngành ôtô của ông Trump
Khoảng 900 công nhân làm việc theo giờ ở Mỹ sẽ bị sa thải trong hai hoặc ba tuần nữa. Công việc của họ là sản xuất hệ thống truyền động và dập kim loại tại 5 nhà máy Stellantis ở Mỹ, nhằm phục vụ các nhà máy sản xuất ôtô ở Mexico. Công việc này đình trệ do ông Trump cuối tháng 3 thông báo áp thuế 25% với toàn bộ ôtô và phụ tùng nhập khẩu vào Mỹ. Thuế với ôtô được áp dụng từ ngày 3/4, còn thuế với phụ tùng sẽ có hiệu lực không muộn hơn ngày 3/5.
Từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực 31 năm trước, ngành công nghiệp ôtô hoạt động như thể không tồn tại biên giới giữa Mỹ và Mexico, Canada. Linh kiện ôtô được vận chuyển thoải mái giữa ba quốc gia trong khi các nhà sản xuất chế tạo hàng triệu chiếc xe tại nhà máy ở Mexico và Canada rồi chuyển tới đại lý ở Mỹ.
Các nhà máy lắp ráp ôtô ở Mexico và Canada nhận các bộ phận từ nhà máy ở Mỹ. Do đó, khi các nhà máy lắp ráp ở hai quốc gia láng giềng phải đóng cửa vì đòn thuế, các nhà máy ở Mỹ cũng lao đao.

Nhà máy Stellantis ở Kokomo năm 2022. Ảnh: LA Times
Ba trong số các nhà máy của Stellantis bắt đầu sa thải nhân viên nằm ở Kokomo, bang Indiana, nơi tập trung nhiều nhà máy ôtô giữa các cánh đồng rộng lớn ở phía bắc của bang. Không có ôtô nào được lắp ráp ở Kokomo, nhưng có khoảng 5.000 công nhân đang sản xuất hộp số và động cơ tại đây, cung cấp cho các nhà máy đặt ở ba quốc gia Mỹ, Canada và Mexico.
Các thành viên công đoàn ở đây, kể cả những người đồng ý với chính sách của ông Trump, vẫn lo lắng cho tương lai, theo Denny Butler, phó chủ tịch của một trong số ba công đoàn ở Kokomo, thị trấn gần 60.000 dân.
Tổng thống Trump cho rằng quá nhiều việc làm trong ngành ôtô đã chuyển ra nước ngoài trong hàng chục năm qua. Ông dự đoán các nhà sản xuất sẽ nhanh chóng phản ứng với mức thuế 25% bằng cách chuyển hoạt động sản xuất quay lại Mỹ.
Butler cho hay ông và những lao động trong ngành rất lo lắng cho các công nhân ở nhà máy tại Kokomo. Đã có 400 thành viên UAW nghỉ không lương vô thời hạn ở Kokomo ngay trước khi đợt sa thải bắt đầu vào 7/4.
"Giờ còn nhiều điều chưa rõ", ông nói. "Tôi e đây là dấu hiệu cho thấy những gì sắp xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới. Thật đáng sợ".
Ông đồng ý với lập luận NAFTA gây tổn thất cho lao động trong ngành khi khuyến khích các hãng mở nhà máy tại Mexico để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ. Nhưng ông cũng không tin rằng các nhà máy ở Mỹ sẽ nhanh chóng hoạt động lại vì mức thuế mới.
"Chính sách đã đi sai hướng trong thời gian dài", ông nói. "Tôi đồng ý với lý do ban hành mức thuế mới. Nhưng tôi hiểu lập trường của công ty. Ta không thể kỳ vọng họ sẽ dời một nhà máy từ quốc gia khác tới Mỹ chỉ trong vài tuần. Công ty có nhiều việc không thể làm ngay lập tức".
Butler ước tính 330 công nhân ở Kokomo bị sa thải do nhà máy ở Windsor, Canada (sản xuất xe tải cỡ nhỏ Chrysler), cũng như nhà máy ở Toluca, Mexico, (sản xuất xe SUV cỡ nhỏ Jeep Compass và xe điện Jeep Wagoneer) đang dừng hoạt động. Hiện không có nhà máy nào ở Mỹ sản xuất những mẫu xe này, vì vậy dịch chuyển nhà máy sang Mỹ sẽ mất tới vài năm.
Stellantis cho hay đóng cửa nhà máy ở Canada và Mexico cũng như sa thải nhân viên ở Mỹ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, họ cũng không thể dự báo.
"Chúng tôi đã cân nhắc kỹ khi đưa ra các quyết định cần thiết trong bối cảnh thị trường hiện tại", Antonio Filosa, giám đốc điều hành Stellantis tại châu Mỹ, giải thích trong thư gửi nhân viên ngày 3/4. Ông nhấn mạnh sẽ hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm lãnh đạo chính quyền, công đoàn, nhà cung cấp và đại lý tại Mỹ, Canada và Mexico, để quản lý và thích nghi với sự thay đổi.
Chủ tịch UAW Sean Fain, người lớn lên ở Kokomo và tiếp bước cha ông làm việc trong ngành ôtô, chỉ trích việc sa thải 900 lao động ở Mỹ. Fain không tình với ông Trump về nhiều vấn đề, nhưng ủng hộ quyết định áp thuế và cho rằng các nhà sản xuất như Stellantis nên hành động nhanh chóng để đưa việc làm quay lại Mỹ.
"Stellantis đã có nhiều tháng để chuẩn bị nhưng lại đẩy nhân viên ra để gánh thiệt hại", ông nói.
Có điều, Stellantis không có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận gánh phần thuế đối với ôtô lắp ráp ở Canada và Mexico, họ sẽ không có lãi. Nếu tăng giá với khách hàng, họ có thể sẽ mất thị phần. Một phương án khác là họ phải quyết định không sản xuất những mẫu xe này nữa.
Theo ông Butler, việc Stellantis chưa biết rõ nên làm gì là điều đáng sợ nhất đối với người lao động tại Kokomo. "Tôi cho rằng sẽ không có chuyện các công ty này dời nhà máy về Mỹ trong vài tháng tới và mọi chuyện sẽ ổn. Chuyện này khiến tôi lo lắng nhất", ông nói.
Đối với công nhân trong các nhà máy ở Mexico và Canada, tương lai còn đáng sợ hơn. Có hơn 4.500 thành viên công đoàn tại nhà máy ở Windsor và 2.400 công nhân làm việc theo giờ tại nhà máy ở Toluca.
"Unifor đã cảnh báo thuế quan của Mỹ sẽ gây tổn thương lập tức cho công nhân ngành ôtô và trong trường hợp này, các đợt sa thải thậm chí được công bố trước khi lệnh áp thuế có hiệu lực", Lana Payne, chủ tịch Unifor, công đoàn đại diện cho công nhân ngành ôtô ở Canada, bày tỏ.
"Ông Trump rồi sẽ hiểu được hệ thống sản xuất của Bắc Mỹ kết nối với nhau chặt chẽ tới mức nào, và công nhân ngành ôtô sẽ phải trả giá cho bài học này", bà lưu ý.

Derek Gungle đứng bên ngoài nhà máy Stellantis ở Windsor, Canada, trước ca làm việc cuối cùng ngày 4/4. Anh bắt đầu nghỉ việc từ 7/4 do lệnh áp thuế của ông Trump. Ảnh: CNN
Derek Gungle, người làm việc trong nhà máy của Stellantis ở Windsor trong hơn 10 năm, cho hay thường xuyên sang Mỹ đi xem bóng chày và ca nhạc ở Detroit, nơi cách nhà máy chỉ vài phút lái xe. "Thỉnh thoảng tôi lại qua đó ăn trưa", ông nói.
Nhưng Gungle cảm thấy xa cách với nước Mỹ từ sau khi ông Trump quay lại Nhà Trắng. Ông hy vọng Canada và Mỹ nhanh chóng đạt thỏa thuận dừng áp thuế với các loại xe mà nhà máy của ông và những nhà máy khác ở Canada đang lắp ráp. Ông cho rằng mức thuế mà Tổng thống Mỹ ban hành đang đi ngược những điều khoản của Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) do ông Trump đàm phán trong nhiệm kỳ đầu để thay thế NAFTA.
"Làm sao mà chúng ta tin tưởng được bất kỳ quyết sách nào mà chính quyền hiện nay ban bố?" ông nói.
Gungle đang dừng đi lại tới Detroit.
"Tại sao tôi phải ủng hộ một nền kinh tế không muốn ủng hộ tôi?", ông nói. "Tôi sẽ vẫn ổn trong thời gian ngắn. Vấn đề thực sự đáng lo là tương lai lâu dài sẽ thế nào. Bây giờ, đa số mọi người trong thành phố bị sa thải hoặc ảnh hưởng theo cách nhất định. Vài tháng qua vô cùng mệt mỏi. Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải hít thở sâu, chờ đợi chuyện sẽ xảy ra trong một hoặc hai tuần tới".

Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cong-nhan-my-mat-viec-do-lenh-ap-thue-nganh-oto-cua-ong-trump-4871865.html