Chính sách chống dịch của Trung Quốc đe dọa kinh tế toàn cầu

02:00' 14-01-2022
Toyota, Samsung và Volkswagen nằm trong nhóm có nguy cơ bị ảnh hưởng sản lượng khi Trung Quốc siết chặt chống dịch.


    Khi Covid-19 tái bùng phát trên khắp Trung Quốc, các công ty sản xuất lớn phải đóng cửa nhà máy, các bến cảng bị tắc nghẽn và thiếu công nhân ngày càng trầm trọng do các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm quy mô chưa từng thấy trong gần hai năm.

    Viễn cảnh về sự gián đoạn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - nơi có chiến lược không khoan nhượng để chống dịch - đang làm tăng lo ngại rằng tình hình này sẽ tác động đến toàn cầu. Theo ghi nhận của WSJ, các công ty như Samsung Electronics, Volkswagen và công ty dệt may cung cấp cho Nike, Adidas đang gặp khó khăn trong sản xuất.

    Kể từ cuối tháng 12, giới chức đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 ở một số thành phố, bao gồm cảng phía đông Thiên Tân, Tây An ở miền trung Trung Quốc và trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến. Cảng container bận rộn thứ ba trên thế giới Ninh Ba - Chu Sơn có nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng, khi hơn hai chục ca dương tính được phát hiện xung quanh đó.

    Cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì phương thức ngăn chặn Covid-19 từ năm 2020. Chính sách này chống dịch rất thành công nhưng cũng gây ra gián đoạn liên tục đối với sản xuất và chuỗi cung ứng.

    Các nhà kinh tế cảnh báo lần này hậu quả tiềm ẩn có thể nghiêm trọng hơn vì tính chất dễ lây lan của Omicron. Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn các đợt bùng phát trước Thế vận hội Mùa đông, dự kiến bắt đầu vào ngày 4/2.

    "Rủi ro gây ra bởi biến thể Omicron có thể là một bước lùi rất lớn về chuỗi cung ứng. Lần này, tình hình có thể còn thách thức hơn năm ngoái do vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Frederic Neumann, Đồng trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Châu Á tại HSBC, đánh giá.

    Người dân Tây An, Trung Quốc đi xét nghiệm Covid-19 trong tháng này. Ảnh: Reuters

    Người dân Tây An, Trung Quốc đi xét nghiệm Covid-19 trong tháng này. Ảnh: Reuters

    Một số nhà kinh tế cho biết Trung Quốc có thể siết chặt hơn nữa chính sách chống dịch và phong tỏa toàn quốc, như tháng 4/2020. Goldman Sachs hôm thứ Ba (11/1) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống 4,3% từ 4,8%, do dịch bùng phát.

    Toyota cho biết nhà máy liên doanh của họ ở Thiên Tân đã tạm dừng hoạt động hai ngày đầu tuần vì lệnh xét nghiệm toàn thành phố. Khoảng 14 triệu cư dân ở Thiên Tân đã được xét nghiệm sau khi phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron.

    Stephan Wöllenstein, CEO Volkswagen tại Trung Quốc, cho biết một nhà máy có trụ sở tại Thiên Tân cũng đã bị đóng cửa hôm 11/1. Hãng ôtô Đức gần đây cũng đã đóng cửa một nhà máy ở Ninh Ba, sau một đợt bùng phát Covid-19 nhỏ khác. Ông nói thêm rằng trong nhiều trường hợp, chính quyền Trung Quốc kiểm soát các ổ dịch địa phương chỉ trong vài tuần, cho phép các doanh nghiệp khởi động lại hoạt động.

    "Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ những gì đang xảy ra vì Omicron có thể thay đổi đáng kể bức tranh ở Trung Quốc so với năm 2020 và 2021", Guillaume Faury, Giám đốc điều hành Airbus, cho biết hôm thứ Hai (10/1). Ông nói rằng đến nay chưa có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào, kể cả ở Thiên Tân, nơi công ty điều hành dây chuyền lắp ráp máy bay.

    Người tiêu dùng và nhà bán lẻ phương Tây phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc đối với các sản phẩm từ xe đạp đến máy tính xách tay từ khi đại dịch xuất hiện. Thặng dư thương mại của Trung Quốc ước tính đạt mức cao kỷ lục năm 2021. Neumann cho rằng rủi ro trong những tháng tới chính là nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do Omicron hoành hành ở Trung Quốc.

    Hai trong số các nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới đã gặp vấn đề ở Tây An, nơi chính quyền địa phương đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt từ ngày 23/12. Samsung Electronics đang gặp khó khăn trong việc tuyển đủ nhân viên vì những hạn chế của thành phố đối với việc ra khỏi nhà của cư dân. Điều này có thể khiến sản lượng giảm nhẹ trong ngắn hạn.

    Một phát ngôn viên của Samsung tuyên bố trước đó rằng công ty sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng khách hàng không bị ảnh hưởng. Micron Technology cho biết vào cuối tháng 12, rằng việc phong tỏa ở Tây An đã làm giảm lực lượng lao động tại nhà máy, ảnh hưởng đến sản lượng chip nhớ DRAM.

    Tại Ninh Ba, Shenzhou International Group, nhà cung cấp cho các thương hiệu thể thao toàn cầu như Nike, Adidas và Fast Retailing cho biết một số địa điểm sản xuất đã bị phong tỏa từ ngày 3/1, sau khi 10 ca dương tính được phát hiện ở một quận của Ninh Ba. Dù vậy, sản xuất đã khôi phục phần nào từ ngày 10/1.

    Tại Thâm Quyến, các nhân viên của Foxconn Technology Group - nhà cung cấp cho Apple và Huawei - phải xét nghiệm Covid-19 để làm việc. Các CEO và nhà phân tích cho rằng gián đoạn thêm nữa có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và cảng của Trung Quốc khi các đợt bùng phát mới xuất hiện.

    Trong tuần này, hơn 5 triệu người sống ở thành phố An Dương đã bị phong tỏa sau khi hơn 80 ca Covid-19, trong đó có hai ca nhiễm Omicron, được phát hiện. Tại thủ phủ Trịnh Châu của Hà Nam, nơi lắp ráp iPhone, chính quyền yêu cầu tất cả cư dân phải xét nghiệm.

    Nếu biến thể Omicron lan rộng khắp châu Á sau khi quét qua Mỹ và châu Âu, các nhà kinh tế cho rằng nó có thể làm tăng lạm phát và thúc đẩy các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn. Ở Trung Quốc, rủi ro kinh tế khi tuân theo các hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19 đang ngày càng gia tăng.

    Theo một nghiên cứu của Russell Group, việc trì hoãn một tuần giao dịch thiết yếu tại cảng Ninh Ba có thể ảnh hưởng đến thương mại với quy mô 4 tỷ USD. Tháng 8 năm ngoái, một bến container tại cảng Ninh Ba đã bị đóng cửa trong hai tuần khi một ca dương tính được phát hiện.

    Tại Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Mei Wenlong, chủ sở hữu của một nhà máy sản xuất thiết bị điện, cho biết sự gián đoạn liên quan đến Omicron có thể sẽ lan sang các nhà cung cấp của ông trong những tuần tới. Nhà máy của ông, với hơn 40 nhân viên, cũng nằm trong số nhà máy trong khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện vào mùa thu năm ngoái.

    "Omicron chưa ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi, nhưng có thể đến sớm hơn dự kiến. Bạn không thể làm được gì nhiều. Chúng tôi sẽ học cách đối phó khi nó xảy ra", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/san-xuat-toan-cau-bi-de-doa-khi-omicron-lan-rong-o-trung-quoc-4415295.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ