Giải pháp phục hồi kinh tế toàn cầu

14:00' 14-01-2022
WB cảnh báo sự suy giảm sẽ xảy ra đồng thời với sự chênh lệch ngày càng lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.


    Hop tac toan cau - don bay giup phuc hoi kinh te toan cau hinh anh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

    Việc Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đã phản ánh những tác động hiện hữu của “cơn sóng thần” lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra tại hầu hết các khu vực, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba và chưa thể chắc chắn khi nào mới kết thúc.

    Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, WB cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc đáng kể trong năm nay, xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm mạnh xuống còn 3,2% năm 2023 khi gián đoạn trong chuỗi cung ứng kéo dài và các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ khổng lồ vốn được triển khai trong thời gian đại dịch.

    Dự báo tăng trưởng 4,1% cũng thấp hơn 0,2% so với mức 4,3% được WB đưa ra hồi tháng 6/2021, và con số này có thể còn giảm nếu biến thể Omicron tiếp tục hoành hành.

    Nhà kinh tế trưởng của WB Ayhan Kose, tác giả báo cáo, cho rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron cho thấy đại dịch tiếp tục gây gián đoạn đối với nền kinh tế và tình trạng gia tăng các ca nhiễm làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế có thể khiến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm thêm 0,7%.

    Ông Kose khẳng định “có sự suy giảm rõ rệt đang diễn ra. Các chính sách hỗ trợ đang được rút lại và có vô số rủi ro ở phía trước chúng ta."

    Theo ông, lãi suất tăng cũng gây thêm rủi ro và có thể làm suy yếu các dự báo tăng trưởng, đặc biệt nếu Mỹ và các nền kinh tế lớn khác bắt đầu tăng lãi suất vào mùa Xuân này, sớm hơn nhiều tháng so với dự kiến.

    Xét theo từng khu vực và quốc gia, WB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc, đồng thời cảnh báo mức nợ cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đe dọa sự phục hồi ở các nền kinh tế đang phát triển.

    Cụ thể, WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 từ 6,8% xuống 5,6%, năm nay và 2023 giảm xuống lần lượt còn 3,7% và 2,6%, khi các khoản tiết kiệm được sử dụng, sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ giảm đi và các nút thắt của chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ.

    Với kinh tế Trung Quốc, báo cáo cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021, thấp hơn 0,5% so với dự báo trước đó. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo.

    Nguy cơ khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và những tác động đến giá nhà, chi tiêu tiêu dùng và tài chính của chính quyền địa phương được đánh giá là rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

    Trong khi đó, 19 quốc gia thuộc Eurozone dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng chung là 4,2% trong năm nay, giảm so với 5,2% năm vừa qua. WB cũng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong năm 2021 là 1,7%, thấp hơn 1,2% so với dự báo hồi tháng 6 năm ngoái, song sẽ tăng lên 2,9% trong năm 2022.

    Đáng chú ý, WB cảnh báo sự suy giảm sẽ xảy ra đồng thời với sự chênh lệch ngày càng lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

    Ở các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao và hỗ trợ tài chính đáng kể đã giúp giảm bớt một số tác động kinh tế bất lợi của đại dịch. Ngược lại, tốc độ phục hồi của các quốc gia mới nổi lại bị cản trở do chính sách hỗ trợ suy yếu và điều kiện tài chính bị thắt chặt.

    WB dự đoán tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% trong năm nay và 2,3% trong năm 2023. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ chậm lại ở mức 4,6%, thấp hơn so với con số 6,3% của năm 2021, và tiếp tục giảm xuống còn 4,4% trong năm 2023. Với các nền kinh tế dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng xung đột vũ trang, sự phục hồi còn chậm chạp hơn, thấp hơn 7,5% so với xu hướng trước đại dịch.

    Chủ tịch WB David Malpass mô tả khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển như một “hẻm núi đang mở rộng” và điều này có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội và bất ổn.

    Ông Malpass nhấn mạnh “các nước đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề dài hạn nghiêm trọng liên quan tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chính sách vĩ mô toàn cầu và gánh nặng nợ."

    Bên cạnh đó là áp lực kiềm chế lạm phát khi các hoạt động toàn cầu phục hồi cùng với sự gián đoạn nguồn cung, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Trong khi đó, chuyên gia Ayhan Kose cho rằng đại dịch đã đẩy tổng nợ toàn cầu lên mức cao nhất trong 50 năm qua.

    Hop tac toan cau - don bay giup phuc hoi kinh te toan cau hinh anh 2Người dân mua hàng trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Theo báo cáo của WB, mức nợ ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm qua, khiến thu nhập bình quân đầu người tại một số nước vẫn dưới mức trước đại dịch trong năm 2022. Điều này đòi hỏi những nỗ lực tổng thể để đẩy nhanh tái cơ cấu nợ cho các nước đang gặp khó khăn, trong đó WB kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đẩy nhanh hơn việc xóa nợ cho các nước nghèo.

    Cảnh báo về việc gia tăng bất bình đẳng thu nhập, báo cáo của WB cho rằng, trên khắp thế giới, tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng do nhiều người bị mất việc làm hoặc chịu những tổn thất lớn về thu nhập. Những người thuộc nhóm thu nhập thấp hơn như phụ nữ, lao động phổ thông và phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

    Theo WB, 100 triệu người nữa có thể phải trải qua cảnh nghèo cùng cực trong năm nay vì đại dịch, trong khi những người giàu sẽ ngày càng giàu hơn, khi giá cổ phiếu và tài sản của các công ty công nghệ đạt mức cao mới.

    Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, cần có sự hợp tác toàn cầu và các chính sách quốc gia hiệu quả để giải quyết những phí tổn liên quan đến các thảm họa thời tiết và khí hậu.

    Các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng và các sự kiện liên quan tới khí hậu có thể làm chệch hướng phục hồi ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Hợp tác toàn cầu là cần thiết để đẩy nhanh tiến trình đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và để giảm chi phí kinh tế, y tế và xã hội của biến đổi khí hậu tại các cộng đồng dễ bị tổn thương.

    Cộng đồng quốc tế có thể trợ giúp mở rộng quy mô thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư xanh, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

    Cùng chung nhận định với WB, Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 11/1 một lần nữa coi cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn và đại dịch COVID-19 là rủi ro lớn nhất trong trung hạn.

    Theo WEF, trong ngắn hạn (trong vòng 24 tháng tới), thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do COVID-19 và những rủi ro do không hành động về khí hậu. Trong giai đoạn trung hạn (từ năm 2024-2027), WEF đã đưa rủi ro do không hành động về khí hậu lên vị trí đầu tiên, tiếp đó là thời tiết cực đoan và tình trạng suy yếu gắn kết xã hội. Về dài hạn (từ năm 2027-2032), ngoài rủi ro về khí hậu, WEF cũng nêu bật mối đe dọa về đa dạng sinh học.

    Trước những dự báo không mấy sáng sủa về tăng trưởng toàn cầu năm 2022, bà Mari Pangestu, Giám đốc Điều hành chính sách phát triển và quan hệ đối tác của WB, khẳng định: “Những quyết sách mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình tăng trưởng của thập niên tới. Ưu tiên trước mắt là đảm bảo vaccine được triển khai rộng rãi và công bằng để kiểm soát được đại dịch COVID-19."

    Tuy nhiên, chuyên gia WB cho rằng để giải quyết những thụt lùi trong tiến trình phát triển như sự gia tăng bất bình đẳng sẽ cần những sự hỗ trợ lâu dài.

    Trong giai đoạn nợ tăng cao, hợp tác toàn cầu sẽ là điều cần thiết để giúp tăng nguồn lực tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển, nhằm giúp các nước này đạt được sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Đây sẽ là đòn bẩy để đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn u ám và trở lại lộ trình tăng trưởng vững chắc./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/hop-tac-toan-cau-don-bay-giup-phuc-hoi-kinh-te-toan-cau/768012.vnp


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ