Chính phủ Mỹ ngày càng tiến gần nguy cơ vỡ nợ
Các lãnh đạo Hạ viện Mỹ ngày 12/5 dự kiến họp cùng Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng nhằm thảo luận lối thoát cho chính phủ trước nguy cơ vỡ nợ cận kề. Nợ công của Mỹ đã vượt mức trần 31.500 tỷ USD mà quốc hội đề ra từ tháng 1, buộc Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng "biện pháp đặc biệt" để thanh toán các khoản chi liên bang.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm 1/5 cảnh báo sẽ không thể tiếp tục các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt này để đáp ứng tất cả nghĩa vụ thanh toán của chính phủ trong một tháng tới nếu các nghị sĩ không hành động. Điều đó đồng nghĩa chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu trần nợ công không được quốc hội tăng lên.
Phương án giải cứu được đưa ra khi phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện đề xuất nâng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD, với điều kiện chính phủ Mỹ phải cắt giảm đáng kể chi tiêu công để tái lập kỷ luật tài khóa. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản đối từ chính quyền Tổng thống Biden và cả trong nội bộ đảng Cộng hòa.
"Tôi đã không bỏ phiếu ủng hộ nâng trần nợ dưới thời tổng thống Donald Trump. Tôi cũng không có ý định đổi ý vào lúc này", Tim Burchett, một trong bốn nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống dự luật cải cách chi tiêu công được đảng của ông đề xuất, cho biết.
Burchett phân tích rằng cho dù dự luật cải cách chi tiêu công và nâng trần nợ công được triển khai đúng kế hoạch mà đảng Cộng hòa đề ra, nợ công của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục phình to với tốc độ khoảng 1.500 tỷ USD mỗi năm. "Viễn cảnh này sẽ hủy hoại đất nước", ông cảnh báo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 5/5. Ảnh: AFP
Brian Riedl, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Manhattan về Nghiên cứu Chính sách, dự báo nợ công Mỹ sẽ tăng khoảng 20.000 tỷ USD trong 10 năm tới nếu xu hướng thâm hụt ngân sách không thay đổi.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), cơ quan liên bang cung cấp thông tin cho Quốc hội Mỹ về ngân sách và kinh tế, nhận định thâm hụt ngân sách sau 30 năm sẽ lên mức 114.000 tỷ USD, chủ yếu vì gánh nặng phúc lợi an sinh xã hội và bảo hiểm y tế công.
Với dự báo này, chính phủ Mỹ mỗi năm sẽ tốn khoảng 1/2 thu ngân sách từ thuế chỉ để trả lãi nợ công. Nếu lãi suất tăng, phần tiền chính phủ chi ra để trả nợ sẽ chiếm khoảng 70-100% thu ngân sách từ thuế.
Dự luật nâng trần nợ công được thông qua tại Hạ viện vào ngày 26/4, khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chật vật thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ. Ông gặp nhiều khó khăn bởi các nghị sĩ bảo thủ trong đảng Cộng hòa yêu cầu siết chặt kỷ luật tài khóa với chính phủ Mỹ, phản đối nâng trần nợ công và muốn mạnh tay cắt giảm chi tiêu ngân sách.
CBO ước tính dự luật của đảng Cộng hòa có thể tiết kiệm cho chính phủ khoảng 4.800 tỷ USD trong 10 năm tới, đồng thời giảm mức thâm hụt hàng năm khoảng 1.520 tỷ USD.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ quyết liệt phản đối các điều kiện ràng buộc về thắt chặt chi tiêu công được đề ra trong dự luật, đồng nghĩa nó gần như không có cơ hội vượt qua ải Thượng viện, nơi phe Dân chủ chiếm đa số.
Đảng Dân chủ tin rằng giải pháp cho bài toán thâm hụt ngân sách là tăng nguồn thu từ thuế, trong đó có phương án đánh thuế giới siêu giàu và đầu tư 80 tỷ USD để Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) cải thiện năng lực kiểm toán.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 3 đề xuất giảm thâm hụt ngân sách khoảng 3.000 tỷ USD trong 10 năm tới bằng biện pháp tăng thuế, gồm đánh thuế tỷ phú và đảo ngược các ưu đãi thuế mà người tiền nhiệm Donald Trump đã dành cho các tập đoàn hay giới nhà giàu.
Đảng Cộng hòa không chấp nhận phương án này, cho rằng chính phủ đang chi tiêu phung phí. Dự luật được thông qua ở Hạ viện hôm 26/4 đề xuất cắt gói đầu tư 80 tỷ USD cho IRS, giảm trợ cấp hay ưu đãi thuế cho năng lượng sạch, quy hoạch lại các khoản tiền chưa sử dụng trong quỹ phục hồi sau Covid-19, siết yêu cầu việc làm đối với người hưởng bảo hiểm y tế công Medicaid cũng như một số phúc lợi khác.
"Phe Cộng hòa không muốn tăng thu ngân sách, trong khi phe Dân chủ không muốn giảm nguồn chi cho các phúc lợi xã hội", cựu thượng nghị sĩ Kent Conrad thuộc đảng Dân chủ, người từng tham gia đàm phán điều chỉnh trần nợ công Mỹ vào năm 2011, nhận định về tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán về trần nợ công.
Hai phe không còn nhiều thời gian để tìm phương án làm hài lòng mọi bên. Giới chuyên gia cảnh báo việc tuyên bố vỡ nợ có thể hủy hoại uy tín tín dụng của Mỹ, khiến lãi suất của các khoản vay tăng liên tục nhiều năm và kéo nước này vào suy thoái. Vị thế của Mỹ trong nền kinh tế quốc tế đứng trước nguy cơ suy giảm, trong khi thế giới có thể tìm cách thoát ly đồng USD.
Dù vậy, thay vì thỏa hiệp, hai bên lại đang tăng cường công kích nhau. Phe Dân chủ chỉ trích nhóm bảo thủ trong đảng Cộng hòa đang đẩy kinh tế Mỹ lẫn thế giới đến bờ vực khủng hoảng chỉ vì lợi ích của mình.
"Nếu một nhóm muốn đánh sập nền kinh tế toàn cầu vì không đạt được những gì họ muốn, họ không phải nhà hoạch định chính sách. Họ đang hành động như những kẻ bắt cóc con tin", Sheldon Whitehouse, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ, nói tại phiên điều trần đầu tháng 5.
Tổng thống Biden và các thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện vẫn cho rằng trần nợ công phải được nâng lên mà không có điều kiện tiên quyết nào và lập trường của phe Cộng hòa là "vô trách nhiệm".
Trong khi đó, ông McCarthy chỉ trích Tổng thống vì không đàm phán với các lãnh đạo quốc hội sớm hơn, đồng thời bày tỏ nỗi tức giận về bế tắc trong quá trình thảo luận. Cả hai bên đều không đề ra được một lộ trình rõ ràng có thể thu hút được đủ sự ủng hộ để được thông qua tại lưỡng viện quốc hội.
"Chúng ta cần một kế hoạch thực tế, không phải chương trình mang tính chính trị", cựu thượng nghị sĩ Conrad nói. "Thực tế là cả hai phải nhượng bộ. Chúng ta cần cam kết và hành động lưỡng đảng".
Tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ ở Washington ngày 19/1. Ảnh: AFP
Theo Conrad, tình thế bế tắc ở quốc hội có thể được hóa giải bằng chiến thuật quen thuộc: Các bên chấp nhận tạm thời nâng trần nợ công để có thêm thời gian tìm hướng cân bằng chính sách tài khóa.
Nhóm nghị sĩ Giải quyết Bất cập ở Hạ viện, được thành lập từ năm 2017 gồm các thành viên từ cả hai đảng, tuần qua cũng đưa ra đề xuất tương tự. Họ nhận định quốc hội Mỹ có thể chấp nhận nâng trần nợ công đến cuối năm 2023 và thành lập ủy ban "ổn định dài hạn các khoản thâm hụt và nợ".
Theo chuyên gia Brian Riedl, thông qua dự luật nâng trần nợ công là phương án khả thi duy nhất với quốc hội Mỹ vào thời điểm này để ngăn nguy cơ vỡ nợ. Quốc hội Mỹ chưa có trong tay quy trình lập pháp nào khác ít rủi ro hơn, cho phép họ điều chỉnh toàn bộ ngân sách và thay đổi những ưu tiên thu chi chỉ qua một lần bỏ phiếu khi hạn chót đang đến rất gần.
"Bằng mọi giá, quốc hội Mỹ phải kịp thời nâng trần nợ công. Nếu họ thất bại, chi tiêu ngân sách liên bang sẽ lập tức bị cắt giảm 20% và dẫn đến vỡ nợ quốc gia. Đó sẽ làm thảm họa đối với các gia đình, doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế", ông Riedl cảnh báo.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tranh-cai-luong-dang-nguy-co-day-my-vao-canh-vo-no-4604316.html