Cha mẹ nên làm gì khi con bước vào 'độ tuổi nổi loạn'?

11:00' 20-07-2023
Thấy con gái về nhà với mái tóc cắt ngắn, nửa đỏ nửa vàng, mái cắt trọc, cơn điên của Bích Thùy bùng lên nhưng chị cố hít thở sâu để kìm chế.


    Đã hàng trăm lần chị Bích Thùy (43 tuổi, ở Hà Nội) phải nén cơn giận với con như thế. "Nếu trước đây chỉ lý sự thì bây giờ nói gì con cũng chống đối, thậm chí như muốn chọc cho tôi tức điên lên", chị kể.

    Bắt đầu từ 13 tuổi, Thu Trang, con gái chị bỗng trở nên lầm lì, khó bảo. Cô bé chê quần áo mẹ mua, đòi tự mua đồ theo ý mình. Người mẹ nghĩ con có gu riêng nên đồng ý cho chọn. Nhưng đồ Trang mua khi thì rộng thùng thình, lúc lại là đồ hai dây, bó sát người. Cô bé còn xỏ khuyên tai, khuyên mũi, xăm hình và đỉnh điểm là cắt phéng mái tóc dài đen mượt thành kiểu tóc tomboy, nhuộm nửa đỏ, nửa vàng.

    "Con làm thế này mẹ làm sao nói học sinh của mẹ được?", người mẹ là giáo viên trách con. "Thế thì mẹ đừng bảo với họ con là con mẹ nữa hoặc bỏ nghề đi", cô bé đáp.

    Mặc mẹ dọa, mắng, hay dỗ dành, Thu Trang nhất định không tháo khuyên mũi, nhuộm lại tóc. Cô bé cũng không thích tâm sự với bố mẹ như trước, trách người lớn vô lý khi cấm đoán mình làm theo sở thích.

    Chia sẻ của chị Bích Thùy trên cộng đồng các phụ huynh có con ở tuổi teen nhận được rất nhiều chia sẻ đồng cảm. Khảo sát của VnExpress với gần 300 độc giả, 75% cho biết đang rơi vào tình cảnh sốc, hụt hẫng khi con bước vào tuổi dậy thì.

    Ảnh minh họa: Stuff

    Ảnh minh họa: Stuff

    "Các nhà tâm lý học thời trung cổ còn gọi đây là giai đoạn lột xác mạnh mẽ nhất của con người, chuyển tiếp để trở thành người lớn", bà Lệ Thủy, chuyên gia giáo dục kỹ năng, Trung tâm phát triển kỹ năng thanh thiếu nhi, báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng nói. Giai đoạn được nhiều người gọi là "tuổi nổi loạn", trẻ sẽ thay đổi cả về tâm sinh lý. Nếu cha mẹ chưa sẵn sàng đồng hành cùng con, chưa bổ trợ kiến thức cho mình và cả cho con thì "bố mẹ sốc và con cùng sốc".

    Chị Ngọc Ngân, 38 tuổi, ở TP HCM cho biết đang trong thời kỳ cảm thấy "vô cùng tuyệt vọng" vì con trai 14 tuổi. Cậu bé Minh Tùng từ học sinh thuộc top 10 của lớp xuống đứng nhóm chót bảng, chỉ thích tụ tập với các bạn ở quán bida, hút shisha, thậm chí xem phim 18+ trong lớp.

    Tình trạng trên xảy ra từ cuối năm ngoái, cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần báo về gia đình. Nhưng bố mẹ dùng mọi biện pháp, từ cắt tiền sinh hoạt phí, kiểm soát giờ giấc vẫn chỉ khiến cậu cáu kỉnh, lầm lì hơn. Minh Tùng viết trong nhật ký rằng rất ghét mẹ, ghét bố, nghĩ mình là cái gai trong mắt bố mẹ, muốn nhanh lớn để rời khỏi ngôi nhà như nhà tù. Cậu cố tình mở nhật ký để mẹ đọc được, như một cách thách thức. "Tôi như nuôi một đứa con khác, thực sự không biết phải làm thế nào", chị Ngân nói.

    Khi chia sẻ với chuyên gia tâm lý học đường, Minh Tùng thừa nhận hút shisha, xem phim 18+ là không đúng. "Nhưng các bạn của con đều như vậy. Nếu không giống các bạn hoặc gây ấn tượng hơn sẽ bị chê cười", cậu bé nói.

    Chuyên gia tâm lý trẻ em Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền trẻ em) cho rằng trong giai đoạn dậy thì, trẻ đôi khi không điều chỉnh được mình. "Có bạn thấy mình thay đổi nhưng không biết cách kiểm soát những thay đổi đó. Các bạn biết mình sai, tự hứa sẽ thay đổi, nhưng ngày mai, nếu bố mẹ làm bạn khó chịu, bạn sẽ lại cáu", bà Hương nói. Ở tuổi này, cái tôi lớn, trẻ luôn sợ mình bị quên lãng nên đi tìm sự tự hào, khẳng định bản thân. Vì vậy, nếu cha mẹ cấm đoán, phê bình, so sánh con càng khiến trẻ nổi loạn.

    Chị Ngọc Ngân nói từng tìm hiểu về giai đoạn phát triển này trước khi con bước vào tuổi dậy thì nhưng thực tế vẫn khiến chị bất ngờ. "Lý thuyết và thực tiễn khác xa nhau. Làm thế nào hiểu được con khi mà nó không cho mình cơ hội hiểu, cứ làm mình điên tiết lên", chị nói.

    Trong 300 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress, 25% cho biết con vẫn ngoan, không có biểu hiện nổi loạn trong giai đoạn dậy thì. Thạc sĩ tâm lý Hồng Hương cho rằng những trường hợp như vậy vì được bố mẹ gần gũi, kịp thời định hướng. "Một số nghiên cứu chứng minh cha mẹ đồng hành, giải đáp thắc mắc, thì đến tuổi dậy thì con sẽ đỡ nổi loạn hơn", bà nói.

    Chuyên gia Lệ Thủy tư vấn, khi con chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần học hỏi kiến thức để có thể cho con biết tâm sinh lý con sẽ thay đổi thế nào, những nguy cơ con có thể mắc phải. Điều quan trọng hơn là khi nào con cần tìm kiếm sự trợ giúp ở bố mẹ.

    Cũng theo bà Thủy, trẻ em bây giờ có thể dậy thì từ 9-10 tuổi. Từ khi con bắt đầu nhận thức về giới tính, cha mẹ đã phải nói chuyện với con mỗi ngày về việc vệ sinh cá nhân, sự khác biệt giữa bạn nam và bạn nữ, bổ sung cho con những kiến thức về tâm sinh lý từ dễ đến khó và thường xuyên nhắc lại, quan sát con, gần gũi con.

    Bà Hồng Hương lưu ý thêm, muốn nuôi con thành công tuổi dậy thì, cha mẹ cần quản lý tốt cảm xúc của chính mình. "Giống như nhà cháy không lo dập lửa mà chỉ lo tìm kẻ đốt nhà thì khi quay lại, nhà đã cháy hết rồi. Cha mẹ không kiểm soát tốt mình thì làm sao dạy dỗ được con", bà nói.

    Chị Bích Thùy hiện đã lên các nhóm đồng hành cùng con tuổi dậy thì để học hỏi kinh nghiệm từ các phụ huynh khác. Nhưng cũng như mẹ Minh Tùng, chị thừa nhận "thành ma nơ canh may ra mới không nổi điên với con".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/soc-khi-con-buoc-vao-tuoi-noi-loan-4625139.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ