Cha mẹ cần vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sạch sẽ, tránh bị nhiễm trùng
Dây rốn là sợi dây liên kết nối liền giữa thai nhi và người mẹ trong quá trình mang thai. Dây rốn cũng chính là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho em bé đang lớn dần trong bụng mẹ. Nhưng khi em bé chào đời, dây rốn bị cắt và chỉ còn lại một phần nhỏ ở trên rốn của bé, gọi là cuống rốn.
Cuống rốn nhìn qua tưởng chỉ là một bộ phận "thừa", nhưng thật ra nó rất quan trọng và vô cùng mỏng manh. Thế nên việc chăm sóc cuống rốn cho bé đúng cách cần được bố mẹ lưu tâm. Bởi nếu không, có khả năng em bé sẽ bị nhiễm trùng rốn.
Thông thường cuống rốn sẽ khô và tự rụng trong khoảng từ 5 đến 21 ngày sau khi sinh. Nhưng trong lúc chờ cho nó khô và tự rụng, các cha mẹ cần vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh theo 4 bước đơn giản dưới đây:
Thông thường cuống rốn sẽ khô và tự rụng trong khoảng từ 5 đến 21 ngày sau khi sinh (Ảnh minh họa).
1. Giữ cuống rốn được khô ráo và sạch sẽ
Sau khi được sinh ra, các bác sĩ sẽ kẹp đầu cuống rốn bằng một cái kẹp nhựa. Và trong những ngày đầu, cuống rốn vẫn còn ướt, nên cha mẹ phải vệ sinh khu vực này ít nhất một lần trong ngày. Bạn hãy nhẹ nhàng lau đế rốn bằng miếng bông gòn hoặc khăn mềm sạch với nước sôi để nguội. Tránh lau mạnh tay hoặc chà xát đế rốn quá nhiều.
2. Vệ sinh cuống rốn sau khi tắm cho bé
Có nhiều người cho rằng chỉ nên lau người hoặc tắm khô chứ không nên tắm ướt cho bé khi cuống rốn chưa rụng. Tuy nhiên, các bác sĩ nhi khuyên rằng bạn vẫn có thể tắm cho bé bình thường, miễn là sau khi tắm xong, bạn vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sạch sẽ và đúng cách.
Bạn hãy sử dụng miếng bông nhúng vào nước đun sôi để nguội và vắt khô để làm sạch đế rốn theo chuyển động hình tròn. Vứt bỏ miếng bông sau khi lau. Sau đó lấy một miếng bông khác lau hai bên của dây rốn. Mỗi lần lau là một miếng bông mới. Bạn nhớ làm sạch kẹp dây và đầu dây rốn.
Cha mẹ nên sử dụng các miếng bông sạch trong khi vệ sinh rốn cho bé (Ảnh minh họa).
3. Mặc tã và quần áo cho bé
Rốn là bộ phận mỏng manh nhất trên cơ thể của trẻ sơ sinh, vì thế, khi mặc tã cho bé, bạn nhớ gấp mép tã sao cho nó không chạm hoặc che cuống rốn. Để cuống rốn được thông thoáng và ngăn không cho nó tiếp xúc với nước tiểu. Hãy mặc cho trẻ quần áo rộng rãi để tránh quần áo chà xát vào rốn của bé.
4. Để cuống rốn khô tự nhiên
Bạn đừng sốt ruột hay lo lắng khi cuống rốn của bé lâu khô hơn các bé khác, hãy cứ để nó khô và rụng tự nhiên. Trong một số trường hợp, rốn trẻ sơ sinh sẽ bị lồi sau khi cuống rốn đã rụng. Tốt nhất, bạn đừng cố gắng làm gì, thay vào đó hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.
Sau khi cuống rốn rụng, rốn của bé có thể có màu đỏ giống như bị phát ban, thậm chí có thể bị chảy máu. Nhưng bạn đừng lo, rốn sẽ tự lành trong khoảng 2 tuần.
Bạn đừng sốt ruột hay lo lắng khi cuống rốn của bé lâu khô hơn các bé khác, hãy cứ để nó khô và rụng tự nhiên (Ảnh minh họa).
Các dấu hiệu bé bị nhiễm trùng rốn?
Khi cha mẹ thấy:
- Trẻ bị sốt
- Vùng rốn có mùi hôi hoặc chảy nước vàng
- Vùng da quanh rốn bị đỏ
- Em bé khóc khi bạn chạm nhẹ vào rốn
- Đế rốn bị sưng và máu chảy
Bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đưa ra lời khuyên.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/mach-nhung-ai-lan-dau-lam-me-quy-trinh-ve-sinh-ron-cho-tre-so-sinh-sach-se-tranh-bi-nhiem-trung-20190911195725808.chn