Cha mẹ nghiện điện thoại con có khả năng ngôn ngữ, nhận thức kém
Hiện nay, cuộc sống ngày một phát triển, và điện thoại thông minh (smartphone) là vật bất ly thân của rất nhiều người. Họ làm việc, đọc tin tức, nói chuyện với bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Và các ông bố bà mẹ cũng không thoát khỏi lực hút khổng lồ của smartphone, khiến họ bị phân tâm và phớt lờ con cái. Vì dù ở bên con nhưng sự tương tác gắn kết giữa cha mẹ và trẻ lại có vẻ lỏng lẻo và kém chất lượng: ít ôm ấp, trò chuyện, thủ thỉ hỏi han. Bởi các bậc phụ huynh còn bận một việc mà họ cho là quan trọng: lướt điện thoại.
Thông thường, người ta thường hay nghe các phụ huynh than phiền về việc trẻ xem điện thoại quá nhiều. Nhưng nếu cha mẹ không bận xem tin nhắn, đọc email, lướt facebook hay nói chuyện trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè, mà dành thời gian đó để trò chuyện, hỏi han, chơi với con thì có lẽ cơ hội để trẻ xem điện thoại gần như bằng 0. Nhưng sự thật phũ phàng. Các cha mẹ luôn đánh giá thấp việc mình sử dụng điện thoại mà không hề biết rằng nó đang gián tiếp gây hại cho con của mình.
Mải mê lướt điện thoại, cha mẹ quên... con
Khi bị cha mẹ ngó lơ, trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương khi tự nhận thấy mình bị xếp phía sau cái điện thoại trong sự quan tâm của cha mẹ. Từ đó dẫn đến trẻ phát triển lệch lạc về nhận thức (Ảnh minh họa).
Và từ cách đây 20 năm, Chuyên gia công nghệ Linda Stone đã đưa ra thuật ngữ "chú ý liên tục phân tán", có nghĩa là cha mẹ không dành hoàn toàn sự chú ý cho con do mải xem điện thoại.
Các nhà nghiên cứu ở Boston đã bí mật quan sát 55 người lớn đang ăn cùng với một hoặc nhiều trẻ em trong các nhà hàng thức ăn nhanh. 40 người lớn mải mê với điện thoại của họ ở các mức độ khác nhau, trong đó có một số người gần như hoàn toàn quên mất trẻ.
Một nghiên cứu khác tiếp theo được thực hiện khi các nhà nghiên cứu quan sát 225 bà mẹ và những đứa con khoảng 6 tuổi của họ thì có đến 1/4 các bà mẹ chú tâm vào điện thoại và ít tương tác với con mình dù bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ.
Trẻ có bố mẹ nghiện điện thoại có khả năng ngôn ngữ, nhận thức kém
Jack P. Shonkoff, bác sĩ nhi khoa, đồng thời là giám đốc Trung tâm phát triển trẻ em Harvard, cùng các nhà tâm lý học Kathy Hirsh-Pasek và Roberta Michnick Golinkoff cho biết: sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái xây dựng nên kiến trúc cơ bản của não bộ trẻ. Bởi khi so sánh giữa 2 nhóm trẻ, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhóm trẻ được cha mẹ nói chuyện thường xuyên dù nhỏ tháng hơn, chỉ từ 11 đến 14 tháng, nhưng lại có vốn từ phong phú gấp đôi so với nhóm trẻ tuy đã 2 tuổi nhưng ít được giao tiếp với cha mẹ.
Không chỉ có vậy, Giáo sư Hirsh-Pasek làm việc tại Đại học Temple (Pennsylvania, Mỹ), đồng thời là thành viên cao cấp tại Viện Brookings, Mỹ, cho biết ngày càng có nhiều nghiên cứu xác nhận tầm quan trọng của những cuộc trò chuyện. "Ngôn ngữ là yếu tố dự đoán tốt nhất về thành tích học tập và chìa khóa để có kỹ năng ngôn ngữ tốt là những cuộc trò chuyện trôi chảy qua lại giữa trẻ nhỏ và người lớn".
Nếu bị cha mẹ ngó lơ, trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương khi tự nhận thấy mình bị xếp phía sau cái điện thoại trong sự quan tâm của cha mẹ. Từ đó dẫn đến trẻ phát triển lệch lạc về nhận thức. "Trẻ nhỏ không thể học được gì khi chúng ta phá vỡ cuộc hội thoại bằng cách nhấc điện thoại lên hoặc nhìn vào tin nhắn, email", Hirsh-Pasek chia sẻ.
Cha mẹ nghiện điện thoại dễ phản ứng gay gắt với hành vi của con
Việc cha mẹ nghiện smartphone đã được tìm thấy có tác động tiêu cực đến sự phát triển tình cảm và xã hội của trẻ. Ví dụ trẻ sơ sinh nhìn vào khuôn mặt của cha mẹ và đặc biệt là đôi mắt để bắt các tín hiệu xã hội. Khi mắt của cha mẹ tập trung vào điện thoại, trẻ sơ sinh sẽ không nhận được những tín hiệu đó.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu khác được thực hiện gần đây bởi Trung tâm Y tế Boston và được công bố trên tạp chí Pediatrics cho thấy khi cha mẹ nghiện smartphone, họ có nhiều khả năng phản ứng gay gắt với hành vi của trẻ.
Các nhà nghiên cứu lý giải khi cha mẹ ở cùng với con nhưng thường xuyên sử dụng điện thoại di động sẽ dẫn đến những giai đoạn giao tiếp không tập trung lặp đi lặp lại. Điều này khiến phụ huynh bỏ lỡ và giải thích sai khi trẻ cần sự tương tác nhanh. Đổi lại, trẻ không còn tin tưởng vào sự chú ý đáp ứng của cha mẹ.
Cha mẹ nghiện smartphone có nhiều khả năng có những phản ứng gay gắt với hành vi của trẻ (Ảnh minh họa)
Thậm chí, trẻ có thể phản kháng với sự vô tâm mãn tính này bằng cách tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của cha mẹ chúng dưới dạng các hành vi gây rối. Lúc này, cha mẹ nghiện điện thoại có thể trở nên cáu kỉnh, tức giận, từ đó làm mối quan hệ cha mẹ - con cái bất ổn. Đáng buồn thay, điều này diễn ra thường xuyên và khắp mọi nơi, và nếu cha mẹ không nhận ra được nguyên nhân để sửa đổi thì hành vi gây rối tiêu cực với mục đích gây sự chú ý có thể trở thành một mô hình quan hệ xã hội của trẻ sau này.
Cha mẹ cần làm gì để sửa đổi?
- Đầu tiên, cha mẹ hãy làm gương trong việc sử dụng điện thoại.
- Hãy chú ý đến trẻ khi chúng đang cố gắng thu hút sự chú ý của bạn.
- Ghi nhận và khen ngợi những hành vi tích cực: khi trẻ tốt bụng, thân thiện, biết chia sẻ...
- Dành thời gian tập trung kết nối với trẻ vào những lúc trẻ mới đi học về hoặc bạn mới đi làm về.
- Tuyệt đối không dùng điện thoại trong giờ ăn và giờ ngủ. Hãy luôn nhớ rằng: khi ở bên con, cha mẹ hãy bỏ điện thoại xuống.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/doc-ngay-nghien-cuu-cho-thay-bo-me-mai-me-luot-dien-thoai-con-cai-se-co-thanh-tich-hoc-tap-kem-20190912223432261.chn