Cảnh báo El Nino gây nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đánh giá, khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 là 60% và cuối tháng 9 là 80%
Dù vẫn chưa có bức tranh rõ ràng về mức độ mạnh của hiện tượng El Nino hoặc hiện tượng này kéo dài bao lâu nhưng ngay cả khi El Nino ở mức tương đối nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến lượng mưa và mô hình nhiệt độ trên toàn thế giới.
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết: “Diễn biến của El Nino rất có thể dẫn đến đợt nóng lên mới trên toàn cầu và tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ”.
El Nino có liên quan đến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn bình thường ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía đông Thái Bình Dương. Tại Mỹ, mô hình thời tiết này có xu hướng dẫn đến mưa nhiều hơn, mát mẻ hơn ở phần lớn phía nam và thời tiết nóng hơn ở các vùng miền bắc.
Ở những nơi khác, El Nino có thể dẫn tới lượng mưa tăng lên ở phía nam Nam Mỹ và vùng Sừng châu Phi, đồng thời gây hạn hán nghiêm trọng cho Australia, Indonesia và một số khu vực ở phía nam châu Á.
El Nino, cùng với La Nina, là một phần của chu kì không liên tục được gọi là El Nino – Dao động phương Nam hay ENSO, có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các biến đổi điều kiện thời tiết hàng năm trên toàn cầu.
ENSO là hiện tượng xảy ra tự nhiên và các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu chính xác mức độ biến đổi khí hậu do con người gây ra trong 150 năm qua có thể ảnh hưởng đến hành vi và động lực của các sự kiện El Nino và La Nina như thế nào. Một số nghiên cứu cho rằng, các sư kiện El Nino có thể cực đoan hơn trong khi khí hậu tương lai nóng hơn.
Theo Reuters, 2016 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, trùng hợp với hoạt động mạnh của hiện tượng El Nino. Dù vậy, biến đổi khí hậu cũng góp phần dẫn đến nắng nóng khắc nghiệt ngay cả trong những năm không có hiện tượng này.
Cảnh báo trên của WMO càng thêm có cơ sở sau khi dữ liệu của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cho thấy nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4. Cụ thể, theo tờ The Straits Times, con số này đạt 21,1 độ C vào đầu tháng rồi, cao hơn kỷ lục 21 độ C năm 2016 – năm có hiện tượng El Nino.
Bà Moninya Roughan, chuyên gia của Trường ĐH New South Wales (Australia), nhận định phần lớn đại dương trên thế giới đang ấm khác thường và các kỷ lục về nhiệt độ cao có thể bị phá trong năm nay.
Một số nhà khoa học hiện thấy khó hiểu, cũng như lo ngại về hiện tượng đại dương ấm lên nhanh chóng trong những tuần gần đây.
“Đây có thể là hiện tượng cực đoan ngắn hạn hoặc có thể mở đầu của điều gì đó nghiêm trọng hơn rất nhiều”, ông Mike Meredith, chuyên gia của Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, nhận định. Một nghiên cứu công bố vào tháng 1/2023 cho thấy nhiệt độ các đại dương tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022.
Article sourced from baochinhphu.vn.