Cách trồng và chăm sóc cây gừng Myoga
Khi nói đến dược liệu quý, nhiều người thường nghĩ ngay đến nhân sâm, vì nó có tác dụng rất lớn với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhân sâm tự nhiên rất khó tìm, giá cả lại cao nên người ta thường nhắm đến một số loại khác có công dụng tương đương. Một trong số đó chính là chồi Myoga – một loại gừng kiểu Nhật.
Chồi Myoga hay còn gọi là gừng Nhật Bản, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Đây là cây lâu năm, có nguồn gốc từ Đông Á. Ở Trung Quốc, loại gừng này đa phần được sử dụng cho lợn ăn. Ở Việt Nam, nó mọc nhiều trên núi ở vùng Tây Bắc, được người Mông gọi là "Chí Cống".
Khác với gừng thông thường, gừng Myoga không được trồng để thu hoạch củ thịt. Thay vào đó, nó được trồng chủ yếu để lấy những nụ hoa mập mạp, có màu trắng hồng. Những nụ hoa này giòn và chắc, trở thành đặc sản tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Nó có mùi thơm, vị hơi cay và có thể ăn kèm sushi, salad, làm dưa muối, hay thêm vào các món xào, súp,…
Nụ hoa gừng Myoga.
Hoa gừng Myoga.
Điều đáng nói là giá trị dinh dưỡng trong gừng Myoga. Chất tạo mùi tự nhiên α-Pinene có trong gừng Myoga được cho là có khả năng tăng cường sự tập trung bằng cách kích thích vỏ não, đồng thời giúp thúc đẩy tuyến mồ hôi và cải thiện lưu thông máu.
Gừng Myoga cũng chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như canxi, vitamin C, kali và chất xơ, có tác dụng làm tăng cảm giác thèm ăn, giảm đau lưng dưới, đau thần kinh và triệu chứng thấp khớp.
Trong y học cổ truyền, gừng Myoga được coi là một phương thuốc hiệu quả cho chứng mất ngủ và rối loạn kinh nguyệt. Nhờ giá trị dinh dưỡng cực cao và lợi ích nó mang lại cho sức khỏe mà gừng Myoga được ví như “nhân sâm châu Á”.
Cách trồng và chăm sóc cây gừng Myoga
Gừng Myoga là loại cây dễ trồng, có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất là trồng vào cuối đông hoặc đầu xuân. Có hai cách để nhân giống loại gừng này, đó là tách bụi hoặc trồng từ củ rễ, giống như gừng thông thường.
Nếu trồng từ củ, bạn có thể chia củ gừng thành các phần nhỏ, miễn là mỗi phần có một mắt, hoặc có thể trồng nguyên củ. Củ gừng nên được đặt ở độ sâu từ 5 đến 10 cm, với các mầm hướng lên trên, và khoảng cách giữa các củ nên từ 15 đến 20 cm.
Sau khi trồng, cần tưới nước đầy đủ và phủ một lớp rơm lên trên để che phủ. Điều này không chỉ giúp giữ ẩm cho đất mà còn cung cấp dinh dưỡng và giảm sự cạnh tranh từ cỏ dại.
Ngoài trồng trong đất, gừng Myoga cũng có thể được trồng trong chậu. Nên chọn chậu có đường kính từ 36 cm trở lên, có lỗ thoát nước ở đáy hoặc bên hông.
Gừng Myoga có khả năng sinh trưởng mạnh, thích hợp với khí hậu ôn đới và nửa nhiệt đới. Trong quá trình chăm sóc, bạn nên chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng: Khi trồng, nên chọn loại đất tơi xốp và thoáng khí, giàu chất dinh dưỡng, có độ pH từ 5.5 đến 6.5 để cây phát triển tốt hơn.
- Ánh sáng: Gừng Myoga phát triển tốt trong điều kiện bóng râm một phần. Mặc dù loại cây này có thể chịu được ánh nắng trực tiếp, nhưng ánh sáng quá mạnh có thể gây cháy lá hoặc làm phai màu lá, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Vì vậy, bạn nên trồng cây dưới tán cây lớn hoặc ban công phía Bắc.
- Tưới nước: Gừng Myoga có khả năng chịu hạn nhưng se phát triển mạnh trong điều kiện đất ẩm ướt. Nên tưới nước mỗi lần một tuần. Ngoài ra, nên phủ rơm hoặc lá mục lên trên để giữ ẩm cho đất.
- Bón phân: Trong mùa sinh trưởng, nên bón phân pha loãng 4-6 tuần/lần cho cây, nhưng cần giảm tần suất vào mùa đông khi cây phát triển chậm lại.
Ngoài ra, bạn nên cắt tỉa lá chết hoặc lá vàng vào đầu mùa xuân để thúc đẩy sự phát triển của cây. Sau 1-2 năm trồng, nếu được chăm sóc đúng cách, bạn có thể thu hoạch nụ hoa gừng Myoga.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/nha-dep/loai-rau-truoc-lay-cho-lon-an-khong-ngo-nay-duoc-vi-nhu-nhan-sam-gia-tri-dinh-duong-cuc-cao-trong-sieu-de-c169a615309.html