Cách Nga - Ukraine trao đổi thi thể tử sĩ
Một đoàn xe lớn di chuyển ở tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine, vào buổi sáng lạnh buốt. Dẫn đầu đoàn là một xe cảnh sát, tiếp đó là xe chở nhân viên pháp y và một xe tải đông lạnh chứa hàng chục thi thể binh sĩ Nga.
Đoàn xe đang hướng về phía bên kia biên giới để tiến hành hoạt động trao đổi thi thể tử sĩ, một trong những liên hệ ngoại giao hiếm hoi mà Ukraine và Nga còn duy trì kể từ khi chiến sự bùng phát.
Đoàn xe Ukraine chở thi thể binh sĩ Nga tới điểm trao đổi trong bức ảnh đăng ngày 31/3. Ảnh: Telegraph
Khi đoàn xe đi qua một số ngôi làng, xe cộ đang lưu thông đều dừng lại để nhường lối. Đột nhiên, một cậu bé xuất hiện trên đường và vẫy tay. Tuyến đường này cũng được sử dụng để đưa tù binh Ukraine trở về từ lãnh thổ Nga, nên người dân địa phương thường đứng hai bên đường để chào đón những người lính trở về mỗi khi thấy có đoàn xe lớn đi qua.
"Có lẽ cháu bé nghĩ chúng tôi đang đi đón tù binh", Vitaliy Matvienko, thành viên lực lượng tình báo quân đội Ukraine, cho hay.
Tuy nhiên, nhiệm vụ lần này của họ không vui vẻ như vậy. Thay vì tù binh Ukraine còn sống, những gì họ đem về sẽ là thi thể các binh sĩ chất đầy bên trong xe tải đông lạnh.
Các con đường gần biên giới Ukraine - Nga được gài mìn dày đặc, song đã được gỡ hết để cho đoàn xe đi qua và sẽ được gài lại sau khi họ trở về. Hai bên cũng thống nhất thiết lập lệnh ngừng bắn kéo dài gần một giờ để phục vụ cuộc trao đổi.
Khi đoàn xe đến cửa khẩu, đội pháp y của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) kiểm tra các thi thể trên xe tải đông lạnh. Chiếc xe sau đó đi vào lãnh thổ Nga để tới điểm hẹn, theo sau là phương tiện chở nhân viên cứu hộ, lực lượng an ninh Ukraine và đại diện của ICRC.
"Chúng tôi sang phía họ vì không muốn để phương tiện của Nga xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine", Matvienko nói. "Điều đó đương nhiên khá mạo hiểm, song vẫn ít rủi ro hơn so với việc để họ tới đây".
Hoạt động hồi hương binh sĩ Ukraine thiệt mạng là một phần trong nỗ lực của Kiev nhằm tìm kiếm và xác định danh tính của hơn 24.000 binh sĩ mất tích trong cuộc xung đột, qua đó giúp thân nhân của họ phần nào được an ủi.
Tổng cộng 2.495 thi thể binh sĩ Ukraine đã được hồi hương thông qua hoạt động trao đổi với Nga từ đầu chiến sự, theo tướng Dmytro Usov, người đứng đầu cơ quan Ukraine phụ trách giám sát việc trao đổi.
"Hành lang này là con đường duy nhất để đưa các binh sĩ đã ngã xuống trở về nhà", ông Usov nói. "Những người lính sẽ được an táng tử tế. Thân nhân của họ và những người khác cũng có cơ hội để tưởng niệm các binh sĩ đã khuất".
Binh sĩ Ukraine gài lại mìn trên đường sau khi đoàn xe trở về. Ảnh: Telegraph
Thi thể những người lính thiệt mạng trên chiến trường được binh sĩ cả hai phe thu hồi. Đây là hoạt động mang tính rủi ro cao, do thi thể thường nằm ở các khu vực bị gài mìn dày đặc, hoặc tại các vùng đất trống nằm giữa chiến tuyến. Một số binh sĩ đã thiệt mạng hoặc bị thương trong nỗ lực đưa thi thể đồng đội trở về.
Tại địa điểm gặp mặt, thành viên lực lượng an ninh Ukraine trao đổi với phía Nga danh sách tên hoặc đặc điểm nhận dạng các thi thể tù binh. Cùng thời điểm, nhân viên cứu hộ của hai bên đưa các thi thể ở trên xe xuống và tiến hành trao đổi, dưới sự chứng kiến của đại diện ICRC.
"Sự hiện diện của ICRC tại cuộc trao đổi là tín hiệu bảo đảm rằng cả hai bên đều được an toàn", Jurg Eglin, người đứng đầu chi nhánh ICRC tại Ukraine, cho biết.
Hiệp ước Geneva quy định thi thể và tù binh chỉ được trao đổi sau khi chiến sự kết thúc. Nhưng trong xung đột tại Ukraine, Moskva và Kiev bắt đầu tiến hành hoạt động này ngay sau 6 tháng đầu tiên.
Vào mùa hè năm 2022, ICRC, tổ chức có văn phòng đại diện ở cả Nga và Ukraine, đã đóng vai trò trung gian để hai bên thảo luận về việc trao đổi thi thể binh sĩ. ICRC sau đó tiếp tục hỗ trợ quá trình thiết lập hành lang trao đổi, theo Oleh Kotenko, người đứng đầu hoạt động này ở phía Ukraine khi đó.
"Phía bên kia gọi điện cho tôi để nói rằng họ sẽ chôn cất binh sĩ Ukraine tử trận ở một số địa điểm tại Nga", Kotenko nhớ lại. "Tôi gợi ý hai bên tiến hành trao đổi thi thể binh sĩ".
Hoạt động trao đổi thi thể binh sĩ giữa Nga và Ukraine diễn ra từ đó tới nay, với 60-100 người được đưa về quê hương mỗi đợt.
Khi đoàn xe mang thi thể binh sĩ Ukraine trở về từ biên giới, người dân gần đó nhận được tin và đã ra đứng hai bên đường để bày tỏ lòng thành kính. Một số gia đình cùng nhau quỳ trên tuyết, những người già đứng trước cổng nhà chắp tay, nhiều người mắt đỏ hoe.
Các thi thể sau đó được đưa tới nhà xác, nơi người hộ tang và điều tra viên ghi lại đặc điểm nhận dạng, chụp ảnh, trích xuất ADN, lập thẻ răng và xác định nguyên nhân tử vong. Quá trình nhận dạng thi thể kéo dài từ 10 ngày tới một năm, thậm chí lâu hơn. Nguyên nhân chậm trễ thường là do tình trạng của thi thể, theo Maksym Fedorenko, người quản lý một nhà xác phụ trách xử lý thi thể lính Ukraine được hồi hương.
Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm ở Kiev đang tiến hành xét nghiệm mẫu ADN. Ảnh: Telegraph
Hầu hết thi thể được đưa về trong tình trạng bị cháy xém, hoại tử hoặc biến dạng vì ảnh hưởng của các vụ nổ. Số ít thi thể có giấy tờ đi kèm hoặc được bảo quản tốt sẽ được ưu tiên tiến hành xử lý trước.
Do nhà xác chỉ có thể khả năng khám nghiệm 3-4 thi thể một ngày cũng như phải chờ thời gian rã đông, họ sẽ phải mất ít nhất một tháng tới 6 tuần để xử lý hết các thi thể binh sĩ trong mỗi đợt hồi hương.
Sau khi các thi thể được xử lý, các mảnh da, tóc hoặc mô của binh sĩ sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm để trích xuất ADN. Quá trình này kéo dài khoảng 4 ngày. Theo luật pháp Ukraine, chứng nhận ADN là thủ tục bắt buộc trong quy trình xác định danh tính binh sĩ tử trận.
Tuy nhiên, phần lớn những mẫu ADN thu thập được thường có chất lượng thấp, đôi khi còn không thể trích xuất được. Nếu không thể thu đủ dữ liệu từ mẫu ADN đầu tiên, các chuyên gia có thể yêu cầu nhà xác cung cấp mẫu bổ sung.
Thi thể khi đó sẽ cần được rã đông một lần nữa để lấy thêm mẫu. Các chuyên gia y khoa cũng sẽ phải phân tích lại từ đầu, khiến thời gian nhận dạng bị kéo dài thêm.
Vasyl Aksyonov, người đứng đầu bộ phận xét nghiệm ADN của cảnh sát vùng Cherkasy, cho biết họ không thể đẩy nhanh quy trình nhận dạng vì có thể sẽ dẫn tới sai sót. "Điều quan trọng là không được nhận dạng sai", ông nhấn mạnh.
Việc lấy và phân tích mẫu ADN của người thân các binh sĩ cũng là vấn đề lớn. Nhiều phòng thí nghiệm và cơ quan cảnh sát địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, chưa kể tới nguy cơ mẫu xét nghiệm bị lấy không đúng cách do người thực hiện chưa được đào tạo đầy đủ.
Kostyantyn Dubono, phó giám đốc Viện Pháp y Quốc gia Ukraine, cho biết Kiev đã đào tạo hơn 1.500 nhân viên xét nghiệm và mở thêm 13 phòng xét nghiệm kể từ khi chiến sự bùng phát. Nước này dự kiến khai trương thêm 5 phòng xét nghiệm nữa trong năm nay để đáp ứng nhu cầu. Việc tăng công suất xử lý các mẫu ADN sẽ giúp gia đình binh sĩ sớm nhận được tin về người thân của mình hơn.
"Công suất xử lý mỗi năm tăng 90%", Dubono cho biết. "Dù vậy, ngay cả khi xung đột kết thúc ngay bây giờ, chúng tôi vẫn có đủ việc để làm trong một thập kỷ nữa".
Một vấn đề khác mà giới chức Ukraie đang phải đối mặt là sự thiếu hợp tác của gia đình các binh sĩ. Một vài người từ chối cung cấp mẫu ADN để có thể tiếp tục nuôi hy vọng rằng người thân của mình vẫn còn sống và đang bị giam ở đâu đó.
Ngay cả khi một số binh sĩ đã được nhân dạng và chôn cất, người thân của họ vẫn yêu cầu được tiến hành xét nghiệm ADN thêm, theo Dubono.
Mykola Shatniuk, binh sĩ 33 tuổi thuộc Lữ đoàn 72 Ukraine, tử trận tại thị trấn Volnovakha ở tỉnh Donetsk cuối tháng 10/2022. Thi thể của Shatniuk được hồi hương theo dạng trao đổi sau đó hơn một tháng. Tuy nhiên, phải đến tháng 6/2023, gia đình của Shatniuk mới được bàn giao thi thể anh.
Nơi tưởng nhớ Mykola Shatniuk trong nhà của gia đình binh sĩ Ukraine. Ảnh: Telegraph
Trước đó, Anna, vợ anh, đã được những người vợ của 25 binh sĩ Lữ đoàn 72 mất tích trên chiến trường cùng ngày với Shatniuk hỗ trợ đi tìm chồng.
Trong 6 tháng kể từ ngày Shatniuk mất tích, họ đã kiểm tra tất cả các bài đăng về tù binh, đồng thời tìm kiếm tin tức từ mọi nguồn có thể ở Ukraine, cũng như nhờ các tổ chức quốc tế và họ hàng tại Nga trợ giúp.
Đến cuối tháng 4/2023, giới chức Ukraine thông báo với Anna rằng có khả năng đã tìm thấy thi thể trùng khớp với ADN của chồng cô. Anh trai của Shatniuk là người cung cấp mẫu thử đầu tiên và Anna được đề nghị gửi thêm mẫu lấy từ con trai của hai vợ chồng để có thể xác định chắc chắn.
"Khi họ xác nhận ADN trùng khớp, tôi đã hét lên và khóc rất nhiều", Anna nhớ lại.
Kết quả xét nghiệm mẫu ADN tiếp theo được trả về sau đó hai tháng và hoàn toàn trùng khớp với Shatniuk. Thi thể của anh được bàn giao cho gia đình để chôn cất.
Anna cho biết cô và các người vợ khác trước đó vẫn nhen nhóm hy vọng rằng những người chồng của họ vẫn còn sống, do chỉ huy và binh sĩ Lữ đoàn 72 từ chối cho họ biết điều gì đã xảy ra với Shatniuk và đồng đội.
"Chỉ huy và đồng đội của anh ấy không thể khẳng định là Shatniuk đã chết, vì nếu thế thì thi thể chồng tôi ở đâu?", Anna nhớ lại.
Phải đến khi thi thể Shatniuk được đưa về với gia đình, Anna mới được thông báo về giây phút cuối cùng của chồng cô. Cứ điểm phòng ngự của anh tại thị trấn Volnovakha bị lực lượng Nga bao vây, trong khi khí tài hạng nặng đã được chuyển đến mặt trận Kherson ở phía nam để chuẩn bị cho chiến dịch phản công, khiến họ không còn vũ khí để chống trả.
Anna (giữa) cùng con gái và con trai. Ảnh: Telegraph
Anna cho biết Shatniuk để chuẩn bị sẵn cho kịch bản mình không thể sống sót trở về. Anh chuyển cho vợ vài số điện thoại để cô liên lạc trong trường hợp bản thân gặp bất trắc, cũng như khuyên Anna nên học lái xe để có thể tự chở con cái khi không còn anh bên cạnh.
Tháng 12/2023, Shatniuk được truy tặng Huân chương Dũng cảm vì thành tích chiến đấu trong quân ngũ. Anna cho biết chồng cô không chết, mà vẫn sống bên trong hai đứa con của họ là Ania, 14 tuổi, và Ignat, 4 tuổi.
Khi Ania hỏi em trai rằng bố là người như thế nào, Ignat đáp ngay mà không do dự: "Một anh hùng".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/duong-ve-nha-cua-hang-nghin-binh-si-ukraine-tu-tran-4729455.html