Cách Nga gieo rắc chia rẽ vào nội bộ phương Tây

12:00' 13-03-2024
Việc tình báo Nga nghe lén và công bố băng ghi âm cuộc họp tối mật của các tướng không quân Đức đã đẩy Thủ tướng Scholz vào tình thế rất khó xử.


    Nga tuần qua đã gieo rắc chia rẽ bên trong nội bộ phương Tây, làm mất uy tín của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và cản trở Ukraine trong nỗ lực có được những vũ khí quan trọng trên chiến trường. Tất cả có được nhờ một cuộn băng ghi âm được tình báo Nga thu thập.

    Truyền thông Nga vừa công bố đoạn băng gần 40 phút ghi âm nội dung cuộc họp giữa các chỉ huy hàng đầu của không quân Đức, với nhiều bí mật quân sự của Berlin lẫn các đồng minh bị lộ. Bộ Quốc phòng Đức xác nhận các tướng không quân đã bị nghe lén và đang điều tra cách tình báo Nga chặn thu nội dung cuộc họp.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp, tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp, tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

    Trong băng ghi âm cuộc họp diễn ra vào ngày 19/2, Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz yêu cầu cấp dưới chuẩn bị tài liệu thuyết trình trước Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius về khả năng chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 cho Ukraine, cũng như cách Kiev có thể dùng chúng để tập kích mục tiêu Nga, trong đó có cầu Crimea.

    Đây là sự việc mới nhất cho thấy năng lực của tình báo Nga trong xâm nhập và thu thập những thông tin nhạy cảm nhất của Đức. Một sĩ quan từng làm việc trong cơ quan phát triển vũ khí Đức và một quan chức tình báo cấp cao nước này đã bị bắt trong năm 2022-2023 với cáo buộc chuyển thông tin cho Nga.

    Dù vậy, nó vẫn đủ để đưa Thủ tướng Scholz vào thế khó. Chỉ vài ngày trước khi Nga công bố đoạn ghi âm, ông đã công khai bác bỏ khả năng gửi tên lửa Taurus tới Ukraine, cho rằng làm như vậy sẽ buộc Đức phải triển khai binh sĩ đến vùng chiến sự, khiến Berlin đối mặt nguy cơ đối đầu trực tiếp với Moskva.

    "Tôi ngạc nhiên khi một số người thậm chí không suy nghĩ đến việc liệu những gì chúng ta đang làm có thể khiến chúng ta bị kéo vào cuộc xung đột hay không", Thủ tướng Đức nói với các phóng viên ở Berlin ngày 26/2, đề cập đến việc Anh và Pháp thực tế đã triển khai binh sĩ đến Ukraine. Cả hai nước cũng đang cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP, có tầm bắn ngắn hơn Taurus.

    Ông cho rằng Taurus là loại vũ khí có thể bắn tới thủ đô Moskva của Nga, nên Đức không thể triển khai binh sĩ hỗ trợ Ukraine nhắm mục tiêu như những gì Anh, Pháp đang làm. "Tất cả những người biết về hệ thống này đều hiểu điều đó", ông nói.

    Nhưng "tất cả mọi người" mà Thủ tướng Scholz đề cập không bao gồm những tướng lĩnh cấp cao trong lực lượng không quân Đức. Trong cuộc họp bị tình báo Nga nghe lén, các tướng lĩnh Đức đã thảo luận về cách chuyển tên lửa cho Ukraine mà không triển khai quân đến khu vực, cũng như bày tỏ bối rối trước quan điểm của Thủ tướng Scholz.

    "Không ai thực sự hiểu tại sao Thủ tướng lại chặn việc này", tướng Gerhartz nói. Ông sau đó đề cập đến cái mà ông gọi là "những tin đồn hoang đường" về lý do Berlin không gửi tên lửa Taurus cho Kiev, trong đó có việc tên lửa không thể vận hành bình thường. Gerhartz còn tiết lộ ông đã nghe tin đồn từ một phóng viên "cực kỳ thân thiết với Thủ tướng".

    Ngay cả trước khi đoạn ghi âm bị phát tán, Thủ tướng Scholz đã phải đối mặt với những ý kiến phản đối trước tuyên bố của ông rằng Đức sẽ phải triển khai quân đến Ukraine nếu chuyển tên lửa Taurus cho Kiev.

    Tuần trước, nghị sĩ cấp cao đảng Xanh Anton Hofreiter cáo buộc ông Scholz "rõ ràng không nói sự thật" về tên lửa Taurus, đồng thời lưu ý rằng Đức đã chuyển 260 tên lửa tới Hàn Quốc mà không kèm theo binh sĩ hỗ trợ nhắm mục tiêu như Thủ tướng Scholz mô tả. Hofreiter cho rằng lý do thực sự khiến lãnh đạo Đức miễn cưỡng với ý tưởng chuyển giao tên lửa Taurus có thể là do ông "không tin tưởng người Ukraine".

    Scholz và các thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của ông từ lâu đã lo sợ rằng Kiev có thể sử dụng tên lửa dẫn đường được Berlin chuyển giao để tấn công vào Moskva.

    Taurus, thường được phóng từ chiến đấu cơ, có tầm bắn khoảng 500 km, nghĩa là phi cơ Ukraine chỉ cần bay một đoạn ngắn qua biên giới phía bắc là có thể đưa thủ đô Nga vào tầm ngắm.

    Những người ủng hộ việc gửi tên lửa cho rằng Ukraine đến nay vẫn chưa vi phạm các giới hạn đặt ra đối với việc triển khai vũ khí mà Đức và các nước phương Tây khác cung cấp. Nhưng giới quan sát cho rằng không thể bỏ qua nguy cơ Ukraine phớt lờ những hạn chế này khi xung đột lên tới đỉnh điểm.

    Mặt khác, vì Đức đã cung cấp cho Ukraine hơn 30 tỷ USD viện trợ và thiết bị quân sự, trong đó có cả xe tăng chiến đấu, nhiều chuyên gia an ninh đặt câu hỏi về tính logic đằng sau việc Scholz từ chối chuyển tên lửa Taurus.

    Chính phủ Thủ tướng Scholz đã tìm cách mô tả cuộc họp bị nghe lén như một cuộc thảo luận mà các lãnh đạo quân sự Đức thực hiện định kỳ. Bộ trưởng Pistorius trong khi đó cáo buộc bê bối này thực sự là "một cuộc chiến thông tin" của Nga.

    "Chúng tôi đang đối phó với một cuộc tấn công hỗn hợp liên quan đến thông tin sai lệch nhằm chia rẽ chúng ta và làm suy yếu đoàn kết của chúng ta", ông nói hôm 3/3. "Chúng ta không nên mắc bẫy".

    Tuy nhiên, theo giới phân tích, vụ nghe lén của Nga đơn thuần là hoạt động gián điệp, không phải một chiến dịch gây thông tin sai lệch. Tổng thống Putin có thể coi đây là bằng chứng cho thấy phương Tây rõ ràng đang nhắm mục tiêu vào Nga, nhưng sự việc trên hết là một hồi chuông cảnh tính đối với Đức, cho thấy hệ thống phản gián của nước này đang có rất nhiều lỗ hổng.

    Thêm vào đó, những thông tin mà các lãnh đạo quân sự Đức trao đổi trong cuộc họp cũng không bị can thiệp, điều góp phần khuếch đại sức ảnh hưởng của đoạn ghi âm. Đó không phải "thông tin sai lệch", mà là thông tin tuyệt mật bị lộ.

    Đoạn ghi âm cho thấy nỗi thất vọng của giới lãnh đạo quân đội Đức đối với chính phủ, cũng như nỗi hoang mang của các tướng trước việc Thủ tướng Scholz quyết không chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine.

    Tên lửa Taurus KEPD 350 trong trạng thái chờ lắp ráp hồi năm 2018. Ảnh: Saab

    Tên lửa Taurus KEPD 350 trong trạng thái chờ lắp ráp hồi năm 2018. Ảnh: Saab

    Với Ukraine, việc nội dung cuộc thảo luận bị tiết lộ khiến Kiev càng khó có khả năng nhận được mẫu tên lửa hiện đại này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

    Các chính trị gia đối lập Đức đã ra tín hiệu rằng họ có thể kêu gọi điều tra sự việc. Quá trình đó có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, và điều này không giúp ích gì cho Ukraine.

    "Thủ tướng Scholz đang ngày càng trở thành một mối rủi ro an ninh đối với châu Âu", Roderich Kiesewetter, nghị sĩ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, nói.

    Hôm 4/3, Thủ tướng Scholz vẫn khẳng định rằng vụ rò rỉ không làm ông thay đổi quan điểm về việc không chuyển giao Taurus cho Ukraine. "Tôi là Thủ tướng và mọi việc là như vậy", ông tuyên bố trong chuyến thăm miền nam đất nước. Với Nga, đây chính là thứ họ muốn vào lúc này.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giải trí?
Darebin RSL Sub-branch Vùng: Preston. Phone: 9484 4353
Xem thêm

Địa điểm giải trí và vui chơi hấp dẫn cho cả gia đình và bạn bè với nhiều món Steak đặc biệt nhất


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nang-luc-tinh-bao-nga-doi-gao-nuoc-lanh-vao-duc-4718625.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ