Cách Mỹ kiềm chế Israel
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/4 nhận được điều mà ông mong muốn từ Israel: đòn đáp trả quân sự kiềm chế đối với Iran, gây thiệt hại không đáng kể và không khiến căng thẳng Tel Aviv - Tehran leo thang thành một cuộc chiến toàn diện.
Israel chưa công khai thừa nhận vụ tấn công, nhưng các vụ nổ gần thành phố Isfahan, miền trung Iran, cho thấy đây là cuộc tấn công hạn chế, quy mô nhỏ, gần như mang tính biểu tượng.
Quân đội Iran trước đó tuyên bố bắn hạ ba máy bay không người lái (UAV), gây ra một số vụ nổ trên bầu trời Isfahan nhưng không chịu thiệt hại nào dưới mặt đất. Phía Iran nói chưa tìm thấy mối liên hệ giữa các UAV với Israel và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cho biết Iran coi như sự việc đã xong, không cần thiết phải đáp trả.
Tuy nhiên, ảnh vệ tinh được Umbra Space chụp khoảng 5 tiếng sau khi xảy ra vụ tập kích cho thấy radar 30N6E thuộc tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU2 của Iran có thể bị hư hỏng tại trận địa bảo vệ cơ sở hạt nhân Natanz gần căn cứ Isfahan.
Nếu cuộc tập kích thực sự do Israel thực hiện, đây sẽ là thông điệp gửi tới Tehran rằng Tel Aviv có khả năng quân sự để tấn công sâu vào lãnh thổ Iran, chứ không chỉ đơn thuần là nhắm vào lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Syria và Iraq. Họ cũng cho thấy có thể tập kích mục tiêu quan trọng như căn cứ quân sự và cơ sở hạt nhân của Iran, bất chấp hiện diện của hệ thống phòng không S-300.
Song cuộc tập kích dường như cũng được tính toán để không gây phẫn nộ trong chính quyền ông Biden, người mong muốn xoa dịu căng thẳng Trung Đông khi cuộc bầu cử tổng thống quan trọng tháng 11 đến gần. Tổng thống Mỹ có thể không ngăn cản được đối thủ của Washington, nhưng ông có thể kiềm chế được đồng minh của mình bằng chiến lược "vừa ôm vừa ghì", theo giới quan sát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) ôm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trên đường băng sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv hồi tháng 10/2023. Ảnh: AFP
Trước đó, Mỹ đã nhiều lần bất đồng với Israel về chiến sự Gaza. Ông Biden hôm 9/4 cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã "phạm sai lầm" khi xử lý xung đột tại Dải Gaza và ông "không đồng ý với cách tiếp cận của ông ấy", đồng thời kêu gọi Israel ngừng bắn.
Căng thẳng song phương gia tăng khi Israel không chấp nhận ngừng bắn, thậm chí tập kích vào đoàn xe viện trợ nhân đạo gây thương vong lớn, khiến ông Biden phẫn nộ. Dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Israel, cũng như bác các nghị quyết chống lại Tel Aviv ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chiến lược này của Tổng thống Mỹ gây nhiều thắc mắc, nhưng giới quan sát cho rằng nó là một phần trong tính toán của ông Biden nhằm giữ cho Israel trong tầm ảnh hưởng của mình.
"Một phần vì ông Biden tin Israel có quyền tự vệ. Hai là Tổng thống Mỹ là người giàu kinh nghiệm chính sách đối ngoại, hiểu rằng việc tiếp tục duy trì viện trợ của Washington cho Tel Aviv có thể mang lại cho ông đòn bẩy để kiềm chế căng thẳng Trung Đông leo thang nhanh chóng thành chiến tranh khu vực, kéo Mỹ vào cuộc và gây tổn hại cho nước này trong năm bầu cử quan trọng", Max Boot, nhà phân tích của Washington Post, cho hay.
Boot cho rằng hiệu quả từ chiến lược "ôm ghì" của chính quyền ông Biden với Israel đã được thể hiện rõ qua đòn tập kích vào Iran ngày 19/4.
Nguy cơ xung đột toàn diện trong khu vực đã gia tăng đáng kể sau khi Iran ngày 13/4 phóng hơn 300 UAV, tên lửa vào lãnh thổ Israel, nhằm đáp trả cuộc không kích đại sứ quán Iran ở Syria hồi đầu tháng. Đây là lần đầu tiên Iran phát động tấn công trực diện vào Israel trong suốt 45 năm đối đầu.
Nếu cuộc tấn công của Iran gây thiệt hại lớn, Israel sẽ buộc phải đáp trả tương xứng và xung đột sẽ nhấn chìm khu vực, khiến lực lượng Mỹ bị mắc kẹt. Thay vì cho phép điều đó, ông Biden cam kết quân đội Mỹ sẽ giúp Israel phòng vệ với sự hỗ trợ của Anh, Pháp và Jordan. Ngay cả Arab Saudi và các nước vùng Vịnh khác dường như cũng đã hỗ trợ tin tình báo giúp Israel đối phó đòn tấn công.
Các tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ ở miền bắc Iraq đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo của Iran, trong khi hai chiến hạm của Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải hạ 4-6 tên lửa đạn đạo. Với sự hỗ trợ của đồng minh và hệ thống phòng thủ Vòm Sắt, Israel đã đánh chặn thành công 99% vũ khí từ Iran và chịu thiệt hại không đáng kể.
Đài phát thanh quốc gia Israel Kan hôm 17/4 dẫn lời quan chức cấp cao giấu tên cho biết nội các chiến tranh nước này đã chuẩn bị hàng loạt kế hoạch phản ứng từ trước khi Tehran phát động cuộc tập kích quy mô lớn đêm 13/4, trong đó có phương án tấn công chớp nhoáng nhằm vào Iran chỉ sau vài giờ.
"Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã từ bỏ loạt kế hoạch sau khi điện đàm với Tổng thống Biden. Chúng tôi sẽ đáp trả, nhưng dường như hành động tiếp theo sẽ khác xa với những phương án được chuẩn bị sẵn. Sự nhạy cảm ngoại giao đã chiến thắng", quan chức này nói.
Trong những ngày sau đó, ông Biden và các trợ lý đã vận động hành lang, cho rằng Israel đã "chiến thắng" trong cuộc đối đầu và kêu gọi Tel Aviv kiềm chế hành động trả đũa. Áp lực từ Mỹ đã tác động mạnh mẽ tới công chúng Israel, khi cuộc khảo sát do Đại học Hebrew công bố đầu tuần này cho thấy 74% người Israel phản đối cuộc trả đũa vào Iran nếu "nó làm suy yếu liên minh an ninh giữa nước này và các đồng minh".
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và nội các chiến tranh Israel nhận thấy họ không thể không làm gì, song phớt lờ lời kêu gọi trả đũa mạnh mẽ từ những người có đường lối cứng rắn. Ông Netanyahu đã nói với các bộ trưởng trong đảng Likud rằng phản ứng của Israel sẽ "hợp lý và không vô trách nhiệm", theo WSJ.
Thủ tướng Israel dường như đã làm đúng như vậy, khi Tel Aviv chỉ tiến hành cuộc tập kích hạn chế gần Isfahan. Chính phủ của ông Netanyahu giữ im lặng, không nhận trách nhiệm lẫn phủ nhận liên quan sự việc. Giới quan sát cho rằng Iran và Israel đã tìm được lối thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng một phần nhờ quyết định "im lặng chiến lược" từ Tel Aviv.
Những mảnh vỡ bốc cháy sau khi UAV Iran bị Israel đánh chặn trên bầu trời thành phố Jerusalem vào rạng sáng 14/4. Ảnh: Reuters
Các biện pháp trừng phạt mới với Iran mà Mỹ công bố tuần này cũng là một phần trong chính sách kiềm chế xung đột. Với quyết định trừng phạt những người Iran tham gia vào chương trình tên lửa, Mỹ muốn thuyết phục đồng minh Israel kiềm chế leo thang.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cũng không nhắm vào điều mà Tehran quan tâm nhất là xuất khẩu dầu, vốn mang lại nguồn doanh thu 36-40 tỷ USD mỗi năm. Điều này được cho nhằm cố gắng không khiêu khích Iran ngay cả khi Mỹ phải trả giá bằng những hạn chế trong khả năng răn đe.
Dù hiện tại xung đột toàn diện khu vực đã được ngăn chặn, giới quan sát nhận định nguy cơ Iran và Israel vượt lằn ranh đỏ vẫn thường trực. Họ cho rằng cần có sự tham gia tích cực và liên tục của Mỹ để giữ trạng thái thù địch giữa Iran và Israel không vượt tầm kiểm soát.
"Những sự kiện diễn ra trong tuần qua cho thấy sự lãnh đạo kiên định, kiên nhẫn và quyết đoán của chính quyền ở Washington có thể giúp đưa khu vực thoát khỏi nguy cơ chiến tranh", nhà phân tích Boot nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chien-luoc-vua-om-vua-ghi-giup-ong-biden-kiem-che-israel-4736445.html