Các trường đại học Australia khó khăn trong việc hợp tác với Trung Quốc

12:46' 22-10-2019
Các trường đại học tại Australia đối mặt với lưa chọn khó khăn trong việc hợp tác với Trung Quốc do những rủi ro an ninh mà nước này gây ra, như trong các lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo.


    Đại học Australia sợ rủi ro an ninh khi hợp tác với Trung Quốc - 1

    (Ảnh minh họa: Bloomberg)

    Khi Đại học Công nghệ Sydney (UTS) mở trung tâm nghiên cứu chung với tập đoàn công nghệ Trung Quốc CETC vào năm 2017, trường này đã cam kết rằng sự hợp tác này sẽ thúc đẩy năng lực của Australia trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán lượng tử.

    Nhưng khi dự án trị giá 20 triệu USD kéo dài 5 năm mới đi được nửa chặng đường, Trung tâm sáng tạo nghiên cứu trong công nghệ điện tử và thông tin Australia - Trung Quốc không thu hút sự chú ý đối với các giải pháp sáng tạo hoặc các ảnh hưởng xã hội tích cực như dự doán.

    Thay vào đó, sự hợp tác trên đang là trung tâm của một cuộc tranh cãi ngày càng gia tăng về việc các trường đại học Australia nên cân bằng như thế nào sự hợp tác quốc tế vốn rất cần trong các lĩnh vực triển vọng với các lo ngại ngày càng gia tăng rằng sự hợp tác như vậy có thể tổn hại tới an ninh quốc gia của Australia, có thể được sử dụng theo các cách thức đi ngược với các giá trị quốc gia, và thúc đẩy các chính sách kiểm soát của Bắc Kinh.

    UTS chỉ là một trong số danh sách ngày càng dài các trường đại học của Australia đối mặt với sự đề phòng vì mối quan hệ hợp tác với các thực thể có liên quan hoặc do chính phủ Trung Quốc sở hữu, trong đó có Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc CETC vốn chế tạo và bán các sản phẩm giám sát được cho là đang được sử dụng trong một chiến dịch gia tăng kiểm soát nhằm vào người Hồi giáo thiểu số ở vùng Tân Cương.

    Ngoài UTS, các trường gồm có Đại học New South Wales Sydney, Đại học Sydney, Đại học Quốc gia ustralia, Đại học Queensland, và Đại học Adelaide cũng đều vướng phải các tranh cãi về các mối quan hệ với Trung Quốc.

    “Mọi người đang rất ý thức về các thách thức đạo đức hơn so với vài năm trước trong một số trường hợp, một số lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt. Lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh”, chuyên gia Toby Walsh từ Đại học New South Wales Sydney, cho hay. “Vì công nghệ phát triển rất nhanh nên tất cả chúng ta đều phải ý thức đối với các lựa chọn đạo đức rất cẩn trọng mà chúng ta thực hiện”.

    Hồi tháng trước, UTS đã thông báo ngừng một dự án nghiên cứu chung, và xúc tiến kết thúc 2 dự án khác, sau một báo cáo cho thấy một chi nhánh của CETC đã phát triển một ứng dụng được sử dụng nhằm theo dõi trên diện rộng cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Mặc dù khẳng định rằng nghiên cứu của họ không được sử dụng tại Tân Cương nhưng UTS cho biết trường này đã quyết định ngừng dự án gây tranh cãi nhất, liên quan tới việc phân tích video an ninh công cộng, do “những lo ngại về việc sử dụng tiềm tàng trong tương lai”.

    Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 thế giới cho nghiên cứu và phát triển hồi năm ngoái, với 452 tỷ USD đầu tư, và được dự đoán sẽ đánh bật Mỹ khỏi vị trí dẫn đầu trong 1 thập niên tới.

    Trung Quốc cũng đang trên đường vượt mặt Mỹ trở thành đối tác lớn nhất của Australia về nghiên cứu khoa học trong năm nay, theo một báo cáo được Viện quan hệ Australi - Trung Quốc tại Sydney công bố hồi tháng 7.

    Trong bối cảnh những nghi ngờ ngày càng gia tăng về các nghiên cứu được Trung Quốc hỗ trợ, Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan hồi tháng 8 đã công bố lập một đội chuyên về giải quyết các vấn đề can thiệp của nước ngoài tại các trường đại học, với các nhóm công tác riêng rẽ về an ninh mạng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, minh bạch trong các quan hệ đối tác giữa các trường đại học và các thực thể nước ngoài.

    Ian Hall, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Griffith châu Á ở Brisbane, cho rằng các trường đại học Australia đang đối mặt với tình thế phải cân bằng giữa các lựa chọn đạo đức với các khoản đầu tư giá trị và các nguồn lực khác từ các thực thể Trung Quốc. “Các trường đại học không muốn chấm dứt điều đó - ngân sách bị đe dọa và sự hợp tác giúp thúc đẩy điểm trong các bảng xếp hạng quốc tế quan trọng”.

    Mặc dù thừa nhận tiềm năng về hợp tác quan trọng với Trung Quốc trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, các chuyên gia cho rằng các học giả ngày càng đối mặt với những lựa chọn khó khăn về các công nghệ gây tranh cãi hơn như nhận diện khuôn mặt.

    Những người khác thì cho rằng cần chú trọng hơn trong các cuộc thảo luận về cách thức tiến hành các hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc.

    Adam Ni, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của một cuộc thảo luận sâu và mạnh mẽ về vấn đề này.

    “Không phải tất cả các dự án hợp tác đều giống nhau. Trong một số trường hợp, dù có các liên hệ giữa các thực thể và chính phủ Trung Quốc, vẫn có những lý do tốt để hợp tác. Tôi nghĩ cái chính là phải đánh giá các dự án trên cơ sở từng trường hợp và áp dụng một quy trình thẩm định kỹ càng”, chuyên gia trên nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Article sourced from DANTRI.

Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/dai-hoc-australia-so-rui-ro-an-ninh-khi-hop-tac-voi-trung-quoc-20191022071041383.htm


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ