Các nhà khoa học đang bị đổ lỗi về Covid-19

13:00' 23-06-2021
Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, các nhà khoa học vừa phải nỗ lực tìm ra nguồn gốc của SARS-CoV-2, vừa chịu công kích từ nhiều phía và bị đổ lỗi rằng chính họ đã tạo ra virus.


    thach thuc cua nha khoa hoc trong Covid-19 anh 1

    Stanley Perlman, người nghiên cứu virus corona trong 39 năm, đã nhận được một email vào ngày 9/6 với nội dung châm biếm: “Bác sĩ Frankenstein chỉ muốn tiền từ công chúng và muốn nghiên cứu những thứ mà ông ta không nên rớ tới. Cám ơn rất nhiều vì corona, đồ thất bại”, theo Washington Post.

    Ông Perlman, một nhà virus học tại Đại học Iowa, không biết tác giả của email.

    Tuy nhiên, vào hồi tháng 2/2020, ông đã ký tên vào một lá thư gửi cho tạp chí Lancet đồng ý rằng SARS-CoV-2 không phải do con người tạo ra, đồng thời lên án “các thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên”.

    Cả thuyết “nguồn gốc tự nhiên” lẫn các thuyết “rò rỉ từ phòng thí nghiệm” đều chưa có đủ bằng chứng xác đáng để đưa ra kết luận, tạo nên những cuộc tranh luận lớn trong cộng khoa học.

    Bên cạnh đó, các giả định và thảo luận xung quanh nguồn gốc của Covid-19 cũng đang khiến các nhà khoa học hứng chịu công kích từ nhiều phía, gây nên tác động tiêu cực lên cộng đồng khoa học quốc tế.

    “Khoa học và sự thật đang bị tấn công”

    Các nhà khoa học thời gian gần đây đã phải đối phó với vô số tình huống tương tự như email mà Perlman nhận được. Giờ đây, họ đang phải đối mặt với sự nghi ngờ rằng chính họ là nguyên nhân gây ra đại dịch đã giết chết hàng triệu người.

    thach thuc cua nha khoa hoc trong Covid-19 anh 2

    Stanley Perlman, nhà virus học tại Đại học Iowa, Mỹ. Ảnh: University of Iowa Health Care.

    Chủ tịch của Học viện Khoa học Quốc gia Marcia McNutt và chủ tịch của các học viện quốc gia về y học và kỹ thuật đã công bố một bức thư vào ngày 15/6 nêu rõ quan điểm trung lập giữa tất cả giả thuyết. Họ ủng hộ một cuộc thăm dò “theo nguyên tắc khoa học”, xem xét nhiều kịch bản khác nhau về nguồn gốc của đại dịch.

    “Thông tin sai lệch, tuyên bố không có căn cứ và công kích cá nhân vào các nhà khoa học xung quanh các lý thuyết khác nhau về nguồn gốc của virus là không thể chấp nhận được, gây ra sự nhầm lẫn cho công chúng, và có nguy cơ làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với khoa học và nhà khoa học, bao gồm cả những nỗ lực hàng đầu nhằm kiểm soát đại dịch”, bức thư viết.

    Francis S. Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi vô cùng thất vọng khi chứng kiến dịch đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mệnh của 4 triệu người bằng cách nào đó đã trở thành động cơ để công kích các nhà khoa học đang cố gắng hết sức để giúp chúng ta vượt qua nó”.

    Ông dẫn chứng về trường hợp của bác sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc từ năm 1984 của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia. Ông từng phục vụ nước Mỹ qua 7 đời tổng thống. Thế nhưng, trong những tuần gần đây, ông đã bị các phương tiện truyền thông cánh hữu chỉ trích nặng nề. Peter Navarro, người từng là đại diện thương mại của Donald Trump, thậm chí còn tuyên bố vào tháng 3 rằng: “Tony Fauci là cha đẻ của virus”.

    “Đây là điều rất nguy hiểm, vì những công kích nhắm vào tôi cũng chính là công kích chống lại khoa học. Bởi lẽ, tất cả điều mà tôi nói từ đầu cơ bản đều dựa trên cơ sở khoa học. Khoa học và sự thật đang bị tấn công”, ông nói trên MSNBC.

    Thuyết "tai nạn phòng thí nghiệm"

    Tuy đa số nhà khoa học không ủng hộ giả thuyết cho rằng SARS-CoV-2 là sản phẩm phòng thí nghiệm do con người tạo ra, họ vẫn để ngỏ khả năng virus này xuất phát từ Viện Virus học Vũ Hán một cách vô tình, do tai nạn. Các nhà nghiên cứu nghiên cứu virus corona ở Vũ Hán có thể đã không biết về sự tồn tại của SARS-CoV-2 trong cơ sở của họ.

    Các trường hợp tai nạn phòng thí nghiệm vốn nhiều lần được ghi nhận trong quá khứ. Chẳng hạn, 9 ca nhiễm SARS trong năm 2004 sau khi truy vết đều dẫn đến nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Bắc kinh. Năm 1977, nghiên cứu của Nga về bệnh cúm có thể đã khiến một chủng cúm thoát ra ngoài, dẫn đến một đại dịch.

    thach thuc cua nha khoa hoc trong Covid-19 anh 3

    Các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán năm 2017. Ảnh: AAP.

    Tháng trước, tạp chí Science đã công bố một bức thư của 18 nhà khoa học nổi tiếng, kêu gọi điều tra mạnh mẽ hơn về nguồn gốc của virus, đồng thời chỉ trích báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi báo cáo này nói rằng thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “hoàn toàn không có khả năng”.

    Nhà vi sinh vật học của Đại học Stanford David A. Relman vào tháng 11 đã xuất bản một viết trên kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, thảo luận về nguồn gốc của SARS-CoV-2, bao gồm cả giả thuyết phòng thí nghiệm.

    “Có khả năng là virus đã vô tình phát triển mà không ai hay biết và lây lan mà không gây triệu chứng, hoặc một nhân viên của viện đã nhiễm virus trong quá trình thu thập mẫu từ một ổ chứa virus tự nhiên, như hang dơi”, Relman nói.

    Thạch Chính Lệ, một nhà nghiên cứu virus corona nổi tiếng thế giới tại Viện Virus học Vũ Hán, cho biết bà đã xem xét hồ sơ tại viện và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy SARS-CoV-2 từng có mặt ở đó.

    Dù có thể nghi ngờ về kết quả nghiên cứu của đồng nghiệp, cộng đồng khoa học quốc tế thường tin rằng đồng nghiệp họ trung thực.

    Trong một bài viết trên trên Medium, nhà báo khoa học Donald G. McNeil Jr. cho biết nhà dịch tễ học Đại học Columbia W. Ian Lipkin nói rằng có thể SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại phòng thí nghiệm của họ nhưng các nhà khoa học không nhận ra điều đó.

    “Nếu họ có hàng trăm mẫu dơi và một số mẫu chưa xem xét cụ thể, thì làm sao họ biết được virus này có ở phòng thí nghiệm hay không”, Lipkin nói.

    thach thuc cua nha khoa hoc trong Covid-19 anh 4

    Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Reuters.

    Lipkin phân tích hai bài báo khoa học mà bà Thạch là đồng tác giả, chỉ ra rằng virus corona ở dơi tại viện Vũ Hán được xử lý trong các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 2, thay vì các phòng cấp 3 hoặc cấp 4 an toàn hơn. Điều đó làm tăng khả năng là virus đã không được xử lý thật sự an toàn, ông nói.

    Ông nói rằng nếu có một loại virus chưa được biết đến vô tình lây lan trong phòng thí nghiệm, thì nó cũng khó tìm hiểu và xác định nguồn gốc tương đương với virus bên ngoài phòng thí nghiệm.

    “Chúng ta có thể không bao giờ biết thứ này đến từ đâu”, Lipkin nói.

    Lỗ hổng và sự thiếu minh bạch trong các thuyết

    Các giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thiếu bằng chứng trực tiếp.

    Cho đến nay, các phỏng đoán về rò rỉ được đưa ra dựa trên những ẩn số, sự thiếu thông tin, tuyên bố không nhất quán của các nhà khoa học và sự thiếu minh bạch của quan chức Trung Quốc.

    Các bác sĩ Collins và Fauci đã kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc công khai hồ sơ để điều tra. Tổng thống Joe Biden trong tháng này cũng đã nhắc Trung Quốc nên để các nhà điều tra tiếp cận phòng thí nghiệm của họ.

    “Chúng tôi không có quyền tiếp cận để xác định liệu có phải dịch bệnh bắt nguồn chợ động vật và môi trường hay không, hay đó là sự cố trong phòng thí nghiệm”.

    Một tờ thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 15/1 cho biết một số người làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán đã nhập viện vào mùa thu năm 2019 với các triệu chứng tương tự Covid-19 hoặc cúm mùa. Tuy nhiên, không có tài liệu công khai nào về danh tính của những người này, chẩn đoán y tế của họ, hoặc bất kỳ ai mắc bệnh sau khi tiếp xúc gần với họ.

    Thuyết ủng hộ nguồn gốc tự nhiên cũng có lỗ hổng. Sau hơn một năm, giới khoa học vẫn chưa xác định được loài động vật trung gian lây virus cho con người là loài nào.

    thach thuc cua nha khoa hoc trong Covid-19 anh 5

    Việc khử trùng tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán vào tháng 3/2020. Ảnh: Reuters.

    Có vô số loại virus, bao gồm corona, trước đây từng lây lan cho con người thông qua vật trung gian. SARS, một chủng corona, từng gây ra đợt dịch vào năm 2002 và 2003 nhưng đã bị dập tắt trước khi trở thành đại dịch. Loại virus này lần đầu tiên truyền qua cầy vòi mốc được bán tại chợ. Các nhà khoa học tin rằng SARS-CoV-2 cũng có thể đã lây cho con người qua vật trung gian.

    Một báo cáo được công bố trong tháng này trên chuyên san Nature cho biết chợ ở Vũ Hán trong 2,5 năm trước khi đại dịch xảy ra đã bán hơn 47.000 động vật từ 38 loài, bao gồm lửng chó, chồn, lửng, nhím, sóc đất, chồn nâu châu Mỹ, dúi và sóc bay. SARS-CoV-2 đã được chứng minh là một loại virus có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau. Nó đã được tìm thấy ở những con mèo nhà và mèo hoang trên khắp Vũ Hán.

    Dù hàng chục nghìn loài động vật đã được thử nghiệm ở Trung Quốc để tìm kiếm đâu là loài trung gian lây nhiễm virus, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy chủng tiền thân của SARS-CoV-2. Nguồn gốc động vật của nhiều bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả Ebola, chưa bao giờ được xác định một cách chính xác.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/cac-nha-khoa-hoc-bi-te-than-vi-covid-19-post1229775.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ