Giới khoa học tiếp tục tranh cãi về khả năng nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Stanley Perlman, người đã nghiên cứu virus trong 39 năm, nhận được một email với nội dung rất khó chịu vào ngày 4/6: "Bác sĩ Frankenstein chỉ muốn có thêm tiền của công chúng và muốn nghiên cứu những thứ mà lẽ ra ông ta không nên động vào. Cảm ơn rất nhiều vì corona, đồ tồi".
Perlman, nhà virus học tại Đại học Iowa, không biết tác giả của email và không liên quan gì đến sự xuất hiện của Covid-19, nhưng ông bị so sánh với nhân vật Victor Frankenstein, nhà khoa học đã tạo ra một quái vật trong một thí nghiệm không chính thống. Perlman đã đồng ký một lá thư gửi đến tạp chí y khoa danh tiếng Lancet vào tháng 2/2020, lên án "các thuyết âm mưu cho thấy Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên".
Nhà virus học từ Đại học Iowa Stanley Perlman. Ảnh: Đại học Iowa.
Nhiều nhà khoa học vẫn đồng ý với ý kiến đó, nhưng giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm chưa bao giờ biến mất và đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tạp chí Science tháng trước công bố thư của 18 nhà khoa học nổi tiếng, kêu gọi một cuộc điều tra mạnh mẽ hơn về nguồn gốc virus và chỉ trích một báo cáo của WHO đã gọi giả thuyết này là "cực kỳ khó xảy ra".
Francis S. Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia, và Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ, đã kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc để các chuyên gia bên ngoài kiểm tra hồ sơ. Tổng thống Biden nhắc lại trong tháng này rằng Trung Quốc nên để các nhà điều tra tiếp cận các phòng thí nghiệm: "Chúng tôi đã không có quyền tiếp cận để xác định liệu đây có phải là hậu quả từ chợ bán động vật và môi trường, hay một thí nghiệm đã không diễn ra suôn sẻ".
Lập luận chính để ủng hộ giả thuyết nCoV có nguồn gốc tự nhiên là điều này đã xảy ra với vô số loại virus, bao gồm SARS, đã gây ra đợt dịch khiến khoảng 800 người chết vào năm 2002 và 2003. Virus SARS đã lây sang người qua động vật trung gian được bán ở chợ là cầy vòi mốc Himalaya. Do đó, nhiều nhà khoa học tin rằng nCoV có thể cũng truyền qua vật chủ trung gian.
Trong khi đó, nhà vi sinh vật học David A. Relman từ Đại học Stanford, một trong những người đồng ký thư gửi tới Science, cho biết tình hình chính trị năm ngoái khiến nhiều nhà khoa học không dám cởi mở thúc đẩy giả thuyết nCoV rò rỉ phòng thí nghiệm. Họ không muốn bị coi là liên kết với Trump và các đồng minh của ông, những người gọi nCoV là "virus Trung Quốc".
Relman cho biết hai nhà khoa học được mời ký vào thư đã bày tỏ lo ngại rằng giả thuyết có thể làm bùng lên tinh thần thù hận người gốc Á. Cuối cùng, chỉ có một người ký.
Relman khẳng định ông luôn cân nhắc cả hai giả thuyết. Ông để ngỏ khả năng các quan chức Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp thông tin cởi mở về các thí nghiệm. "Có vẻ như nhiều khả năng virus đã được phát triển một cách vô tình, lây sang người nhưng không có triệu chứng và điều đó đã không được thừa nhận, hoặc một nhân viên phòng thí nghiệm đã nhiễm virus trong quá trình thu thập mẫu từ ổ chứa virus tự nhiên, như hang động có dơi", Relman nói.
"Về mặt lý thuyết, họ cũng có thể đã làm gì đó với một số loại virus tổ tiên của nCoV nhưng không công khai. Nếu vậy thì có thể họ đã cố tình không nói về một số công việc đang diễn ra ở đó".
Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn bài xích giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm và nghiêng về phương án virus truyền từ động vật sang người. Một phần đáng kể các ca nhiễm nCoV ban đầu liên quan đến khu chợ ở Vũ Hán, nơi nCoV được tìm thấy trong cống rãnh và các bề mặt khác gần các quầy hàng động vật.
Một báo cáo được công bố trong tháng này trên tạp chí Nature cho biết trong 2,5 năm trước khi đại dịch xảy ra, các chợ ở Vũ Hán đã bán hơn 47.000 cá thể động vật từ 38 loài, bao gồm lửng, chồn, nhím, chuột tre và sóc bay. nCoV đã được chứng minh là loại virus có thể lây nhiễm cho nhiều loài động vật. Nó đã được tìm thấy ở cả ở mèo nuôi và mèo hoang trên khắp Vũ Hán.
Mặc dù hàng chục nghìn loài động vật đã được kiểm tra ở Trung Quốc để tìm kiếm vật chủ trung gian, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy chủng tiền thân của nCoV. Nguồn gốc động vật của nhiều bệnh lây truyền từ động vật, bao gồm Ebola, chưa bao giờ được xác định chính xác. Việc giám sát các loại virus có khả năng truyền sang người vẫn chưa được tiến hành mạnh mẽ.
"Nó vẫn ở đâu đó ngoài kia mà chúng ta chưa phát hiện ra", Benjamin Neuman, nhà virus học tại Đại học Texas A&M, nói.
Ông bực bội vì một số đồng nghiệp ủng hộ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. "Thật đáng buồn", ông nói. "Tôi có cảm giác như họ cởi xuống chiếc áo blouse phòng thí nghiệm khi nói những điều đó".
Nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán hồi tháng hai. Ảnh: AFP.
Robert F. Garry Jr., nhà virus học từ Đại học Tulane, nghiêng về giả thuyết virus có nguồn gốc tự nhiên vì nCoV có các đặc điểm gene cho thấy nó tiến hóa tự nhiên. Ông nhấn mạnh nhiều trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên liên quan đến chợ và chỉ ra rằng virus đã đột biến thành những biến thể dễ lây truyền hơn - dấu hiệu cho thấy virus vẫn đang thích nghi với loài người.
"Tôi nghĩ rằng mọi người đang chán chường và rất nhiều người đang tìm kiếm ai đó để đổ lỗi", ông nói.
Khi chính quyền Trump sắp mãn nhiệm, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/1 công bố tài liệu cho biết một số người làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán đã nhập viện vào mùa thu năm 2019 với các triệu chứng giống Covid-19 hoặc cúm mùa. Không có tài liệu công khai nào về danh tính những người này, chẩn đoán y tế của họ hay liệu người tiếp xúc gần với họ có lây bệnh không.
Tranh cãi đã làm nhiều người nhớ đến các sự cố virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm trước đó. 9 ca nhiễm SARS năm 2004 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh sau đợt bùng phát SARS ban đầu. Năm 1977, nghiên cứu của Nga về bệnh cúm có thể đã dẫn đến việc một chủng cúm thoát ra và trở thành đại dịch.
Thạch Chính Lệ tại Viện Virus học Vũ Hán năm 2017. Ảnh: AFP.
Người nằm trong tâm điểm tranh cãi về nguồn gốc Covid-19 là Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu virus corona nổi tiếng thế giới đã hợp tác với các nhà khoa học Mỹ. Thạch cho biết bà đã tìm kiếm hồ sơ và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy nCoV từng có mặt trong cơ sở của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Science vào năm ngoái, bà nói rằng những cáo buộc của Trump đã gây nguy hiểm cho công việc nghiên cứu và cuộc sống cá nhân của đội ngũ của bà. "Ông ấy nợ chúng tôi một lời xin lỗi", bà nói.
Mặc dù các nhà khoa học có thể nghi ngờ về kết quả nghiên cứu của đồng nghiệp, họ thường cho rằng các đồng nghiệp trong cộng đồng khoa học quốc tế trung thực. Nhưng sự cố phòng thí nghiệm có thể xảy ra một cách vô tình chứ không nhất thiết các nhà khoa học phải nói dối.
W. Ian Lipkin, nhà dịch tễ học Đại học Columbia, nói rằng có thể nCoV tồn tại trong Viện Virus học Vũ Hán nhưng các nhà khoa học không nhận ra. "Nếu họ nhận được hàng trăm mẫu dơi và một số mẫu không được xác định rõ ràng, làm sao họ biết virus có hay không trong phòng thí nghiệm?", Lipkin nói.
Lipkin cho biết hai báo cáo khoa học do Thạch đồng tác giả chỉ ra rằng virus corona từ dơi chỉ được xử lý trong các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 2, thay vì các phòng thí nghiệm BSL-3 hoặc BSL-4 an toàn hơn.
Ông nói thêm rằng rất khó để phân biệt giữa virus bị lây nhiễm bên trong phòng thí nghiệm và bên ngoài phòng thí nghiệm. "Chúng ta có thể không bao giờ biết thứ này đến từ đâu", Lipkin nói.
Khoa học là quá trình khám phá những điều chưa biết và các nhà khoa học về cơ bản rất thoải mái với những kết luận không chắc chắn, mơ hồ và tạm thời. Nhưng đại dịch là thảm họa toàn cầu đã giết hàng triệu người và cần có những câu trả lời dứt khoát điều này đã xảy ra như thế nào. Các nhà khoa học có thể không bao giờ đưa ra được câu trả lời làm hài lòng tất cả mọi người.
"Chúng ta thực sự thiếu thông tin. Đó là lý do tại sao chúng ta có những cuộc thảo luận sâu rộng như vậy, thậm chí là thảo luận rất gay gắt", Perlman nói. "Thực sự không có dữ liệu. Toàn là ý kiến cá nhân".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/gioi-khoa-hoc-tranh-cai-nay-lua-ve-nguon-goc-covid-19-4297179.html